Mọi việc bắt đầu từ thứ trưởng Ngoại giao Marzuki Yahya khi chuyện bằng đại học ngành kinh doanh của ông này bị phát hiện không phải do ĐH Cambridge (Anh) cấp như mọi người vẫn nghĩ trước đây, mà là của đại học quốc tế Cambridge - tổ chức tại Mỹ bị cho là “cái lò cấp bằng giả”, chuyên bán các loại bằng cấp học thuật trái phép.
Ít nhất 6 chính trị gia khác cũng dính bê bối tương tự, bao gồm bộ trưởng Nhà ở Zuraida Kamaruddin và một số quan chức cấp địa phương. Tất cả các quan chức này đều phủ nhận đã cố tình mập mờ chuyện bằng cấp để lừa cử tri.
Sau khi lên nắm quyền vào tháng 5 năm ngoái nhờ đánh bại liên minh Barisan Nasional đã lãnh đạo gần 60 năm, vụ bê bối đang khiến chính quyền đương nhiệm bẽ mặt. Lãnh đạo bởi chính trị gia kỳ cựu Mahathir Mohamad, đảng Pakatan Harapan chiến thắng nhờ giương cao lá cờ chống tham nhũng.
Trước khi thông tin vỡ lở, trang Wikipedia về ông Marzuki viết rằng ông này có bằng cử nhân quản trị kinh doanh của ĐH Cambridge. Nhưng đến ngày 5/2, trang này được một người dùng giấu tên sửa lại thông tin.
Báo chí địa phương nhanh chóng tấn công vào khẩu hiệu chống tham nhũng và đề cao trung thực của đảng Pakatan Harapan. The Star phát hiện ra rằng địa chỉ email mà ĐH quốc tế Cambridge cung cấp trên trang web của họ không hoạt động. Và những bức ảnh lấy từ các trang web hẹn hò ở Đông Âu được dùng để quảng bá hoạt động học tập trên trang web của tổ chức này. Ông Marzuki vẫn khẳng định ông học một trường ở Mỹ theo diện đào tạo từ xa và ông không biết ai đã sửa trang thông tin về mình trên Wikipedia.
Nghị sĩ Mahfuz Omar thuộc đảng Uỷ thác quốc gia, một thành viên của liên minh cầm quyền, cũng bị cáo buộc dùng bằng của một lò bán bằng giả, nhưng ông khẳng định ông có bằng của ĐH Belford, một cơ sở giờ đã không còn hoạt động.
Trong khi đó, bộ trưởng Nhà ở Zuraida phủ nhận đã nói dối về bằng cấp sau khi hãng thông tấn Bernama đăng bài nói bà tốt nghiệp ĐHQG Singapore.
Nhưng tên của bà Zuraida không có trong cổng thông tin thẩm định bằng cấp trực tuyến của đại học này. Bà Zuraida nói rằng bà chưa bao giờ nhận mình tốt nghiệp trường đó, và không ai hỏi lại bà trước khi đăng tin.
Ít nhất 3 chính trị gia khác của đảng Pakatan Harapan cũng bị cáo buộc dùng bằng cấp giả, trong đó có quan chức phụ trách tài chính của bang Johor và uỷ viên hội đồng bang Perak.
Ông James Chin, một nhà nghiên cứu về chính trị Malaysia và là giám đốc Viện châu Á thuộc ĐH Tasmania, cho rằng vấn đề thực sự của vụ bê bối này là cách dư luận chấp nhận “những hành vi xấu của các chính trị gia”.
“Ở các nước tiên tiến hơn, các chính trị gia sẽ từ chức nếu vướng bê bối tình dục hay tài chính, hoặc bằng cấp giả, nhưng ở Malaysia không như vậy”, ông Chin nói. Nhà nghiên cứu này cho rằng các cử tri ở nông thôn - lực lượng ủng hộ đảng Pakatan Haran, có thể không coi đây là vấn đề quan trọng. “Văn hoá chính trị của chúng tôi ít nhiều chấp nhận điều này, vì thế nếu không kết hợp chuyện bằng cấp giả với bê bối nào khác thì họ không cần từ chức”, SCMP dẫn lời ông Chin.
Nhiều nhà hoạt động xã hội chỉ trích chính phủ là thiếu minh bạch. Nhà bình luận chính trị Tajuddin Rasdi nói rằng nếu có bằng chứng các chính trị gia trên cố tình nói dối về bằng cấp thì chính phủ phải hành động.
“Tôi tin rằng nhiều người ngoài kia không thực sự quan tâm việc một chính trị gia có tốt nghiệp đại học hay không. Nhưng nhiều người coi trọng sự trung thực. Vì thế, khi một chính trị gia nói dối về trình độ học thuật hay mua bằng thì cần chất vấn sự trung thực của người đó. Đặc biệt những người đang nắm giữ vị trí trong chính quyền cần làm điều đúng đắn”, Luật sư Syahredzan Johan nói.
Dù bị kêu gọi từ chức, ông Marzuki vẫn nhận được ủng hộ trong nội bộ liên minh cầm quyền. Một quan chức của đảng này nói với báo chí địa phương rằng chuyện bê bối bằng cấp là đáng trách, nhưng ít nhất vị thứ trưởng ngoại giao “không cưỡng hiếp hay ăn cắp”. Thủ tướng Mahathir cũng nói ông chấp nhận lời giải thích của ông Marzuki và không định có hành động gì với quan chức này.
Theo Ủy ban bầu cử Malaysia, hiến pháp không đặt ra tiêu chuẩn tối thiểu nào về bằng cấp đối với các ứng cử viên.