Rừng biến thành vườn ở Tây Ninh ảnh: Đăng Giới |
Tại các khu vực rừng đặc dụng Lò Gò – Xa Mát, núi Bà, rừng phòng hộ Dầu Tiếng... được quy hoạch trồng rừng cũng bị nhiều cán bộ chiếm đất và chuyển mục đích sử dụng.
Kế hoạch trồng rừng không đạt vì đất bị bao chiếm
Năm 1999, tỉnh Tây Ninh bắt đầu thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên địa bàn. Theo quy hoạch, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 71.117 ha, trong số này có 36.009 ha rừng phòng hộ, 32.378 ha rừng đặc dụng, 2.730 ha rừng sản xuất.
Diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn được bố trí thành 2 khu vực: khu vực các dự án 661 (là Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên địa bàn tỉnh, chiếm 65.881 ha) và khu vực ngoài dự án 661 (5.236 ha).
Dự án 661 đã được Tây Ninh bố trí thành 4 dự án: Rừng đặc dụng Lò Gò – Xa Mát (18.806 ha), Rừng Văn hoá – lịch sử Chàng Riệc (11.488 ha), Rừng đặc dụng lịch sử Núi Bà (1.885 ha) và Rừng phòng hộ lòng hồ Dầu Tiếng trên 33.000 ha.
Ông Nguyễn Thái Sơn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết: “Qua 6 năm thực hiện dự án 661 (1999-2004), toàn tỉnh Tây Ninh trồng được 3.606 ha rừng các loại, trong đó có 1.621 ha rừng đặc dụng và 1.896 ha rừng phòng hộ.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng rừng trồng hàng năm không đạt kế hoạch giao, nguyên nhân chính là đất quy hoạch trồng rừng bị dân bao chiếm sản xuất nông nghiệp không đúng mục đích!”.
Ai chiếm đất rừng?
Trong giai đoạn 2000-2005, diện tích quy hoạch trồng rừng của tỉnh Tây Ninh là 5.052 ha, thì có 5.020,2 ha(chiếm 99,37% diện tích) bị 1.668 hộ dân bao chiếm. Trong đó có 53 hộ cán bộ, đảng viên đã đàng hoàng đứng tên với diện tích 654,6 ha.
Theo đó, rừng phòng hộ Dầu Tiếng có 267,6 ha bị 13 cán bộ, đảng viên chiếm; rừng Văn hoá – lịch sử Chàng Riệc bị 30 cán bộ, đảng viên chiếm 308 ha; rừng Lò Gò – Xa Mát thì 10 cán bộ chiếm 79 ha. Điều đáng nói hơn là trong số này chỉ có 14 hộ thực hiện trồng rừng với diện tích 59,9 ha, còn lại đều được chuyển thành trang trại, thành vườn cây ăn trái.
Các đối tượng chiếm đất trồng rừng này đều là cán bộ, đảng viên của tỉnh (hiện nay có người còn đương chức, có người đã nghỉ hưu).
Xin được kể ra vài người trong số họ ở cấp tỉnh như: Ông Lê Minh Quyền (cán bộ Ban Kinh tế Tỉnh ủy Tây Ninh có 7,5 ha), Nguyễn Thanh Long (Sở Công nghiệp Tây Ninh - 5,2 ha), Nguyễn Thị Hồng (Công an Tây Ninh- 10 ha), Nguyễn Văn Điềm (Ngân hàng Công thương Tây Ninh- 10,5 ha), Nguyễn Thanh Phương (Cty Xổ số kiến thiết - 4,1 ha); Trần Thanh Hải và Nguyễn Hữu Duy Tân cùng ở Cty Mía đường- 4,5 ha và 27,1 ha).
Ở cấp huyện phải kể đến Huỳnh Minh Tuấn chiếm 41,2 ha sau đó đã chuyển 19 ha sang trồng cao su không đúng quy hoạch; ông Phan Văn Tấn, Lê Thanh Trị (Hạt Kiểm lâm Tân Biên - 9 ha và 3,2 ha), Lê Văn Ánh (Công an Tân Biên- 5,7ha), Phạm Văn Nở (Huyện đội Tân Biên- 12,2 ha), Nguyễn Trung Hậu (Viện Kiểm sát Tân Biên- 1,2 ha), Nguyễn Hữu Phương (Chi cục Thuế Tân Biên- 1,8 ha), Nguyễn Tấn Tài (Cty Cao su Tân Biên- 4 ha), Nguyễn Thị Thanh Phương (Liên đoàn Lao động huyện Tân Châu- 11,2 ha), Nguyễn Hoàng Anh (MTTQ huyện Tân Châu- 6,4 ha).
Thậm chí, cán bộ Ban quản lý dự án rừng Chàng Riệc cũng “tranh thủ” chiếm đất trồng rừng như: Nguyễn Văn Công - 16,1 ha, Nguyễn Hoàng Sơn -7,4 ha, Nguyễn Văn An -10,1 ha và Trần Thanh Sơn -5,1 ha…
Còn bao nhiêu cán bộ, đảng viên trong số 1.668 hộ dân chiếm đất rừng vẫn còn nằm trong bóng tối. Điều này chỉ có thể trả lời khi các cơ quan chức năng vào cuộc.