Đây là nhiều trong số những câu hỏi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Hà Nội sáng 19/12. Hội nghị có sự tham dự của đầy đủ đại diện Bộ, Tổng cục TDTT, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), các CLB, chuyên gia, HLV bóng đá.
“Đừng chung chung, phải cụ thể, chi tiết”
Tại hội nghị, sau phần báo cáo của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tỏ ra không hài lòng khi cho rằng, cần đi vào cụ thể, không kiến nghị chung chung. “Các đồng chí kiến nghị chính sách là chính sách gì. Tổng kết chiến lược mà như thế này thì không ra sao cả. Anh em hoàn thiện lại báo cáo nộp là xong. Xong phần nghi lễ rồi, tôi đề nghị giờ chúng ta nói không theo “bài”, mà nên học tập Quốc hội, mỗi người phát biểu 7 phút thôi. Tinh thần là xới ra không phải để căng thẳng, chỉ trích nhau mà là thống nhất hành động”- ông Vũ Đức Đam nói.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bóng đá là môn được đông đảo người dân quan tâm. Đánh giá chiến lược phát triển bóng đá cần cụ thể đã làm được gì, chưa làm được gì, từ đó chỉ ra trách nhiệm cụ thể từng nơi. “Nếu cái gì thuộc chính phủ thì tôi nhận. Nhưng may quá anh em văn phòng trình lên, chưa cái gì mà tôi không giải quyết. Cái gì thuộc bộ thì bộ phải nhận, của sở hay VFF thì các nơi đó phải nhận. Có như vậy mới tiến bộ được”.
Nói về Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam, ông Vũ Đức Đam cho biết trước đây (ngày 8/3/2013 Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030) khi trình lên, ông thấy mục tiêu trong chiến lược hơi cao. “Tuy nhiên khi hỏi thì anh em nói mục tiêu đặt ra cao một chút để phấn đấu. Tôi cho rằng chúng ta cần xem chúng ta đã phát triển phù hợp với quốc tế chưa, hay mình được quyền có đặc thù riêng. Tại sao bóng đá của chúng ta hệ thống giải đấu lại theo hình chóp ngược? Các đội bóng còn nhường điểm, vỗ vai chia điểm với nhau không? Tại sao đội vô địch V-League lại không đủ điều kiện đá giải châu lục? Rồi có hay không chuyện nhiều đội bóng bị kiểm soát bởi một ông chủ? Hay bóng đá đã đẹp chưa, đã tốt chưa? Bạo lực sân cỏ thì rõ rồi, ta chỉ nên bàn xem nó xấu tới đâu. Tôi nói luôn là bóng đá chưa đẹp” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Phó Thủ tướng đồng thời thể hiện tâm tư khi “bóng đá phong trào tại sao có nhiều người xem thế, trong khi bóng đá chuyên nghiệp thì không ai xem”.
Nợ câu trả lời
Sau ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lần lượt đại diện TPCHM, Thanh Hóa, Ban Kỷ luật, Ban Trọng tài, VFF…lên đọc báo cáo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra một loạt câu hỏi khác. “Chúng ta không cấm được công chúng nghi ngờ. Tôi đồng ý trọng tài có thể sai, trong trận đấu chúng ta chấp nhận chuyện đó nhưng sau trận, chúng ta xử lý như thế nào?”-ông Vũ Đức Đam đặt vấn đề với Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi sau khi ông Mùi “than thở”, trọng tài ở đâu cũng có thể mắc sai sót, nhưng ở Việt Nam áp lực rất lớn.
Quá buổi sáng sang trưa, hội nghị kết thúc nhưng nhiều người có đăng ký phát biểu không được trình bày báo cáo vì hết thời gian. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ VH-TT&DL, VFF tổ chức tập hợp ý kiến để tiếp tục tiến hành thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ cho bóng đá. Một đại biểu chia sẻ, thay vì tập trung vào một lĩnh vực, nội dung hội nghị quá rộng nên loãng.