Thế giới tuần qua: Quan hệ Mỹ - Triều Tiên lấn sâu vào khủng hoảng

TPO - Nam sinh Mỹ Otto Warmbier tử vong sau khi được Triều Tiên phóng thích, Mỹ hối thúc Trung Quốc gia tăng áp lực lên Triều Tiên, Mỹ bắn hạ chiến đấu cơ Su-22 và máy bay không người lái của Syria, 4 Bộ trưởng Pháp lần lượt từ chức trong vòng 48h... là những tin tức đáng chú ý trong tuần qua.

Nam sinh Otto Warmbier - người được Triều Tiên phóng thích sớm đã qua đời hôm 19/6 tại bệnh viện Cincinnati (bang Ohio, Mỹ) sau gần một tuần trở về quê hương trong trạng thái sống thực vật. Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Triều Tiên về việc gây ra cái chết của Warmbier. Tuy nhiên, hôm 23/6, Bình Nhưỡng chính thức khẳng định đã chăm sóc Warmbier một cách "tận tình", và việc Otto Warmbier tử vong đột ngột sau khi trở về Mỹ “trong tình trạng mọi chỉ số sức khỏe đều bình thường” cũng là “một điều bí ẩn đối với chính quyền Triều Tiên.” Ảnh: Tang lễ Otto Warmbier diễn ra hôm 22/6 tại Cincinnati. Nguồn: Gia đình cung cấp

Hôm 21/6, cuộc hội đàm cấp cao giữa các nhà ngoại giao và lãnh đạo quốc phòng Mỹ - Trung Quốc đã được tổ chức tại Washington (Mỹ). Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết các quan chức Mỹ “đã nhắc lại với Trung Quốc rằng nước này cần có trách nhiệm gia tăng áp lực về kinh tế và ngoại giao đối với Triều Tiên nếu muốn ngăn chặn sự leo thang quân sự trong khu vưc.” Đáp lại lời đề nghị của ông Tillerson, phía Trung Quốc đồng ý rằng các công ty của nước này “không nên hợp tác kinh doanh” với những tổ chức, cá nhân ở Triều Tiên bị nêu tên trong danh sách trừng phạt. Ảnh: Reuters

Một quan chức Mỹ ngày 22/6 cho hay Triều Tiên mới đây đã tiến hành thêm một vụ thử nghiệm động cơ tên lửa, sau 3 vụ tương tự hồi tháng Ba, được cho là một phần của chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo quan chức này, vụ thử nghiệm mới nhất diễn ra tại cơ sở phóng Sohae, liên quan đến tầng cao hơn của một tên lửa đa tầng được sử dụng để phục vụ chương trình vũ trụ hoặc phóng một ICBM vốn có thể đe dọa đến lục địa Mỹ. Ảnh: Reuters

Thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, máy bay chiến đấu F-16 của NATO trong ngày 21/6 đã hai lần cố gắng bay sát máy bay của Bộ trưởng Quốc phòng Nga trên vùng biển trung lập của Biển Baltic. Sự việc xảy ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga đang trên đường đến Kaliningrad. Lần thứ nhất, chiến đấu cơ F-16 đã bị phi đội tiêm kích Su-27 hộ tống gồm chiếc máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu ngăn chặn kịp thời. Lần thứ hai, các máy bay NATO giữ khoảng cách đáng kể so với máy bay Nga sau khi máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga trên đường từ Kaliningrad trở về Moscow. Ảnh: Zvezda

Ngày 18/6, Mỹ đã bắn hạ chiến đấu cơ Su-22 của quân đội Chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn. Sự việc khiến Bộ Quốc phòng Nga giận dữ và tuyên bố sẽ bắn bất cứ thiết bị bay nào xuất hiện bên bờ Tây sông Euphrates thuộc Syria, đồng thời cắt đường dây liên lạc khẩn cấp với Mỹ để ngăn cản xung đột với liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Syria. Chỉ một ngày sau, Mỹ lại tiếp tục bắn hạ một máy bay không người lái của Chính phủ Syria. Ảnh: US Army

Ngày 20/6, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào 38 cá nhân và thực thể của Nga có liên quan tới xung đột Ukraine. Động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, sau cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ngày 21/6, Ngoại trưởng Nga tuyên bố hủy bỏ cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ đã lên kế hoạch từ trước nhằm thảo luận biện pháp giảm căng thẳng giữa hai bên. Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko tại Nhà Trắng hôm 20/6. Nguồn: TASS

Hai tàu hộ tống Đô đốc Essen, Đô đốc Grigorovich và tàu ngầm Krasnodar đã phóng 6 tên lửa Kalibr từ đông Địa Trung Hải nhằm tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 23/6. Thông tin ban đầu cho biết, cuộc tấn công đã phá huỷ trung tâm điều khiển và làm nổ tung khu kho chứa vũ khí của IS ở tỉnh Hama. Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo cho đại diện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Israel về cuộc tấn công tên lửa mới nhất này. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng 2 diễn ra hôm 18/6 đã được Bộ Nội vụ nước này công bố một ngày sau đó. Đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đảng đồng minh Phong trào Dân chủ (MoDem) giành được 351 ghế trên tổng số 577 ghế tại Hạ viện. Chiến thắng của LREM là một thành tựu đáng chú ý của Tổng thống Macron, và là một đòn đau đối với các đảng cầm quyền truyền thống vốn thay nhau nắm quyền ở Pháp trong gần 60 năm qua. Với kết quả này, Tổng thống Macron sẽ có được sự hậu thuẫn cần thiết ở cả hai cơ quan lập pháp và hành pháp, nhằm giúp ông thực thi các chính sách cải cách xã hội đã cam kết trong chiến dịch tranh cử. Ảnh: AFP

Chỉ trong vòng 48h, đã có 4 Bộ trưởng Pháp tuyên bố rút khỏi chính phủ. Cụ thể, hôm 21/6, ông Francois Bayrou - Bộ trưởng Tư pháp và bà Marielle de Sarnez - Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu (cùng thuộc đảng MoDem) bất ngờ tuyên bố rời khỏi nội các của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trước đó, hôm 19 và 20/6, Bộ trưởng Pháp đặc trách Gắn kết các vùng - ông Richard Ferrand và Bộ trưởng Quốc phòng - bà Sylvie Goulard cũng tuyên bố từ chức. Nội các mới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 22/6 đã nhóm họp lần đầu tiên tại Điện Elysee (Paris, Pháp) với 4 Bộ trưởng mới vừa được bổ nhiệm để thay thế 4 Bộ trường từ chức trước đó. Ảnh: AFP

Bà Fiona McCormack – chuyên viên giám định cấp cao thuộc lực lượng cảnh sát London (Anh) hôm 23/6 cho biết vụ cháy tháp chung cư Grenfell hôm 14/6 bắt nguồn từ chiếc tủ lạnh mẫu FF175BP của hãng Hotpoint. Mẫu tủ lạnh này chưa từng bị thu hồi vì lỗi sản xuất. Trước đó, một cư dân may mắn thoát khỏi đám cháy chia sẻ trên truyền hình rằng: hàng xóm của ông ở tầng 4 thú nhận chiếc tủ lạnh trong nhà người này đã nổ tung và phát lửa, khiến đám cháy lan ra cả tòa nhà. Ảnh: Reuters

Một chiếc xe tải đã bất ngờ lao vào những người vừa bước ra từ nhà thờ Hồi giáo Finsbury Park (London) vào lúc 0h20’ ngày 19/6. Sau khi chiếc xe dừng hẳn, tài xế nhảy xuống định bỏ trốn thì bị một người trong đám đông tóm được, ghì xuống và chờ cảnh sát tới. Cảnh sát cho biết, đó là một người đàn ông 48 tuổi,da trắng, to cao, độc thân. Khi bị bắt, hắn vẫn hét lên: “Ta muốn giết người Hồi giáo. Đây là nhiệm vụ của ta. Ta sẽ tiếp tục làm như thế”. Vụ việc khiến 10 người bị thương và 3 người nguy kịch. Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng đây là một cuộc tấn công khủng bố. Ảnh: The Guardian

Quân đội Iraq cho biết, 9h35 tối ngày 21/6 (giờ địa phương), các chiến binh IS đã cho nổ tung nhà thờ Hồi giáo al-Nuri và tháp biểu tượng Hadba kế bên, tọa lạc trong thành cổ Mosul – thành trì lớn cuối cùng của IS tại Iraq. Chính tại nhà thờ Hồi giáo cổ này cách đây 3 năm, thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi tự xưng “đế chế” trên các phần lãnh thổ ở Iraq và Syria. Trong khi đó, hãng tin Amaq của IS cáo buộc máy bay Mỹ tấn công nhà thờ al-Nuri. Tuy nhiên cáo buộc này nhanh chóng bị Washington phủ nhận. Ảnh: Reuters

4 quốc gia Ả Rập, bao gồm Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain và Ai Cập, đã soạn thảo một bản yêu sách 13 điều dành cho Qatar với lời hứa hẹn nếu nước này thực hiện bản yêu cầu nói trên thì lệnh cấm vận hơn 2 tuần qua sẽ chấm dứt. Qatar nhận được bản yêu sách vào ngày 22/6 Qatar và đang tiến hành xem xét. Tuy nhiên, Doha cho hay, danh sách trên không hợp lý và không thể thực hiện được.