Trong lần xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên kể từ khi những người biểu tình khiến sân bay quốc tế Hong Kong đóng cửa hôm 12/8, Trưởng đặc khu hành chính Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) sáng nay nói “Hong Kong sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục” nhưng bà khẳng định, chính quyền vẫn đủ khả năng quản lý tình hình.
“Điều duy nhất chúng ta phải làm là chống lại bạo lực và xây dựng lại thành phố”, CNN dẫn lời Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong.
Hành khách bơ vơ
Hàng trăm hành khách bơ vơ, vạ vật sau khi tất cả các chuyến bay dự kiến rời Hong Kong và hơn 70 chuyến bay dự kiến tới thành phố này bị hủy hôm 12/8. Hàng nghìn người biểu tình tràn ngập sảnh chính bên trong sân bay. Theo thông báo trên website của sân bay, một số ít chuyến bay khởi hành sau nửa đêm.
Người phát ngôn sân bay nói rằng, các chuyến bay sẽ được nối lại vào 6 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 13/8 nhưng các chuyến bay đến và rời Hong Kong vẫn được hiện thị là “hủy” trên website của sân bay. Tính từ 7 giờ sáng đến nửa đêm ngày 13/8, vẫn có 150 chuyến bay rời Hong Kong và 147 chuyến bay đến đặc khu này bị hủy.
Ngày 13/8, Vietnam Airlines lùi giờ khai thác 2 chuyến bay VN594, VN595 giữa TPHCM và Hong Kong 7 tiếng 40 phút so với kế hoạch ban đầu. Trong khi đó, Jetstar Pacific hủy 2 chuyến BL160, BL161 giữa Hà Nội và Hong Kong, 2 chuyến BL164, BL165 giữa Đà Nẵng và Hong Kong.
Người biểu tình tụ tập ở sân bay hôm thứ Sáu tuần trước và một số ít trong số họ tiếp tục biểu tình trong hai ngày cuốc tuần. Vụ tập trung đông người tại sân bay hôm qua bắt nguồn từ việc có thông tin cảnh sát dùng vũ lực đối phó biểu tình hôm Chủ nhật.
Tại cuộc họp báo sáng nay, bà Lam nói rằng “Hong Kong đã bị thiệt hại vì các hoạt động phi pháp” của người biểu tình – những người “không nghĩ gì về luật pháp”. “Các hoạt động bạo loạn đã đẩy Hong Kong tới bờ vực không thể quay đầu”, bà nhận định. Bà nói rằng, người biểu tình đã tấn công cảnh sát trong khi “cảnh sát là lực lượng bảo vệ quan trọng của Hong Kong”.
Bà Lam phát biểu sau khi các đơn vị tổ chức biểu tình kêu gọi những người ủng hộ trở lại sân bay vào ngày 13/8 – ngày thứ 5 liên tiếp diễn ra biểu tình ở trung tâm hàng không.
“Chúng tôi ở đây qua đêm bởi vì chúng tôi muốn cho mọi người thấy ở sân bay là an toàn”, một người biểu tình họ Pang, 23 tuổi, nói sáng nay. Khoảng 30 người biểu tình qua đêm trong sảnh đến của sân bay quốc tế Hong Kong.
“Chúng tôi mong nhiều người tham gia vào chiều nay và với đủ số người, chúng tôi hy vọng lại làm tê liệt sân bay như hôm qua”, anh Pang nói.
Đánh mất tên tuổi
Năm ngoái, sân bay quốc tế Hong Kong phục vụ 74,7 triệu hành khách, trung bình 205.000 người mỗi ngày. Nhưng hôm nay, nơi này vẫn ngừng hoạt động vì người biểu tình chiếm nhiều nơi trong sân bay.
Hành khách bối rối vì không rõ chuyện gì đang xảy ra và sẽ diễn ra tiếp theo vì cửa hàng, quán ăn, quầy làm thủ tục check-in đóng cửa. Tàu hỏa và xe buýt chạy về thành phố ken đặc người. Có một quầy thông tin duy nhất còn hoạt động với đội ngũ nhân viên bơ phờ.
Du khách Úc Hayden Smyth cười nói: “Lần chào đón lần này khác trước tí ti”. Trong khi đó, nhiều hành khách khác nổi nóng. “Chúng tôi yêu Hong Kong nhưng thành phố này đã thực sự thay đổi toàn bộ quan điểm của chúng tôi. Tôi hiểu vụ biểu tình nhưng điều này không giúp gì cho du lịch”, du khách Úc Kim Macaranas nói.
Ngày 13/8, lãnh đạo Sở GTVT Hong Kong, ông Frank Chan, nói với các phóng viên rằng, chính quyền đang kêu gọi mọi người nhanh chóng rời khỏi sân bay vì lý do an toàn. “Sân bay Hong Kong quan trọng với ngành vận tải và logistics”, ông nói và nhấn mạnh rằng, việc có khoảng 200.000 du khách đến Hong Kong mỗi ngày là một phần quan trọng của kinh tế Hong Kong. “Rất dễ mất và thực sự khó để xây dựng lại được tên tuổi”, ông nhận định.
Tháng 7, số phòng khách du lịch đặt giảm 50%. Lượng khách đặt phòng trước cho tháng 8 và tháng 9 giảm mạnh. Khách đến công viên Disneyland cũng lao dốc.