Thế vận hội giành cho người khuyết tật (Paralympic) 2016 sẽ khởi tranh tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil vào 7/9 tới. Trước thềm giải đấu, thể thao Nga tiếp tục hứng chịu thêm một cú sốc lớn khi Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) bác đơn kháng cáo của Ủy ban Paralympic Nga (RPC) liên quan án phạt cấm các VĐV khuyết tật Nga tham gia Paralympic 2016 của Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC).
Trong một tuyên bố, CAS khẳng định, IPC không vi phạm bất kỳ luật lệ nào khi đưa ra quyết định cấm đoàn thể thao người khuyết tật Nga tham gia Paralympic 2016 bởi nước này không chứng minh được sự trong sạch của các VĐV. “Chúng tôi đề cao việc CAS đã đồng thuận với IPC trong việc yêu cầu Nga phải có trách nhiệm như một thành viên của tổ chức.
Quyết định này là lời tuyên bố cho việc doping sẽ không có chỗ đứng ở các môn thể thao dành cho người khuyết tật. Chúng tôi muốn có một sân chơi công bằng và bình đẳng cho tất cả các VĐV khuyết tật trên toàn thế giới. Đây là một ngày buồn cho phong trào Paralympic nhưng tôi tin nó sẽ trở thành một khởi đầu mới”, ông Sir Philip Craven- chủ tịch IPC cho biết.
Với án phạt này, toàn bộ 267 VĐV của đoàn thể thao người khuyết tật Nga dự 18 bộ môn sẽ không có mặt tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật. Ngoài ra, mỗi VĐV khuyết tật Nga cũng không được quyền nộp kháng cáo cá nhân tới CAS.
IPC đưa ra lệnh cấm đoàn thể thao người khuyết tật Nga tham dự Paralympic 2016 hồi đầu tháng 8 sau một báo cáo trình bày chi tiết về việc nhà nước Nga bảo trợ cho các VĐV sử dụng doping. Liên quan vụ việc này, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng đã gạch tên 111 VĐV Nga tại Olympic Rio 2016. Tuy nhiên, điểm khác là những VĐV nào chứng minh được mình trong sạch sẽ được phép tham dự giải đấu này.
Phán quyết trên của CAS khiến lãnh đạo thể thao Nga lập tức lên tiếng chỉ trích gay gắt. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev gọi phán quyết của CAS mang tính “bất chấp đạo lý”, là đòn đánh giáng mạnh vào toàn thể cộng đồng người khuyết tật chứ không chỉ là người khuyết tật Nga. Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko nói, đây là một quyết định bất hợp pháp: “Không có bất kỳ căn cứ nào để quyết định như vậy, nhưng nó (lệnh cấm) đã được thực hiện”.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Nga (RPC) Vladimir Lukin quả quyết, Nga có “bằng chứng không thể chối cãi” về việc tuân thủ các quy định chống doping thế giới. Nước này sẽ tiếp tục nộp đơn kháng cáo lên Tòa án nhân quyền châu Âu để chống lại lệnh cấm.