Thầy thuốc chữa bệnh bằng lá cây nổi danh xứ Nghệ

Thầy thuốc chữa bệnh bằng lá cây nổi danh xứ Nghệ
Bài thuốc là sự kết hợp của bốn loại lá cây sống hoang dại trong rừng, nhưng công sức tìm kiếm của mình cùng với "công nghệ" chế biến đặc biệt, anh đã cho ra bài thuốc lừng danh ở xứ Nghệ.

Bài thuốc là sự kết hợp của bốn loại lá cây sống hoang dại trong rừng, nhưng công sức tìm kiếm của mình cùng với "công nghệ" chế biến đặc biệt, anh đã cho ra bài thuốc lừng danh ở xứ Nghệ.

Rất nhiều người bị rối loạn tiền đình (bệnh tiền đình) tìm đến và được anh chữa khỏi. Bởi cách chữa bệnh đơn giản, hiệu quả nên anh được người dân nơi đây mệnh danh là "thần y". Anh là Nguyễn Ty Ngọ (SN 1978) trú tại xóm Yên Hòa, xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ (Nghệ An).

Cha truyền, con nối

Từ trung tâm thị trấn huyện Tân Kỳ (Nghệ An), phải mất gần 100km đường rừng, chúng tôi mới đặt chân đến xã Tân Hợp. Chỉ cần hỏi nhà anh Ngọ, người có khả năng chữa khỏi bệnh đau đầu thì hầu hết ai cũng biết. Không chỉ gọi bằng tên, người dân còn trân trọng gọi anh bằng "thầy" hay "thần y". Lý do là bởi cái tài lấy thuốc bằng lá cây rừng của anh khiến không chỉ người dân trong làng, mà người dân trong xã và cả các vùng lân cận đều khâm phục.

Loại cây rừng quan trọng nhất trong phương thuốc chữa bệnh của “thần y”
Loại cây rừng quan trọng nhất trong phương thuốc chữa bệnh của “thần y”.

Một người phụ nữ tên là Tạ Thị Sương (SN 1962) khi đó đang làm cỏ dưới ruộng đã hăm hở dẫn chúng tôi đến nhà anh Ngọ. Vừa đi, bà Sương vừa nói chuyện: "Cô, chú đến nhà thầy Ngọ lấy thuốc chữa đau đầu à, ai bày mà cô chú biết hay vậy?. Dân chúng tôi ở đây nhiều người đến nhà thầy Ngọ lấy thuốc và đã khỏi bệnh nên ai cũng mừng lắm".

Căn nhà cấp 4 khá đơn sơ của gia đình anh Ngọ nằm ở góc khuất bao phủ bởi cây rừng trong xóm Yên Hòa. Tưởng chúng tôi là những người đến lấy thuốc, anh Ngọ vui vẻ hỏi han về bệnh tình. Tuy nhiên, khi biết mục đích của chúng tôi là đến để tìm hiểu về bí quyết và cách chữa bệnh đau đầu của anh với những cây lá rừng thì anh Ngọ cười hiền trả lời: "Bí quyết thì cũng không có gì cả, mà cách chữa bệnh này là do từ đời ông nội tôi để lại cho bố tôi, đến lúc bố tôi mất lại để lại cho tôi thôi".

Theo như lời anh Ngọ kể thì bài thuốc được lưu truyền trong gia đình anh đến nay đã 3 đời. Không ai nhớ rõ từ đâu mà cha, ông anh Ngọ có được phương thuốc lạ đó. Anh Ngọ cũng chỉ nhớ mang máng: "Ngày đó tôi còn nhỏ lắm, hình như mới 6 tuổi thì phải thì ông nội của tôi bị ốm nặng. Lúc đó, ông gọi bố và tôi đến gần và bảo bằng mọi giá phải lưu giữ cho bằng được phương thuốc bí truyền của gia đình để nó không bị mai một và mất đi".

Nghe thì biết vậy chứ lúc đó còn quá bé nên anh Ngọ cũng chẳng để tâm gì đến việc phương thuốc bí truyền nọ. Năm anh Ngọ lên 14 tuổi thì ông nội qua đời và ông Nguyễn Ty Hiệt (SN 1947 - bố của anh Ngọ) là người tiếp tục chữa bệnh cho người dân bằng phương thuốc do người cha để lại. Khi đó, bố anh Ngọ đã 45 tuổi, ông lo lắng nếu không truyền lại được phương thuốc cho con thì nguy cơ phương thuốc đó sẽ thất truyền. Lúc đó, gia đình anh Ngọ có 4 người con, trong đó, hai trai và hai gái.

Loại thảo dược này sống bám trên cây và anh Ngọ đang hái thuốc cho một bệnh nhân
Loại thảo dược này sống bám trên cây và anh Ngọ đang hái thuốc cho một bệnh nhân.

Theo tục thì con gái sẽ không được phép học phương thuốc, bởi sau này khi lấy chồng, con gái sẽ mang phương thuốc, đó về nhà chồng. Hai người là anh Ngọ và anh Nguyễn Ty Nam (em trai anh Ngọ) được ông Hiệt xem xét chọn làm người kế tục. Vậy là từ lúc chính thức được bố chọn để dạy lại phương thuốc bí truyền của gia đình, anh Ngọ bắt đầu được bố chỉ dạy cho những điều cơ bản nhất.

Anh Ngọ chia sẻ: "Khi được bố chọn làm người "kế nhiệm", hàng ngày tôi được bố chở vào tận trong rừng sâu rồi lần lượt chỉ dẫn cho từng loại cây một trong phương thuốc chữa đó. Trong đó, có 4 loại cây rừng mà tôi chẳng bao giờ nghe bố gọi tên, chỉ thấy bố tôi chỉ dẫn cho cách nhận biết, rồi lâu dần mình quen thì tự biết được thôi. Sau khi tôi quen với từng loại cây thì bố tôi không đi cùng nữa, mà ông bắt tôi phải vào rừng một mình tự lấy cây thuốc về để ông xem. Cứ thế, mãi 20 năm sau tôi mới biết được cách lấy loại cây thuốc đó".

Cách chữa bệnh độc đáo

Phương thuốc gia truyền theo lời anh Ngọ nói thì có tất cả là 4 loại lá cây rừng. Một điều đặc biệt là với mỗi phương thuốc đó thì phải bắt buộc có đầy đủ 4 loại cây đó. Chúng được bỏ vào cối rồi giã cho đến khi nào các thứ lá này nhuyễn vào nhau, xong mang ra bỏ lên bếp rang, rang đến khi nào thứ lá đó nóng rồi lại mang xuống bọc vào khăn vải mỏng và mềm, đắp lên trán.

Anh Ngọ chia sẻ: "Sau khi đắp thứ lá này lên trán thì giữ nguyên, khi nào lá trong khăn nguội lại mang xuống rang nóng để đắp lại thêm một vài lần nữa thì bỏ. Cũng tùy theo từng người mà có cách đắp thuốc khác nhau, với người nào bệnh đang nhẹ thì chỉ cần lấy ba gói thuốc và đắp ba lần là khỏi. Nhưng với người bị bệnh nặng thì phải lấy tận 5 gói thuốc và đắp hết 5 lần mới khỏi".

Phương thuốc gia truyền mà anh Ngọ đang nắm giữ đã chữa bệnh được cho rất nhiều người dân ở huyện Tân Kỳ. Anh Lương Văn Quang (SN 1981) là hàng xóm của gia đình anh Ngọ cho biết: "Anh Ngọ chữa bệnh tiền đình siêu lắm, tôi cũng là một người đã từng bị căn bệnh rối loạn tiền đình hành hạ đến phát nản. Nhưng khi được anh Ngọ lấy thuốc về dùng đến nay tôi đã khỏi hẳn".

Được biết, kể cả chị gái của anh Ngọ là bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1971) cũng bị bệnh đau đầu, anh Ngọ cũng bày cho chị Tuyết cách lấy thuốc lá rừng về chữa nhưng làm mãi mà bà Tuyết vẫn không khỏi. Chỉ đến lúc chính tay anh Ngọ lấy thuốc cho bà Tuyết dùng thì căn bệnh mới khỏi.

Với mỗi gói thuốc chữa căn bệnh này, anh Ngọ sẽ lấy 50.000 đồng/gói, người nào bị nhẹ thì lấy 3 gói khoảng 150.000 đồng là khỏi. Còn người nặng thì có thể lấy nhiều hơn 3 gói. Mỗi lần lấy thuốc cho người bệnh, anh Ngọ đều sắm lễ là một chai rượu cùng thẻ hương để lên ban thờ để thắp. Không ít người thắc mắc hỏi anh vì sao lại làm như vậy, có chăng thứ thuốc này là thuốc thần thánh nên phải xin "bề trên". Anh Ngọ chia sẻ: "Tôi thắp hương chỉ là tỏ lòng thành kính đến ông nội và bố tôi đã để lại phương thuốc, giúp tôi làm điều có ích cho đời chứ không có vấn đề tâm linh gì cả".

Cũng đã từng được "thầy" Ngọ chữa bệnh, chị Nguyễn Thị Lan (SN 1993) hàng xóm của gia đình anh Ngọ, hiện đang là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ: "Ở ngoài trường, mấy tháng nay em cứ bị đau đầu, uống thuốc tây thì cũng đỡ nhưng mình lại thêm đau dạ dày nên uống mãi cũng không ổn. Đợt này về quê, mẹ em có sang nhà chú Ngọ nhờ chú lấy thuốc về dùng, đến nay em đã khỏi bệnh rồi thấy thoải mái hẳn lên". Ông Nguyễn Bút Tùng (SN 1962) cùng ở xóm Yên Hòa hào hứng nói khi chúng tôi đề cập về chữa bệnh bằng lá rừng: "Anh Ngọ ở trong xã này thì ai cũng biết, bởi anh có khả năng chữa bệnh đau tiền đình đúng và hay lắm. Có nhiều người đã chữa khỏi bệnh bằng thuốc của anh ấy rồi đó".

Trăn trở

Phương thuốc chữa bệnh hoàn toàn đơn giản, nhưng anh Ngọ chỉ trăn trở một điều là công vào rừng lấy các loại lá về làm thuốc khá khó khăn. Có loại sống tít tận trên các cành cây cao, phải trèo lên mới hái được. Nhưng đặc biệt là các loại cây này chỉ sống hoang dã trong môi trường rừng rú nên nhiều lần anh Ngọ đã bứng cây về nhà nuôi để có nguồn dược liệu dự trữ tại nhà. Tuy nhiên, các loại cây này rất khó sống nên ý định của anh Ngọ liên tiếp thất bại.

Chia tay chúng tôi, "thần y" nơi thung lũng rừng xứ Nghệ này cho biết, những chuyến đi rừng tìm lá cây để chế ra bài thuốc luôn rình rập hiểm nguy nhưng anh sẽ không nản, bởi ngoài quyền lợi, đó còn là trách nhiệm với tổ tiên để lưu truyền bài thuốc có một không hai này.

Phương thuốc bí truyền

Ông Nguyễn Bá Mão - phó chủ tịch xã Tân Hợp cho biết: "Về phương thuốc bí truyền của gia đình anh Ngọ thì chúng tôi đã biết từ lâu lắm, từ đời bố anh ấy, ông Nguyễn Ty Hiệt khi đó đang làm thầy giáo làng nhưng vẫn ra tay chữa bệnh được cho rất nhiều người dân trong làng. Phương thuốc của anh ấy cũng chỉ là những loại lá cây bình thường ở trong rừng, cũng có thể khi chúng kết hợp lại với nhau thì lại chữa được bệnh đau đầu đó. Thấy anh Ngọ giúp ích cho đời, lại không có yếu tố mê tín, tâm linh nên chúng tôi không có ý kiến gì".

Theo Phạm Phạm - Kim Thoa
Người đưa tin

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.