Ảnh minh họa |
Thai phụ 31 tuổi, ở thôn 7A, xã Eakly, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, mang thai tuần thứ 37. Bệnh nhân bị sốt ho, chảy nước mũi và tự điều trị tại nhà 3 ngày nhưng không đỡ. Ngày 14/10, bệnh nhân đến khám, nhập bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk và được chẩn đoán: Viêm phổi do vi rút, được điều trị kháng sinh, Tamiflu.
Ngày 15/10, bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng khó thở nhiều. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi nặng, suy hô hấp/ thai 37 tuần, được hồi sức tích cực, hỗ trợ hô hấp, kháng sinh và tiếp tục dùng Tamiflu. Đồng thời, Viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hội chẩn với Bệnh viện Từ Dũ can thiệp cho sổ thai chết lưu vào ngày 17/10.
Trong quá trình điều trị, bệnh tiếp tục diễn tiến nặng, kém đáp ứng với điều trị. Bệnh nhân tử vong lúc 8giờ ngày 27/10. Trước khi tử vong, người bệnh được lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm, kết quả dương tính với vi rút cúm A(H1N1).
Như vậy, tính đến 17 giờ ngày 29/10, Việt Nam đã ghi nhận 10.568 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1), 36 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi ra viện là 10.286 người, các trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Đánh giá những trường hợp tử vong do cúm A (H1N1) tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo: Phụ nữ có thai, đặc biệt là phụ nữ mang thai ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ, dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1).
Do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong cho cả mẹ và con. Đồng thời, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi cũng là đối tượng dễ cảm nhiễm với cúm A(H1N1), nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cao nên các gia đình cần chú ý theo dõi những biểu hiện nghi ngờ, sớm đưa cháu đến các cơ sở y tế để được tư vấn và chữa trị kịp thời.