Thẻ tín dụng nội địa - công cụ đắc lực thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thẻ tín dụng nội địa là phương thức thanh toán nhanh chóng, thuận tiện và an toàn với công nghệ tiên tiến, bảo mật cao. Đây là một trong những giải pháp góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Giới trẻ ưa chuộng nhờ nhiều tính năng ưu việt

Những năm gần đây việc sử dụng thẻ tín dụng với tiện ích thanh toán và mua trước-trả sau đang dần trở thành xu hướng mới của người Việt. Có thể thấy được sức nóng của chiếc thẻ này khi tại sự kiện Sóng Festival 2022 (do báo Tiền Phong phối hợp Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam tổ chức), nhiều bạn trẻ đã luôn giữ chiếc thẻ tín dụng nội địa trong ví như một giải pháp tài chính thông minh và hữu hiệu.

Thẻ tín dụng nội địa - công cụ đắc lực thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ảnh 1

Ra mắt thị trường vào đầu năm 2021, thẻ tín dụng nội địa NAPAS do các ngân hàng, công ty tài chính Việt Nam phát hành, đã bắt kịp xu hướng thanh toán bằng thẻ tín dụng trên thế giới, đồng thời phát huy tối đa những ưu thế của thẻ tín dụng tại thị trường nội địa. Theo đó, đến nay đã có các ngân hàng VietinBank, Agribank, HDBank, Sacombank, Ngân hàng Bảo Việt, Ngân hàng Bản Việt, ACB và Công ty Tài chính VietCredit đã phát hành thẻ tín dụng nội địa cho khách hàng.

Thẻ tín dụng nội địa ứng dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa của NHNN và tiêu chuẩn quốc tế EMV, có tính an toàn, bảo mật cao, hạn chế rủi ro, gian lận, giả mạo cho chủ thẻ. Thẻ tín dụng nội địa phi tiếp xúc còn có ưu điểm thanh toán nhanh, thực hiện số lượng giao dịch lớn trong thanh toán bán lẻ như thanh toán trong giao thông công cộng, phí giao thông... Người dùng thẻ không cần nhập mã pin khi thanh toán các giao dịch giá trị nhỏ...

Khách hàng có thể dễ dàng sử dụng thẻ để thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại các cửa hàng, siêu thị, quán ăn,...; thanh toán qua các trang mua sắm trực tuyến hoặc rút tiền mặt tại máy ATM của các ngân hàng trong nước.

Bên cạnh đó, với tính năng chi tiêu trước - trả tiền sau, thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày, thẻ tín dụng nội địa còn là kênh tiếp cận tín dụng chính thức từ các ngân hàng và tổ chức tài chính, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Với chiếc thẻ này, người nông dân, người có thu nhập thấp có nhu cầu vay vốn sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn mà không cần phải vay với thủ tục phức tạp, lãi suất cao.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS, thẻ tín dụng nội địa có biểu phí hợp lý, bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên, giúp tiết kiệm phí thanh toán cho các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ. Với những ưu điểm trên, đây sẽ là kênh tiếp cận tín dụng chính thức từ các tổ chức tài chính, đáp ứng nhu cầu cấp bách về tài chính cho người dân, góp phần ngăn chặn tín dụng đen gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Linh hoạt ứng dụng, tích hợp đa tiện ích

Thẻ tín dụng nội địa hiện nay cũng trở nên khá thông dụng trong thanh toán giao thông như thanh toán vé điện tử trên xe buýt điện Vinbus tại Hà Nội và TPHCM. Trên nền tảng thẻ chip, NAPAS cũng sẽ phối hợp với các ngân hàng, đối tác mở rộng ứng dụng thanh toán của thẻ tín dụng nội địa để đa dạng hoá dịch vụ, không chỉ trong lĩnh vực giao thông công cộng, mà còn trong các lĩnh vực khác như y tế, bảo hiểm...

"Trong vai trò cung cấp cho các ngân hàng, đối tác những giải pháp thanh toán hiện đại, NAPAS mong muốn thẻ tín dụng nội địa sẽ ngày càng trở nên phổ cập hơn đối với người dân Việt Nam trong thời gian tới, không chỉ là phương thức thanh toán thuận tiện, an toàn với chi phí hợp lý, mà còn tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tài chính đến những đối tượng yếu thế, góp phần phát triển tài chính toàn diện" - ông Nguyễn Quang Minh chia sẻ.

Dư địa phát triển nhiều tiềm năng

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán NHNN, đến 31/12/2021 có 12/46 tổ chức phát hành (TCPHT) phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019); số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến 31/12/2021 đạt trên 475.000 thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong 5 năm (2017-2021), số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm. Thẻ tín dụng từ năm 2001 đã được phát hành nhưng độ phát triển chưa cao. Lượng thẻ ghi nợ hiện nay vẫn lớn hơn so với thẻ tín dụng.

Với dân số gần 100 triệu dân thì tỷ lệ phát triển thẻ tín dụng nội địa còn rất tiềm năng và nhiều dư địa để phát triển.

MỚI - NÓNG