> Năng lực làm người
> Gặp lại thầy Đỗ Việt Khoa
> Nỗi niềm của người thầy chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa
Thầy Đỗ Việt Khoa: " mọi việc không được giải quyết thỏa đáng thì chỉ cần vài ba năm sau sẽ có những Đỗ Việt Khoa khác". Ảnh: NDN. |
Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ sự kiện thầy Đỗ Việt Khoa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lúc đó là ông Nguyễn Thiện Nhân mời đi máy bay vào TP HCM dự cuộc phát động “hai không”. Thầy Khoa kể:
Sau vụ tôi quay clip tố cáo gian lận có tổ chức ở trường THPT Phú Xuyên A, (lúc đó còn thuộc tỉnh Hà Tây) một thời gian thì Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng mới, thầy Nguyễn Thiện Nhân.
Bộ trưởng Nhân thăm tôi tại nhà riêng, rồi lại mời tôi lên Bộ nói chuyện, đề nghị tôi tham gia lễ phát động “hai không” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh chiều 31-7-2006.
Ngày 30-7, tôi cùng đoàn công tác của Bộ lên máy bay bay vào TP HCM. Cho đến nay, đó là lần duy nhất trong đời tôi được đi máy.
Tại lễ phát động, tôi được là người bước lên phát biểu đầu tiên. Trong hội nghị, lãnh đạo Bộ cùng 64 giám đốc Sở cùng ký vào quốc thư gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quyết tâm chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong ngành giáo dục.
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2007 là mùa thi đầu tiên cả nước thực hiện tinh thần hai không. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp giảm xuống một cách mạnh mẽ. Trường Vân Tảo của tôi trước hai không đỗ 99%, năm đó còn 29%. Phụ huynh và học sinh đi qua nhà tôi cứ réo lên chửi: “Khoa điếc!”.
Được biết, năm đó hình như chính anh bị lập biên bản trong khi làm nhiệm vụ coi thi?
Đúng vậy. Năm đó tôi coi thi ở trường THPT Nguyễn Trãi. Ở buổi thi đầu tiên (môn Văn), khi đi vệ sinh, tôi đi ngang qua hai phòng 19 và 20 thì nhìn thấy thí sinh giở tài liệu thoải mái.
Tôi có ý kiến, thế là họ nhao nhao tố um lên, thầy Khoa vu khống, thầy Khoa đi lại loăng quăng.v.v... Nhưng những giám thị đó chủ yếu là giáo viên THCS đi coi thi và chị Phó Chủ tịch hội đồng thi (là hiệu trưởng trường sở tại). Còn các giám thị là giáo viên cùng trường Vân Tảo với tôi thì ủng hộ làm nghiêm. Vì vậy mà lần thi đó trường Nguyễn Trãi chỉ có 31% đỗ.
Về sau thì anh không còn được chọn đi coi thi?
Năm 2009 tôi cũng được đi coi thi, nhưng suốt 6 môn tôi chỉ làm giám thị biên. Mà cái quy chế Hà Nội thực hiện năm đó buồn cười lắm, giám thị biên phải ở cách phòng thi 20m. Thành thử nhiệm vụ của tôi chỉ là đưa thí sinh đi vệ sinh! Ba năm nay họ không đưa tôi vào danh sách giáo viên đi coi thi nữa.
Cho đến nay anh vẫn bị nhiều người nói rằng thích chơi nổi, không biết mình là ai…
Thực ra không riêng gì tôi mà nhiều người xuất hiện trên báo chí để đấu tranh cũng bị người ta đặt điều, bôi nhọ, hãm hại. Lúc đầu tôi cũng bực mình, nhưng sau đó tôi nhận thấy không phải ai cũng nghĩ về tôi như thế.
Đúng là có nhiều người nghĩ rằng sống khôn là không nên thể hiện, không nên chơi trội, phải biết mình là ai, thậm chí phải cúi đầu mà sống.
Tôi thì nghĩ thế này, trước những bức xúc, nếu ai cũng chọn con đường không đấu tranh thì chẳng lẽ chúng ta cam chịu cho bọn xấu lộng hành?
Ai cũng muốn đòi đất nước mình công bằng, văn minh, dân chủ mà chẳng ai chịu đấu tranh vì lẽ phải? Thầy Khoa đấu tranh thì bảo thích chơi trội, thích nọ kia thì kệ người ta, tôi chán lắm tôi chẳng muốn nghe.
Nhưng người ta bảo thầy Khoa đấu tranh chống tiêu cực không vì động cơ trong sáng mà vì trả thù cá nhân, thù ghét ai đó?
Ví dụ năm nay chẳng hạn, thầy Khoa cách Bắc Giang những trăm cây số, thầy chẳng biết ông nào trên đó thì thầy thù ai? Vụ Phú Xuyên A năm 2006, nhà thầy tận Bắc Thường Tín, thầy dậy ở Thường Tín xuống Phú Xuyên coi thi, thầy thù gì dân Phú Xuyên?
Người Việt rất nghĩa hiệp, sẵn lòng đấu tranh chống tiêu cực còn nhiều lắm. Tôi không tin là hết những người như thầy Khoa đâu. Có thể vẫn có nhiều người biết nhưng không dám lên tiếng. Mọi việc không được giải quyết thoả đáng thì chỉ cần vài ba năm sau sẽ có những Đỗ Việt Khoa khác. Tôi chỉ là một trong những người đấu tranh nhỏ bé ở đất nước này |
Cũng có người bảo tôi thù ông hiệu trưởng trường tôi là chủ tịch hội đồng thi Phú Xuyên A. Thật ra ông ấy hay ai ngồi đó cũng đành phải dính vào.
Mà đúng là tôi đấu tranh xuất phát từ những bức xúc trong tôi nhưng đấu tranh nào mà chẳng xuất phát từ bức xúc của cá nhân? Tôi thấy vô lý thì bức xúc. Chỉ thế thôi.
Nhân nói đến vụ Bắc Giang, anh quen với anh Nguyễn Danh N., giáo viên cũ trường THPT Dân lập Đồi Ngô trong tình huống thế nào?
Sau vụ tiêu cực thi cử ở Phú Xuyên A năm 2006, tên thầy Khoa thành ra được nhiều người biết. Anh N. cũng biết. Anh ấy gọi tổng đài 1080 xin số điện thoại, địa chỉ của tôi rồi tìm đến tận nhà tôi xin làm quen.
Hồi ấy anh N. đến tìm tôi, cho tôi xem một tập hồ sơ dày về 37 sai phạm ở trường THPT Dân lập Đồi Ngô. Vì bị thầy N. tố cáo, trường đó đuổi việc thầy N. Thế là thầy N. tự nhiên thành người thất nghiệp.
Vụ clip tiêu cực thi cử vừa rồi mà thầy N. tổ chức làm chỉ là một trong chuỗi đấu tranh liên tiếp không ngừng nghỉ của thầy trong thời gian qua và tôi ủng hộ cuộc đấu tranh đó, vì nó chính nghĩa.
Có vẻ như sau hai không anh trở thành trung tâm tư vấn chống tiêu cực cho các giáo viên?
Nhiều thầy cô gửi tài liệu về cho tôi, tôi chất chật hết cả tủ. Tôi tham gia những chuyện này vì tôi nghĩ mình là người tham gia phát động hai không.
Hằng ngày, tôi không bỏ qua một bài báo nào về tiêu cực trong lĩnh vực GD trên mạng internet. Tôi tự thấy mình có trách nhiệm theo dõi hai không, xem nó đi đến đâu…
Vậy anh thấy nó đến đâu?
Hai năm nay, các thầy cô gọi cho tôi nói thầy Khoa ơi chúng tôi tiếc cho công sức của thầy quá, thi tốt nghiệp họ để cho trẻ quay cóp loạn xạ.
Trong phòng chỉ một em làm được là tất cả làm được, giám thị canh cho mà chép, không cần phải máy phô tô.
Chỉ có 24 em/ phòng nên em nọ chép của em kia, chép một tí là xong, nhanh lắm. Đấy là sự thật vì người những phản ánh là các thầy cô đi làm giám thị.
Khi nghe phản ánh, tôi nhờ các thầy cô thu thập chứng cứ. Năm nay tôi chọn Bắc Giang để làm, tiến hành ở 3 huyện khác nhau. Tôi chọn công bố trường hợp hội đồng thi THPT Dân lập Đồi Ngô vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của những vi phạm.
Việc này cũng chẳng mang lại cho tôi đồng nào hay tí chút lợi ích gì. Tôi làm vì một động cơ duy nhất là để cho ngành giáo dục thấy rõ được sự thật mà chấn chỉnh, đừng tự huyễn hoặc mình, cho rằng hai không đã thành công.
Họ tìm đến anh mà không giải quyết được gì chẳng lẽ họ không chán anh à?
Nhiều người nản chứ. Nản lòng này là một thứ thuốc mà nhiều quan chức luôn cho người dân của mình uống.
Còn anh thì vẫn tin là hai không chưa chấm dứt?
Sống mà không hy vọng, cứ thất vọng mãi thì sống làm gì! Tôi tin là nó chưa chấm dứt hoàn toàn.
Nó có thất bại ở nơi này nơi kia nhưng vẫn có nhiều nơi không thất bại bởi người ta không dám công khai hóa, ép uổng giáo viên phải cấy điểm, không dám công khai hóa bắt giáo viên phải đi ném bài. Vụ Đồi Ngô, Bắc Giang này là cá biệt.
Người phát động hai không là ông Nguyễn Thiện Nhân, nhưng ông đã chuyển sang cương vị khác. Vậy, anh hy vọng vào ai để khôi phục hai không?
Người có tâm ở Việt Nam còn đầy, đâu cứ phải là ông bộ trưởng này, ông bộ trưởng kia! Một giáo viên bình thường cũng đem lại cho mình hy vọng. Mặc dù giải quyết các vấn đề tiêu cực trong ngành giáo dục là khối công việc đồ sộ nhưng tôi vẫn hy vọng vào nhiều người tốt, nghĩa hiệp.
Nhưng để chống tiêu cực, anh đã làm liên lụy tới các em học sinh, những người nhận thức còn non nớt. Dù các em tham gia tự nguyện nhưng có thể các em chưa lường hết được hậu quả?
Tôi đã tư vấn cho các em. Các em 18 tuổi rồi, đâu phải là con nít lớp 3 lớp 4! Các em đã có nhận thức tốt về xã hội, và đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Thật ra tôi cũng chưa bao giờ trực tiếp gặp các em mà chỉ nói chuyện qua điện thoại. Tôi nghĩ, có thể ban đầu một số bạn bè sẽ oán các em vì lo sợ trượt tốt nghiệp.
Nhưng chẳng ai ghét nhau mãi cả, với lại các em là người tốt, chỉ có người xấu mới ghét người tốt. Còn người tốt thì có ai đi ghét nhau đâu. Anh ghét một người trẻ vì việc làm tốt của nó, chứng tỏ anh có vấn đề.
Nhưng em này vi phạm quy chế?
Quy chế của Bộ cũng rất kỳ quái khi quy định chỉ mang bút, thước, chì tẩy, máy tính có trong danh sách, atlat địa lý Việt Nam mà không thấy ghi là mang giầy, quần, áo, dây lưng.
Không rõ mang dây lưng vào có vi phạm không! Máy quay này là một cái bút, phục vụ cho việc viết, không thể phục vụ cho quay cóp được.
Do đó, thiết bị đi kèm nó cũng giống như cái thắt lưng, chỉ khác ở chỗ giúp xã hội nhìn được sự thật chứ không giúp em học sinh đó được gì. Quy chế là do con người tạo ra, phục vụ kỳ thi nghiêm túc.
Quy chế mà cản trở, chống lại việc tố cáo kỳ thi không nghiêm túc đó thì phải thay đổi. Tôi còn muốn đề nghị Bộ sang năm cho phép mang camera bí mật vào quay.
Còn nếu năm nay S. (người quay clip) bị trị thì xin Bộ tuyên bố luôn là chấm dứt hai không. Thử hỏi xem, Bộ có ngần ấy thanh tra, ngần ấy người mà những năm đi làm hai không chẳng quay được clip nào, trong khi một học sinh lớp 12 lại quay được!
Sang năm thi cử vẫn đâu vào đấy thì anh có tiếp tục cùng các giáo viên phanh phui các vụ tiêu cực?
Có biết thầy Khoa sống được đến sang năm đâu hay không? Hoặc là sang năm thầy Khoa bị họ vô hiệu hóa bằng cách bố trí cho thầy Khoa đi làm cái gì đó, ví dụ đi gác đề thi, bị giam ở trong nhà kín cả tháng thì tôi đành chịu, chẳng làm ăn được gì!
Cảm ơn thầy giáo Đỗ Việt Khoa.
Quý Hiên