Thầy giáo vùng cao trên xe lăn

Thầy Trang và học trò
Thầy Trang và học trò
TP - Bục giảng của thầy xoay đều theo bánh xe lăn, lớp học không phân biệt độ tuổi, tiền công thầy nhận được là mớ rau, con cá của ba mẹ học trò mang biếu...

> Từ thầy giáo dạy sử thành đại tướng lừng danh

Người thầy ấy là Phạm Viết Trang (làng Gia Hội, Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam). Suốt 4 năm qua, người thầy tật nguyền mới hơn 30 tuổi ấy vẫn âm thầm, tận tụy dạy dỗ học trò trong làng với ước vọng quê nghèo ngày mai sẽ đổi thay nhờ con chữ…

Cách thị trấn Đông Phú chừng 7 km, làng Gia Hội nằm giữa những ngọn núi cao chót vót, đường vào khúc khuỷu. Hầu như mọi người dân vùng này đều biết người thầy tật nguyền.

Chúng tôi đến trong lúc thầy đang lúi húi nấu bữa trưa. “Trước đây tôi chỉ tốt nghiệp lớp 12 rồi nghỉ vì gia đình không có điều kiện dù luôn muốn được đi học để sau này làm thầy giáo.

Gác chuyện học hành, tôi bôn ba tứ xứ làm ăn, từ thợ hồ đến bốc vác thuê, nhưng vẫn nuôi mơ ước làm thầy giáo”, anh Trang bồi hồi. Trớ trêu thay, một lần leo cây giúp bà con trong thôn chặt cây chống bão, anh bị ngã, liệt nửa người.

Cuộc sống với Trang hồi đó bỗng tối sầm lại. Đang là trụ cột gia đình, anh lại là gánh nặng cho vợ con.

Ngồi một đống trên xe lăn, nghe dân làng than thở vì không có điều kiện cho con em đi học thêm như chúng bạn, anh nảy ra ý định mở một lớp học thêm miễn phí tại nhà.

Những năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, ngày thường hay cuối tuần, lớp học của thầy Trang vẫn diễn ra đều đặn. “Lớp học được tổ chức theo hình thức ghép, học sinh lớp 1 học chung với lớp 3. Dạy thế tuy vất vả, nhiều buổi ngồi không nổi vì bệnh thần kinh tọa phải nằm để dạy, nhưng được cái các em đi học rất chuyên cần, tiến bộ từng ngày mình cũng thấy khoẻ lên”, thầy Trang chia sẻ.

Dân làng cho biết, từ khi có lớp học của thầy Trang, con em của họ học khá lên trông thấy, nhiều em từ yếu kém trở thành học sinh tiên tiến như em Phạm Công Cường.

Không chỉ dạy chữ, thầy Trang còn “lăn bánh” đến những gia đình không có điều kiện cho con đến trường. Được sự vận động, khuyên nhủ của thầy, không ít những em nhỏ trong làng tưởng chừng thất học lại có cơ hội cắp sách đến trường.

Điều lạ là thầy Trang nhất quyết dạy miễn phí dù nhiều bố mẹ muốn trả công bằng tiền cho thầy.

“Nhiều lúc ba mẹ các em thấy gia đình tôi túng thiếu cũng muốn trả chút tiền học phí, nhưng tôi không đành lòng nhận của người nghèo”, thầy Trang tâm sự.

Bà con trong xóm trả ơn người thầy tật nguyền bằng cách đỡ đần những không việc nặng mà thầy không thể đảm đương.

Ngày mùa, học trò, phụ huynh ra đồng giúp thầy thu hoạch; đóng bàn ghế, sửa cái đèn trong nhà hay chăm nom thầy lúc trái gió trở trời bị đau cột sống. Học trò của thầy thi thoảng có mớ rau, con cá ba mẹ gửi cũng mang sang biếu thầy cải thiện bữa ăn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG