Biếu quà ngày Tết... thành đưa hối lộ

TP - Biếu quà ngày Tết là tập tục truyền thống có từ hàng ngàn năm nay ở Trung Quốc, nhưng với sự phát triển của thời đại, tập tục tốt đẹp đó đã biến dạng thành đưa và nhận hối lộ.

Người Trung Quốc xưa có câu “Quan bất đả tống lễ giả” (Quan không phạt người đến biếu quà), chính vì vậy dù quan hệ trong năm dù tốt dù xấu, nhưng Tết đến là dịp để cấp dưới hoặc những người cần nhờ vả, đối tác làm ăn dùng quà biếu để bắc cầu tình cảm, gây quan hệ. Mặc dù từ lâu Quốc vụ viện và Trung ương ÐCS Trung Quốc đã có văn bản yêu cầu cán bộ đảng, chính quyền “trong quan hệ giao dịch, đối ngoại nếu nhận quà biếu trị giá 200 tệ (700 ngàn VND) trở lên phải báo cáo và nộp cho cơ quan, đơn vị”, nếu không nộp sẽ bị coi là tham ô, số tiền quà giá trị 5000 tệ trở lên sẽ bị truy cứu hình sự.

Thế nhưng trong thực tế quy định này chỉ răn đe mà không có tác dụng ngăn chặn khi mà tham nhũng đã trở thành một tệ nạn lan rộng từ trên xuống dưới, giao dịch quyền-tiền đã trở thành lối sống của một bộ phận quan chức. Ngày Tết là dịp để quan chức thu hoạch, nên mới có chuyện một quan tham thành thật: “ai đến biếu thì không nhớ, ai không đến biếu thì nhớ rõ”. Thậm chí có quan chức từng có “dụng nhân kinh” (nguyên tắc dùng người) nổi tiếng: “vô tống lễ, bất đề bạt” (ai không biếu quà, không đề bạt)…

Quà biếu quan chức ngày tết, ngoài giá trị thực dụng ra, thuận tiện cho việc tái lưu thông (tức có thế bán lại) cũng là một nhân tố phải được xem xét khi định biếu quà cho ai. Hầu như xung quanh mỗi khu nhà tập trung nhiều quan chức đều có các cửa hàng thu mua quà biếu, gọi là “Lễ phẩm hồi thu điếm”; gần đây thì có hình thức thu mua qua mạng thông qua các trang web. Sự xuất hiện các cửa hàng này nhắc nhở những người đi biếu ngoài giá trị thực dụng, cần phải xét đến sự thuận lợi tái lưu thông của món quà.

Biếu quà ngày Tết... thành đưa hối lộ ảnh 1 Tập tục biếu quà Tết đã biến tướng thành đưa và nhận hối lộ (trong ảnh là một món quà đắt tiền).

Mấy năm gần đây, đồ gỗ làm bằng các loại gỗ quý như Sưa (Hoàng Ðàn), Cẩm Lai, Giáng Hương, Trắc… cũng tới tấp được đưa tới nhà các cao quan vào dịp Tết bởi chúng có giá trị lâu bền. Phần lớn các lãnh đạo đều rất chú trọng đến phong thủy nên các loại đá ngọc, tượng Phật, tượng Quan Công rất được chuộng làm quà biếu.

Một loại quà biếu nữa cũng được các quan tham ưa thích là cổ vật, tranh, thư pháp của các họa sĩ danh tiếng. Họa sĩ nổi tiếng Phạm Tăng khi nói về nguyên nhân khiến tranh của ông liên tục tăng giá đến chóng mặt đã cười “nội kháo quan tham, ngoại kháo thổ phỉ” (trong nước nhờ quan tham và nước ngoài nhờ trộm cắp đem ra).

Một số cán bộ dưới quyền hay đối tác làm ăn lại cho rằng, ngày thường mạo muội đến biếu xén, lãnh đạo cảnh giác, không dám nhận vì sợ bị gài bẫy. Dịp Tết thì khác, đây là tập tục truyền thống, không ai đến chúc tết tay không nên quả là “danh chính ngôn thuận”, “Quan bất đả tống lễ giả” nên người biếu tự nhiên, người nhận cũng chẳng băn khoăn.

Chính vì vậy, nhiều quan chức cho việc biếu quà nhận lễ ngày tết là “hợp tình hợp lý”. Trong một số vụ án tham nhũng đã xuất hiện những lời tự biện bạch tội nhận hối lộ của quan tham: “nhận tiền biếu ngày tết là quan hệ tình nghĩa bình thường, không thể coi là hối lộ được”. Hiện tượng lợi dụng biếu quà để đưa và nhận hối lộ đã phổ biến đến mức trở thành câu ca trong dân gian: “bất bão bất tống, nguyên địa bất động” (không chạy không biếu, nằm im tại chỗ), “bất tống lễ, bất biện sự” (không biếu quà, không giải quyết)…

MỚI - NÓNG
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
TPO - Trong lúc đang vớt rác vướng ngoài lồng nuôi cá, một ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vô tình phát hiện một con rùa biển đang vùng vẫy trong vợt. Con rùa biển này là một cá thể đồi mồi (một loài rùa biển, động vật biển quý hiếm), có tên trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam.