Thay đổi thói quen trong khám chữa bệnh để trở thành người bệnh thông thái

0:00 / 0:00
0:00
Đã có nhiều trường hợp người bệnh gặp nguy kịch vì chủ quan, chọn ngày giờ đẹp mới tới bệnh viện dù đã có các triệu chứng nguy hiểm. Thay đổi thói quen trong khám chữa bệnh cũng là cách để người bệnh thông thái giảm thiểu thời gian chờ đợi và được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt nhất.

Thực tế diễn ra tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào những mùng 1 đầu tháng và ngày rằm thường vắng vẻ hơn rất nhiều so với những ngày còn lại. Gây nên tình trạng quá tải cục bộ trong khám chữa bệnh. Điều này khiến bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong việc điều phối thời gian và người bệnh cho phù hợp.

Theo ghi nhận từ một số người bệnh đến khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phần lớn người bệnh vẫn chưa nắm được ngày nào đông hay vắng tại bệnh viện. Vẫn tồn tại những quan niệm kiêng kị ngày rằm và mùng 1 đầu tháng, thay vào đó ưu tiên chọn ngày đẹp và giờ đẹp để khám chữa bệnh. Hoặc khám từ sáng sớm vào các ngày đầu tuần để "khám sớm và xong sớm". Một số ít người bệnh sau khi được bác sĩ tư vấn đã thay đổi thói quen: khám chữa bệnh không kiêng kị ngày giờ, tái khám vào buổi chiều và cuối tuần ; từ đó, đã được tiếp cận được dịch vụ y tế một cách tốt hơn, góp phần giảm tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Thay đổi thói quen trong khám chữa bệnh để trở thành người bệnh thông thái ảnh 1

Bệnh viện thời điểm buổi sáng, các ngày đầu tuần

Thay đổi thói quen trong khám chữa bệnh để trở thành người bệnh thông thái ảnh 2

Bệnh viện thời điểm buổi chiều, các ngày cuối tuần

Chị P.T.B.H (sinh năm 1989, quê Hà Giang), cho biết: Tôi đến bệnh viện lần thứ 2, do được bác sĩ hẹn tái khám. Thú thực, nếu được hẹn tái khám vào ngày rằm hoặc mùng 1, tôi cũng hơi e ngại và sẽ đi lệch qua 1 ngày. Tôi trước đây cũng không biết, nhưng được bác sĩ tư vấn, nếu tái khám thì nên đến vào buổi chiều và cuối tuần; vì vậy, lần này tôi chọn đi vào cuối tuần, mọi việc cũng nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều.

Cô L.T.T (sinh năm 1976, quê Phú Thọ) cho hay: Nay tôi may mắn đi khám đúng ngày không quá đông đúc nên cũng không phải đợi lâu, tôi khám khá nhiều nhưng cũng đã xong hết và có kết quả rồi. Tôi cũng không biết thời gian nào là phù hợp để không phải chờ đợi lâu, nên nếu được tư vấn thì tốt quá. Tôi chưa biết đến tổng đài đặt lịch hẹn khám của Bệnh viện, hôm nay được giới thiệu, tôi thấy rất hay và hữu ích, tôi sẽ áp dụng trong những lần tái khám tới.

Cô L.T.H (sinh năm 1966, quê Hưng Yên) chia sẻ: Hôm nay tôi đến tái khám. Tôi đến Bệnh viện nhiều lần rồi nên được bác sĩ tư vấn đến vào buổi chiều và ngày cuối tuần. Người dân muốn đỡ vất vả thì cũng nên chú ý và chủ động cho lịch đến khám của mình. Tôi thì không có ngày nào kiêng kị cả, có bệnh thì phải khám thôi, nhưng tôi biết có nhiều trường hợp, người bệnh cũng kiêng kị ngày rằm và mùng 1, thậm chí chọn ngày đẹp đến khám. Tôi nghĩ như vậy là không nên, có bệnh thì khám ngay là tốt nhất, chờ ngày đẹp lại qua mất thời gian tiêu chuẩn.

Bác Đ.M.H (sinh năm 1950, quê Nam Định) tâm sự: Chúng tôi quê xa, cứ khi nào sắp xếp được việc nhà và con cháu có thời gian đưa đi là lên khám thôi. Còn lịch tái khám thì theo ngày bác sĩ hẹn. Không biết ngày nào là đông hay vắng cả, cũng chưa được biết đến tổng đài đặt lịch hẹn khám. Nếu được tư vấn về ngày khám thích hợp và đặt lịch khám để giảm thiểu thời gian chờ đợi thì tốt quá.

Chị N.T.N (sinh năm 1980, quê Thái Nguyên) chia sẻ: Tôi đưa mẹ đến khám đại tràng. Tôi không nắm rõ được ngày nào đông hay vắng ở Bệnh viện, cứ sắp xếp được thời gian hoặc bệnh có dấu hiệu trở nặng là đi khám thôi.

Bác N.T.L (sinh năm 1955, quê Thái Bình) cho hay: Tôi đến đây là lần thứ 2 rồi, thường cũng không để ý hôm nào đông hay vắng. Do hôm qua phải nhập viện cấp cứu nên tôi vào luôn, không thì khi nào sắp xếp được thời gian khám bệnh là lên khám thôi. Tôi nghĩ, không nên có quan niệm kiêng kị khám chữa bệnh và rằm hay mùng 1 gì cả, nhất là cấp cứu thì bất kể ngày nào, như trường hợp của tôi, hôm qua nếu chậm trễ thì hậu quả khôn lường rồi.

Thay đổi thói quen trong khám chữa bệnh để trở thành người bệnh thông thái ảnh 3

PGS.TS Nguyễn Văn Hướng - Trưởng Khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hướng - Trưởng Khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Trên thực tế, vẫn nhiều người dân có suy nghĩ kiêng kị ngày rằm và mùng 1, đồng thời chọn ngày đẹp để đi khám bệnh. Từ đó tạo nên thực trạng một số ngày trong tháng quá đông, một số ngày quá vắng bệnh nhân. Giữa các ngày không bù đắp được cho nhau tạo nên sự quá tải, khó khăn trong vấn đề điều phối khám chữa bệnh của Bệnh viện. Tuy những ngày rằm, mùng 1 trong tháng không quá nhiều nhưng nếu có thể dàn trải được thì những ngày còn lại cũng sẽ đỡ áp lực hơn.

Những trường hợp người bệnh có tình trạng nặng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não,... mà chờ ngày đẹp để đưa tới bệnh viện là rất nguy hiểm. Căn bệnh đột quỵ não diễn biến rất nhanh, khung giờ vàng là trước 4,5 giờ và nếu chờ qua mùng 1, ngày rằm hay qua Tết mới đến bệnh viện thì sẽ có thể để lại những hậu quả đáng tiếc.

“Thường người bệnh tập trung đến khám vào buổi sáng, buổi chiều thì thưa hơn rất nhiều tạo nên sự quá tải cục bộ theo thời gian. Tâm lý người bệnh ai cũng muốn đến sớm, khám sớm và xong sớm. Bệnh viện cũng hiểu được điều này nên đã triển khai số hotline 19006422 giúp cho người bệnh đặt lịch hẹn khám và giảm thiểu thời gian chờ đợi. Bệnh viện cũng có thể điều phối thời gian và người bệnh cho phù hợp. Người bệnh tái khám rất nên đến bệnh viện vào buổi chiều, vì những trường hợp này, bác sĩ chỉ cần những kiểm tra đơn giản hoặc kê đơn thuốc, không cần đến vào buổi sáng phải chờ đợi lâu. Những người bệnh có bệnh lý đơn giản, không phức tạp cũng tương tự như người bệnh tái khám. Khám vào buổi chiều vắng hơn cũng là điều kiện để người bệnh đỡ vất vả hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh.” - PGS.TS Nguyễn Văn Hướng cho biết.

Để việc khám chữa bệnh của người dân nhanh chóng, hiệu quả hơn và giảm thiểu thời gian chờ đợi. Bệnh viện cũng dễ dàng trong việc điều phối thời gian, nhân lực và nâng cao chất lượng. Hãy thay đổi những thói quen chưa tốt và lắng nghe theo tư vấn của bác sĩ trong việc đến khám bệnh theo thời gian thích hợp. Đồng thời, người bệnh hãy gọi về số hotline 19006422 để được tư vấn và đặt lịch hẹn khám.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.