Thêm một tạp chí trường đại học của Việt Nam gia nhập danh mục Scopus

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hôm nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lễ công bố tạp chí Kinh tế và Phát triển (JED) của nhà trường gia nhập danh mục Scopus, một trong những cơ sở dữ liệu khoa học uy tín thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết: JED là tạp chí thứ hai trong số tạp chí của các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT gia nhập danh mục Scopus thành công.

Thêm một tạp chí trường đại học của Việt Nam gia nhập danh mục Scopus ảnh 1

Theo ông Phúc thông tin năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025”. Trong cấu phần của Đề án này, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt dự án hỗ trợ 21 tạp chí khoa học thuộc các cơ sở giáo dục đại học thực hiện nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có 19 tạp chí gia nhập cơ sở dữ liệu khoa học Đông Nam Á (ACI) và 2 tạp chí gia nhập cơ sở dữ liệu khoa học Scopus. JED là một trong số các tạp chí của các trường đại học được thụ hưởng Đề án này.

Ông Phúc cho rằng tạp chí JED đã sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ từ dự án của Bộ để có những bước phát triển vượt bậc vươn tầm quốc tế, chính thức được chỉ mục trong danh mục Scopus uy tín; trở thành tạp thứ 2 trong khối ngành Kinh tế và KHXH&NV của Việt Nam và là tạp chí thứ 12 của Việt Nam được gia nhập Scopus.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cũng chia sẻ số lượng tạp chí khoa học trong nước gia nhập hệ thống dữ liệu quốc tế cho thấy vị thế, uy tín khoa học của quốc gia. Ông Thái cho rằng đã đến lúc thay đổi quan điểm về bài báo khoa học.

Bên cạnh hỗ trợ các đề tài, các nghiên cứu của các nhà khoa học công bố quốc tế, phải có chính sách nâng tầm diễn đàn khoa học quốc gia, đồng thời rà soát các tạp chí khoa học trong nước có tiềm lực, tiềm năng để từng bước có chính sách hỗ trợ các tạp chí này gia nhập hệ thống cơ sở dữ liệu tạp chí quốc tế.

"Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, Bộ GD&ĐT hỗ trợ xây dựng tiêu chí xác định nhóm nghiên cứu mạnh để hỗ trợ các nhóm này phát triển", ông Thái nói. Đồng thời mong rằng mô hình thành công của tạp chí JED sẽ được nhân rộng sang nhiều tạp chí khoa học khác của Việt Nam để có nhiều tạp chí hơn được gia nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

"Tôi cũng đề nghị Bộ GD&ĐT, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sớm tiến hành xây dựng Đề án thành lập Trung tâm trích dẫn khoa học quốc gia Việt Nam", ông Thái bày tỏ.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng đưa tạp chí JED bản tiếng Anh gia nhập danh mục Scopus là một nội dung quan trọng được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2021 – 2030.

Sau quá trình nỗ lực bền bỉ cùng quy trình đăng ký, thẩm định, đánh giá và xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt, tạp chí JED của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chính thức ghi tên vào danh sách các tạp chí thuộc danh mục Scopus. Đây là bước tiến lớn trong 30 năm xây dựng và phát triển của tạp chí và là đóng góp quan trọng trong lịch sử 68 năm xây dựng và phát triển của nhà trường.

Tạp chí JED của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là tạp chí khoa học về lĩnh vực kinh tế và phát triển, gồm phiên bản tiếng Anh phát hành 4 số/năm trên hệ thống của nhà xuất bản Emerald và phiên bản tiếng Việt xuất bản 12 số/năm.

Tính từ thời điểm chính thức hiện diện trên cơ sở dữ liệu của Hệ thống nhà xuất bản Emerald từ tháng 5/2019 đến nay, JED đã xuất bản được 15 số với 104 bài nghiên cứu của tác giả đến từ 45 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó số tác giả người nước ngoài chiếm hơn 70%.

JED có tỉ lệ chấp thuận bài mỗi năm khoảng 10%, thể hiện tính chọn lọc cao về chất lượng khoa học trong từng khâu xét duyệt.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.