Thi đánh giá năng lực: Cần sáng tạo với dạng bài trắc nghiệm định lượng

Thầy Nguyễn Bá Tuấn
Thầy Nguyễn Bá Tuấn
“Đề thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội có 140 câu hỏi được giải quyết trong 195 phút làm bài. Với mỗi câu hỏi, học sinh chỉ có 1,5 đến 1,6 phút để giải quyết. Phần định lượng có 50 câu, học sinh phải trang bị kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm và rất cần sự linh hoạt, sáng tạo ” – thầy Nguyễn Bá Tuấn, giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết.

Kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1 năm 2016 của ĐHQG Hà Nội có đến 70.000 thí sinh đăng ký tham gia. Trong khi đó, chỉ tiêu của ĐHQG là hơn 6.400 sinh viên. 

Năm nay, ngoài ĐHQG Hà Nội còn có 5 trường  khác sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh là  Đại học Tài nguyên và Môi trường, Đại học Thủ đô, Đại học Nguyễn Trãi, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Tham gia kỳ thi này đã trở thành một cơ hội mở để thí sinh có thể đỗ đại học.

Thầy Nguyễn Bá Tuấn cho biết, khi nghiên cứu đề thi mẫu, thầy thấy rất hứng thú với cách ra đề thi của ĐHQG Hà Nội. Năm nay, được biết ĐHQG Hà Nội đã xây dựng được ngân hàng đề thi phong phú hơn rất nhiều so với năm 2015. Với cách thi trên máy tính, mỗi thí sinh một đề khác nhau, lượng câu hỏi trùng lặp giữa các đề không nhiều, tính công bằng và nghiêm túc của kỳ thi được nâng cao.

“Căn cứ trên đề thi mẫu và kinh nghiệm của các học sinh tham dự kỳ thi này năm 2015, đề thi của ĐHQG không có những câu quá khó. Phạm vi kiến thức bao phủ toàn bộ chương trình THPT và tập trung vào chương trình lớp 12. Đề thi có thể đụng đến những phần kiến thức chưa từng xuất hiện trong các đề thi đại học hay THPT quốc gia trước đây. Vì thế, học sinh cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, khả năng vận dụng kiến thức giải bài tập tốt và không cần đi học thêm nhiều cũng có thể giải quyết được đề thi của phần định lượng.”- thầy Tuấn nhận xét.

Cùng với sự gia tăng các câu hỏi về các vấn đề thời sự, xã hội ở phần định tính, với phần định lượng, những câu hỏi gắn với thực tế cũng có xu hướng tăng dần.

Khác với kỳ thi THPT, kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội thi trắc nghiệm hoàn toàn. Phương pháp thi này chưa quen thuộc với học sinh. Trong trường phổ thông, các em vẫn luyện thi tự luận là chính nên khi gặp đề trắc nghiệm với số lượng lớn và dạng bài phong phú, các em không tránh khỏi bối rối. Từ kỳ thi năm 2015, thầy Tuấn cho biết, nhiều em vẫn giải bài theo cách tự luận để tìm đáp án đúng. Nếu dùng cách này, dù em tính nhanh siêu tốc thì cũng rất khó để có thể hoàn thành bài thi. Trong khi đó, với tính chất của bài trắc nghiệm, có những câu hỏi chỉ cần thay đổi góc nhìn, quan sát những dấu hiệu của đáp án hoặc sử dụng phương án loại trừ, các em đã xác định được đáp án.

Bên cạnh đó, thầy Tuấn cho rằng cách ra đề thi của ĐHQG Hà Nội không chỉ để kiểm tra kiến thức nền tảng mà còn yêu cầu học sinh có tư duy sáng tạo, linh hoạt, nhanh nhạy khi vận dụng kiến thức để lựa chọn cách tiếp cận, giải quyết một bài toán. Đây là kỹ năng quan trọng cho mọi học sinh không chỉ trong học tập mà còn rất cần trong cuộc sống thực tế.

Từ đó, thầy Tuấn phân tích, để có thể giải quyết cả trăm câu hỏi trong một khoảng thời gian rất ngắn, học sinh cần trang bị cho mình những kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm.

Sử dụng máy tính cầm tay trong giải toán là một trong những kỹ năng rất quan trọng giúp học sinh có thể giải quyết nhanh các câu hỏi trong đề thi Đánh giá năng lực phần định lượng. Thầy Tuấn cho biết, với máy tính cầm tay, học sinh nên trang bị thêm cho mình những kỹ năng nâng cao như tính tích phân, tính giới hạn bằng máy tính… 

Thầy Nguyễn Bá Tuấn cũng chia sẻ một số phương pháp giải toán trắc nghiệm (đáp án là câu in đậm) do chính thầy tổng hợp như sau:

Thi đánh giá năng lực: Cần sáng tạo với dạng bài trắc nghiệm định lượng ảnh 1

Lời giải : Tính I nhập công thức tích phân như đề bài vào bàn phím máy tính

Thu được I = 1,0706….

Nhận xét: Bài này ta có thể dùng hai máy tính, máy thứ nhất dùng để tính tích phân. Máy thứ 2 để tính các đáp số. Khi tính đáp số ở A, B, C, D ra dạng thập phân nếu đáp số nào trùng với kết quả của tích phân thì ta lấy đáp án đó. Tuy nhiên, việc bấm máy tính từng đáp án có thể làm ta mất thời gian một chút. Ta nhận thấy cả 4 đáp án đều có dạng X ln 2 – Y (đây là tư duy tổng quát dạng của đáp án để sau đó dùng máy tính cầm tay được nhanh hơn).

Nhập biểu thức X ln 2 – Y , ấn CALC để bắt đầu gán X,Y cho từng cặp giá trị ở mỗi đáp án. Chọn đáp án C.

2. Phương pháp ước lượng 

Thi đánh giá năng lực: Cần sáng tạo với dạng bài trắc nghiệm định lượng ảnh 2
Bài này nếu làm theo cách tự luận thì rất mất thời gian. Tuy nhiên ta có thể dùng phương pháp đặc biệt hóa như sau: 
Ta thấy z=2 thỏa mãn đề bài, z = 2 thì có x=2 và y=0. Thay vào các đáp án A,B,C,D ta thấy chỉ có đáp án C là thỏa mãn. Từ đó ta chọn đáp án là C.

Thi đánh giá năng lực: Cần sáng tạo với dạng bài trắc nghiệm định lượng ảnh 3Vậy biểu thức B đúng.
Ngoài những phương pháp trên, thầy Tuấn khuyến khích học sinh tự tạo môi trường học và giải bài tập trắc nghiệm cho mình thông qua các kênh học tập rất phong phú hiện nay như: từ thầy cô, nhà trường, bạn bè, các nhóm học tập, luyện thi vào ĐHQG Hà Nội trên facebook, các video chia sẻ cách sử dụng máy tính cầm tay trên Youtube, các bài thi thử, bài tập được đông đảo học sinh, giáo viên luyện thi nổi tiếng chia sẻ trên mạng… 

Với nguồn tư liệu học tập và ôn thi rất phong phú như hiện nay, thầy Nguyến Bá Tuấn cho rằng, càng năng động, càng chịu khó tìm hiểu, các em sẽ thấy nhiều phương pháp thú vị trong giải bài toán trắc nghiệm và có thể tự mình tìm ra phương pháp giải riêng. 

MỚI - NÓNG