Theo chân thợ bẫy chim

Theo chân thợ bẫy chim
TP - Theo chân anh Phạm Văn T, quê ở Nam Trực (Nam Định) - một người bẫy chim lâu năm, tôi được tham gia vào một chuyến đi bẫy chim thực sự.
Theo chân thợ bẫy chim ảnh 1
Chuẩn bị đặt bẫy chim

Đi xe chừng một tiếng đồng hồ, chúng tôi đến được nơi mà anh đã ướm từ trước. Công việc đầu tiên phải làm là đặt bẫy.

Với thao tác chuyên nghiệp, anh dùng ghim cố định hai đầu lưới rồi dùng một đoạn dây chừng 20m buộc túm hai đầu lưới lại với nhau.

Từng chú chim mồi được moi ra khỏi lồng sau đó dùng dây cước nhỏ xỏ qua lỗ mũi rồi buộc vòng xuống chân. Cứ thế, hai ba chú chim bị cột chặt lại với nhau.

Việc đặt bẫy hoàn tất, công việc bây giờ chỉ là phóng loa gọi chim và chờ đợi. Anh T làm nghề này đã được dăm năm và anh hiểu rất rõ về tập quán sinh hoạt của các loài chim. Loại bẫy nhỏ như thế này chỉ dùng để bẫy chim sẻ mà thôi.

Bẫy chim tốt nhất là lúc mưa gió, ngập lụt, vì khi đó, chim mất chỗ kiếm ăn. Có khi một mẻ, anh bắt được cả vài chục con. Mỗi con chim sẻ chỉ có giá là 3.000 đồng, nhưng khi vào bàn nhậu và biến thành đặc sản thì mỗi đĩa chim sẻ rán có giá cả trăm nghìn.

Nơi tiêu thụ sản phẩm ở tận trên thành phố. Cứ hai đến ba ngày, sau khi tập kết đủ số lượng anh lại đem hàng lên một lần. Trước đây, người ta coi thường loại chim này vì nó quá nhỏ bé.

Thế nhưng, hiện nay, nó lại trở thành một món khoái khẩu của những bợm nhậu. Chính vì vậy số lượng của loại chim này ngày càng giảm sút nghiêm trọng.

Câu chuyện bị ngắt quãng vì có hai con chim bị sập bẫy. Anh giơ cho tôi xem đôi chim sẻ vừa bắt được và bảo: “Đây là đôi sẻ già, nó khôn lắm. Loại này một đôi có giá những 10.000 đồng, nhưng mà chả bán để ăn cho sướng miệng”.

Châm điếu thuốc, anh tiếp tục kể về những lần đi bẫy những loại chim lớn. Để bẫy được loại chim cu gáy thì phải dùng loại lưới bẫy dài trên mười mét.

Cu gáy có giá cao hơn chim sẻ rất nhiều. Mỗi con cu gáy có giá 40-50.000 đồng, còn loại đã thuần 200.000 - 250.000 đồng một con. Mỗi ngày chỉ cần bẫy được vài con như thế là đủ. Nhưng cũng có những hôm phải trở về với chiếc lồng rỗng.

Còn để bắt những loại chim lớn như cò, vạc thì phải kì công hơn, cần có một loại nhựa cây rừng ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Nhựa cây qua công đoạn chế biến, chim dù to, khỏe đến mấy, chỉ cần dính vào coi như xong.

Trời sẩm tối, vừa cuốn xong cái bẫy, từ đâu có một đàn chim bay sà xuống. Anh tặc lưỡi: “Giá như...”. Tôi chỉ biết đó là những chú chim may mắn vì không bị biến thành đặc sản.

Chim có vai trò rất lớn trong việc cân bằng môi trường sinh thái. Việc săn bắt chim một cách tràn lan đã đẩy nhiều loài chim đến nguy cơ tuyệt chủng.

MỚI - NÓNG