Thấy gì từ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần đầu tiên?

TP - Tối qua, 13/5, tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF) lần thứ nhất, bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn trẻ Việt Nam Hà Lệ Diễm đã vượt lên 11 bộ phim châu Á dự thi còn lại bước lên bục cao nhất nhận giải Phim hay nhất cho Hạng mục Phim châu Á dự thi.

Và cũng không ngoài dự đoán, bộ phim trăm tỷ Nhà bà Nữ của Trấn Thành giành giải Phim hay nhất của hạng mục Phim Việt Nam dự thi

Chất lượng

Có thể nói đây là lần đầu tiên có nhiều nhà làm phim trẻ trung lẫn gạo cội, các nhà sản xuất phim và các đại biểu đại diện cho các tổ chức điện ảnh trong và ngoài nước cùng công tâm bàn về tương lai của điện ảnh Việt Nam.

Thấy gì từ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần đầu tiên? ảnh 1

Nữ diễn viên HariWon thay mặt chồng – diễn viên Trấn Thành nhận giải thưởng Phim hay nhất tại Hạng mục Phim Việt Nam dự thi.

Là một LHP, tất nhiên không thể thiếu các hạng mục tranh giải dành cho những bộ phim tham dự. Những bộ phim được đề cử trong hạng mục giải thưởng phim châu Á bao gồm: AbeNida (Philippines), Người môi giới (Hàn Quốc), Gangwon-do (Hàn Quốc), Người thân xa lạ (Nhật Bản), Joyland (Pakistan), Soi gương (Ấn Độ, Lithuania, Hàn Quốc), Muru (New Zealand), Những đứa trẻ trong sương (Việt Nam), Giáo sĩ Qodrat (Indonesia), Tro tàn rực rỡ (Việt Nam), Tòa nhà trắng (Campuchia, Pháp, Trung Quốc, Qatar), và Thế chiến 3 (Iran). Còn hạng mục tranh giải phim Việt Nam, ta sẽ bắt gặp những bộ phim đã quá quen thuộc với khán giả nước nhà: 1990 (Đoàn Nhất Trung), Cô gái từ quá khứ (Bảo Nhân & Nam Cio), Đêm tối rực rỡ (Aaron Toronto), Em và Trịnh (Phan Gia Nhật Linh), Mai Ka: Cô gái đến từ hành tinh khác (Hàm Trần), Memento Mori: Đất (Marcus Vũ Mạnh Cường), Nhà bà Nữ (Trấn Thành), và Thanh Sói – Cúc dại trong đêm (Ngô Thanh Vân).

Dù chưa kịp xem hết 12 phim hạng mục châu Á, nhưng tôi phải công nhận rằng LHP DANAFF lần thứ nhất đã chọn lọc kĩ lưỡng và đem những bộ phim chất lượng đến với khán giả Việt, mỗi bộ phim đều khắc họa những vấn đề đa dạng về xã hội và con người thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau.

Như Người môi giới, tương tự các bộ phim trước của đạo diễn người Nhật Kore-eda, đề cao tính nhân văn và lòng trắc ẩn của những con người nhỏ bé trong xã hội. Phim của ông không chỉ yêu cầu ta đặt mình vào bản thân của người khác, mà còn nhắc nhở ta hãy luôn cảm thông với những người ta gặp trong đời, và chính sự kết nối giữa con người với nhau đó là thứ đưa ta vượt lên thời khắc khó khăn nhất. Trái ngược với chất nhân văn trong Người môi giới, bộ phim Thế chiến 3 của đất nước Iran lại là một câu chuyện về sự tha hóa đến mức phi nhân tính của một người đàn ông vô gia cư khi được trao quá nhiều quyền lực trong tay, biến ông thành một kẻ man rợ như chính nhân vật ông đóng – Hitler.

Mấy điều rút ra

Nếu để ý trong hạng mục tranh giải phim châu Á, ta có thể thấy hai phim Soi gương và Tòa nhà trắng đều có sự phối hợp đồng sản xuất từ ba quốc gia trở lên. Đây có thể là một xu hướng làm phim trong tương lai dành cho các nhà làm phim trẻ đến từ những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm, Việt Nam vẫn chưa có một quỹ điện ảnh chính thống từ phía nhà nước để hỗ trợ các nhà làm phim trẻ mà chỉ mới có của các trung tâm văn hóa, đại sứ quán và nguồn đầu tư từ quỹ điện ảnh nước ngoài. Đây là điều vô cùng đáng tiếc với nền điện ảnh nước nhà. Trong khi đó, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ rằng làm một dự án phim có vốn đầu tư nước ngoài vô cùng phức tạp và yêu cầu nhiều loại thủ tục, giấy tờ kinh doanh khác nhau, có thể mất nhiều năm trong khi dự án phim đó chỉ kéo dài một năm.

Hiểu được xu hướng hợp tác làm phim đa quốc gia này, nhà sản xuất người Nhật Horoyuki Akune đã đưa ra đề xuất thành lập một Cộng đồng Điện ảnh châu Á Toàn cầu trên không gian mạng để phục vụ mục đích giao lưu điện ảnh, thảo luận về dự án riêng của từng nước hoặc trao đổi về các dự án hợp tác trong khu vực. Đề xuất này có thể vướng phải sự nghi hoặc của nhiều đại biểu tại LHP về tính khả thi, bởi cần cân nhắc kĩ lưỡng hơn đến rào cản văn hóa, ngôn ngữ, chính trị và lợi ích của các quốc gia trong khu vực. Song tôi vẫn hi vọng đề xuất này sẽ từng bước trở thành hiện thực trong tương lai gần, và LHP DANAFF sẽ là một cầu nối liên kết các quốc gia châu Á lại với nhau.

Thấy gì từ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần đầu tiên? ảnh 2

Nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm xúc động khi nhận được Giải Phim hay nhất Hạng mục Phim châu Á dự thi. Ảnh: Giang Thanh

Vì đây là lần tổ chức đầu tiên một LHP tầm cỡ châu lục của một quốc gia mà nền điện ảnh còn chưa có nhiều thành tựu lớn, nên có thể hiểu ban tổ chức phải cân bằng giữa việc quảng bá, thương mại với việc tạo cơ hội giao lưu với những nhà làm phim chưa có tên tuổi. Đa số các bộ phim Việt được trình chiếu và tranh giải tại LHP đều là những tác phẩm của nhà làm phim gạo cội, có ngân sách lớn và thậm chí có phim đạt doanh thu đứng cao nhất từ trước đến nay, như Bố già và Nhà bà Nữ (đều của Trấn Thành). Vẫn biết cần phải phô diễn những tác phẩm nổi bật nhất của mình với bạn bè quốc tế khi tổ chức một sự kiện châu lục thế này, nhưng tôi cho rằng LHP cũng nên tạo điều kiện quảng bá những bộ phim ngắn, độc lập của những bạn trẻ làm phim vẫn đang đi tìm chỗ đứng trong nền điện ảnh Việt Nam. Bởi, chẳng phải một trong những mục tiêu của LHP DANAFF là vinh danh các tác phẩm điện ảnh có khám phá mới mẻ, nghệ thuật thể hiện độc đáo, khích lệ những tài năng mới của điện ảnh Việt Nam hay sao? Đồng thời cũng hi vọng trong những kì tổ chức tiếp theo của DANAFF, ban tổ chức sẽ trao thêm nhiều giải thưởng điện ảnh hơn cho các hạng mục như âm thanh, kĩ thuật quay phim hay thiết kế bối cảnh,…, thay vì chỉ tập trung đơn thuần vào giải đạo diễn, diễn viên, kịch bản và phim hay nhất như năm nay.

Thấy gì từ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần đầu tiên? ảnh 3
Nhà sản xuất người Nhật Horoyuki Akune đề xuất thành lập một Cộng đồng Điện ảnh châu Á Toàn cầu trên không gian mạng. Ảnh: Kinh Quốc

Đạo diễn Marcus Vũ Mạnh Cường chia sẻ: “Tôi thấy có sự nỗ lực rất lớn từ tất cả bộ phận ban tổ chức, hẳn nhiên vẫn còn những bất cập nhưng đấy là điều LHP nào cũng có thể gặp, kể cả những LHP đã tổ chức lâu đời. Có thể thấy kì vọng của DANAFF là muốn trở thành một LHP tầm cỡ châu lục, là một điểm đến để người ta nhớ đến trong một năm vốn có rất nhiều LHP trên toàn thế giới, đặc biệt là châu Á. Bước đầu tiên này là vô cùng quan trọng, và vẫn còn nhiều bước phải làm để LHP này trở thành một thương hiệu khó thể bỏ qua”. Để làm được điều này, vị đạo diễn của Memento Mori: Đất cho rằng nên chú trọng vào chất lượng tác phẩm và tác giả tại sân chơi đa quốc gia này, đảm bảo sự chuyên sâu của các cuộc gặp mặt và cọ xát giữa các nhà làm phim với nhau và với khán giả.

Nền điện ảnh Việt Nam đang trên đà tạo dựng chỗ đứng của mình tại châu Á và thế giới, và theo nhận định của đồng Giám đốc Quỹ điện ảnh Purin Pictures ông Aditya Assarat, thì châu lục đang đón chào một làn sóng điện ảnh mới Việt Nam. Vì vậy, LHP DANAFF lần thứ nhất này là một bước đi đầy tính toán khơi gợi lên cơn sóng điện ảnh mạnh mẽ hơn nữa.

DANH SÁCH CÁC GIẢI THƯỞNG

Hạng mục Giải thưởng Phim Châu Á dự thi:

-Phim hay nhất: Phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” (Hà Lệ Diễm)

- Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo: phim World War III (Iran);

- Giải đạo diễn xuất sắc: Đạo diễn Kavich Neang (phim Tòa nhà trắng, hợp tác Pháp, Nhật, Đức, Bỉ, Italia, Cam pu chia)

-Giải diễn viên nam xuất sắc: Mohsen Tanabandeh (phim World War III, Iran);

- Giải Diễn viên nữ xuất sắc: Juliet Bảo Ngọc Doling (phim Tro tàn rực rỡ, Việt Nam)

-Giải biên kịch xuất sắc: Saim Sadiq và Maggie Briggs (phim Joy Land – Pakistan)

Hạng mục Giải thưởng Phim Việt Nam dự thi:

-Phim hay nhất: Nhà bà Nữ (Trấn Thành)

-Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo: Đêm tối rực rỡ (đạo diễn và sản xuất Nhã Uyên, Aaron Toronto)

- Giải đạo diễn xuất sắc: Trấn Thành (phim Nhà bà Nữ)

-Giải diễn viên nam xuất sắc: Huỳnh Kiến An (phim Đêm tối rực rỡ)

-Giải diễn viên nữ xuất sắc: Nhã Uyên (phim Đêm tối rực rỡ)

- Giải biên kịch xuất sắc: Nhã Uyên, Aaron Toronto (phim Đêm tối rực rỡ).

Ngoài ra, BGK LHP trao giải thưởng Giải NETPAC cho Phim Việt Nam xuất sắc: Memento Mori: Đất; và giải Khán giả cho phim Việt Nam được yêu thích nhất cho phim Siêu lừa gặp siêu lầy

Giang Thanh

Tin liên quan