Bức Tường Than Khóc

Tổng thống Donald Trump bên Bức Tường. Ảnh: NBC News.
Tổng thống Donald Trump bên Bức Tường. Ảnh: NBC News.
TP - Nếu bảo đi tìm ví dụ điển hình về mâu thuẫn kỳ lạ ở thánh địa Jerusalem đang gây rúng động thế giới Hồi giáo thì đấy có lẽ là Bức Tường Than Khóc. Bài dưới đây không chỉ thử cắt nghĩa nguồn cơn tranh chấp khốc liệt mà phần nào còn cho thấy sự cố kết của một dân tộc “than khóc” nằm chủ yếu ở tầng sâu văn hoá.

Tôn giáo chồng tôn giáo

Có thể hình dung tuổi của Jerusalem nếu biết lịch sử của nó gắn liền với đạo Do Thái hơn 3.000 năm trước. Cũng có thể hình dung chủ nhân Jerusalem lần lượt là ai nếu biết 1.000 năm sau Do Thái giáo mới có Cơ Đốc giáo và 600 năm sau nữa mới có Hồi giáo.

Trong Jerusalem rộng 126 km2, bằng nửa diện tích nội thành Hà Nội, có Thành cổ. Trong Thành cổ 0,9 km2 ấy, tương đương diện tích phố cổ Hà Nội, có Bức Tường Phía Tây (gọi tắt là “Bức Tường”). Khởi thủy, nó là mở rộng của Đền Do Thái Thứ Hai do Herod Đại Đế (74 – 4 BC) làm trên Núi Đền.

Theo Phúc Âm của Mathew, Jesus sinh ra hai năm trước khi vua Herod băng hà. Điều đó có nghĩa Bức Tường có từ trước khi Jesus sáng lập Cơ Đốc giáo và đương nhiên càng sớm hơn so với Hồi giáo. Theo kinh Quran của Hồi giáo, đến năm 610, Muhammad cưỡi ngựa thần (al-Buraq) đến đó trong Hành trình Đêm Kỳ bí để mặc khải lời sấm của thánh Allah. Sau đó, Bức Tường mới được tín đồ Hồi giáo gọi là “Bức Tường al-Buraq”.

Thực ra Bức Tường chưa phải đệ nhất thiêng. Nó xếp sau một bảo vật gần đó là Tảng Đá Nền. Trên khối đá thiêng gốc Do Thái này là Vòm Đá, một đền thờ mái vàng được người Hồi Giáo dựng lên mãi sau này, năm 691. Vòm Đá thực ra đè lên phế tích của Jupiter Capitolinus, công trình của Cơ Đốc Giáo xây năm 70 sau khi Đền Do Thái Thứ Hai bị quân La Mã phá.

Vòm Đá và các biến thiên trên nó cho thấy hai điều. Thứ nhất, tính phức tạp của Jerusalem, nơi các tôn giáo đan quyện nhau trên từng tấc đất. Nếu phân chia sở hữu cho từng tôn giáo, sẽ phải làm thế nào?

Thứ hai, nó đụng đến câu hỏi “Người Do Thái bắt đầu than khóc khi nào?” vốn là một trong những tranh cãi nhất hiện nay. Truyền hình CNN gọi tổng thống Mỹ đầu tiên đội “mũ sợ Chúa” đặc trưng Do Thái, nhắm mắt gần phút bên Bức Tường ngày 22/5/2017 là “lịch sử”.

Bức Tường Than Khóc ảnh 1 Bức Tường Than Khóc. Ảnh: Gustav Bauernfeind.

Than khóc 2.100 năm

Năm 2006, TS Hassan Khader, nhà sáng lập Bách Khoa Thư Al Quds (tên tiếng Ả Rập của Jerusalem), nói với truyền hình Palestine rằng người Do Thái đến với Bức Tường chỉ “mới đây thôi, từ thế kỷ 16… chứ không phải từ cổ đại”. Raed Salah, lãnh đạo một nhánh của Phong trào Hồi giáo Israel (chuyên quảng bá Hồi giáo ở Israel), viết, Bức Tường bị “chính thể Israel gọi nhầm và vụng trộm thành Bức Tường Than Khóc”. Ekrima Sa’id Sabri, giáo sỹ được Palestine giao cai quản các thánh tích Hồi giáo ở Jerusalem, trả lời tạp chí Đức Die Welt ngày 17/1/2001: “Năm 1930, Ủy ban Liên đoàn các Quốc gia (CLN) đề xuất cho phép người Do Thái đến đó cầu nguyện để họ thôi khóc. Nhưng điều đó không có nghĩa CLN công nhận Bức Tường thuộc về họ”.

Với 14,5 triệu người định cư tại 73 nước, người Do Thái chiếm 0,2% dân số thế giới. Song 30% giải thưởng Nobel từ đầu thế kỷ XX đến nay về vật lý, hóa học, kinh tế, và y tế được trao cho họ.

Trở lại sự kiện Đền Do Thái Thứ Hai bị đế quốc La Mã huỷ hoại ngày 30/8 năm 70 sau công nguyên. Hồi ấy, nó đã thành ngày than khóc hằng năm của Do Thái Giáo. Trước đó, dân tộc can trường này đã có một ngày than khóc khi Đền Do Thái Thứ Nhất bị đế quốc Babylon đập mùa hè 587 trước công nguyên (TCN).

Họ khóc suốt 2.100 năm tha hương. Thế kỷ 19, khi một nhóm trí thức Do Thái nhen lên ý tưởng phục quốc (Zionism), họ mới lũ lượt kéo về quê hương quá vãng. Chính quyền chiếm đóng Ottoman theo Hồi Giáo chỉ cho phép họ ghé một địa điểm – mảng sót lại của Bức Tường. Thế rồi từ đó, nó được họ gọi là Bức Tường Than Khóc.

Vậy tại sao người Hồi giáo khăng khăng nó là của họ? Hóa ra công trình cũng mang dấu tích của tôn giáo hậu sinh. Chân Bức Tường là những khối đá vôi khổng lồ đặt từ năm 19 TCN thời Herod Đại Đế của Do Thái. Đến năm 4 trước công nguyên, khi Herod băng hà, thì tạm dừng. Móng tường với 17 lớp đá nay vẫn nằm dưới mặt đường.

Bức Tường Than Khóc ảnh 2 Tín đồ Do Thái than khóc bên Bức Tường. Ảnh: David Shankbone.

Sau khi nhà sáng lập Hồi giáo Muhammad qua đời năm 632 thọ 62 tuổi, hậu duệ của ông tiếp tục chinh phạt vùng đất phi Hồi giáo, trong đó có Jerusalem. Người Hồi kế thừa móng tường Do Thái gần 700 năm, chồng lên các khối đá mới với kích thước nhỏ hơn. Các hàng đá nhỏ hơn nữa tiếp tục được đặt lên các năm sau đó, nhất là thời đế quốc Ottoman từ thế kỷ 16.

Vì sao công trình Hồi giáo toàn đè lên di sản Do Thái mà không xây hẳn chỗ mới? Về công nghệ, trình độ Do Thái siêu việt trong việc chọn địa điểm cũng như vật liệu làm móng khiến những thứ chồng lên nó sau ngàn năm vẫn vững như bàn thạch. Về tâm linh, dường như có niềm tin khải huyền rằng đặt lên móng ấy sẽ nhận sức mạnh thượng đế, đấng tối cao mà cả ba tôn giáo đều chung thờ dù được gọi bằng các tên khác nhau.

Bức Tường Than Khóc ảnh 3 Chỗ cầu nguyện nam nữ tách riêng bên Bức Tường. Ảnh: Daniel Case.

Phức tạp diễn giải lịch sử

Với mê hồn trận như vậy, bất cứ diễn giải chủ quyền nào đều có thể vừa đúng vừa sai. Giáo sỹ Raed Salah viết: “Bức Tường Phía Tây – mọi hợp phần, cấu trúc và cổng – đều là phần không thể chia cắt” của quần thể Hồi giáo. Giáo sỹ Ekrima Sa’id Sabri: “Không hòn đá nào ở Bức Tường có liên hệ với Do Thái. Họ cầu nguyện ở đây chỉ từ thế kỷ 19 khi nhen lên khát vọng lập quốc”. Thậm chí tháng 12/1973, vua Faisal của Saudi Arabia tuyên bố “chỉ người Hồi Giáo và Cơ Đốc mới có địa danh thần thánh và quyền ở Jerusalem”.

Ngược lại, trưng cầu của Viện Jerusalem năm 2007 ở Isreal cho thấy 96% dân Do Thái thề không bỏ Bức Tường. Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu coi chủ quyền Jerusalem và Bức Tường là “vĩnh viễn”. Mỹ thì sao? Chính quyền Obama tháng 11/2010 “lên án mạnh mẽ tuyên bố của các quan chức Palestine rằng Bức Tường và Thành Cổ không có ý nghĩa gì về tôn giáo đối với người Do Thái và thực chất là tài sản của Hồi giáo”. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi tuyên bố ấy “không chính xác, nhạy cảm, và mang tính khiêu khích rõ rệt”.

Tóm lại, Bức Tường Than Khóc dù thuộc về ai vẫn luôn là minh chứng về một dân tộc không bị diệt vong như nhiều sắc tộc khác. Vượt qua mất mát đau thương, kể cả diệt chủng của Đức Quốc Xã, họ chẳng những vẫn bảo tồn được tôn giáo, văn hoá, nòi giống mà còn trở nên hùng cường chỉ sau 70 năm phục quốc.

Israel 8,6 triệu dân chỉ rộng 22.000 km2, bằng 2/3 đảo Hải Nam. 60% diện tích là sa mạc, lượng mưa 50mm/năm, bằng 1/30 Việt Nam. Vậy mà họ vẫn vững vàng trước tứ bề bao vây của 360 triệu dân Hồi giáo Ả Rập thù địch.

MỚI - NÓNG