UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo bán nhà cho Sacombank:

Thất thu hàng chục tỷ đồng

Thất thu hàng chục tỷ đồng
TP - Theo đơn tố giác khẩn cấp của bạn đọc, việc UBND tỉnh Phú Yên bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ba ngôi nhà 279 – 281 – 283 Trần Hưng Đạo, thành phố Tuy Hòa cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã gây thất thu lớn.
Thất thu hàng chục tỷ đồng ảnh 1
Nhà 279 - 281 - 283 Trần Hưng Đạo, thành phố Tuy Hòa. Ảnh: Đình Quân

Ba ngôi nhà số 279 – 281 – 283 Trần Hưng Đạo nằm đối diện chợ uy Hòa, có tổng diện tích hơn 494 m2, mặt tiền 15 mét. Ngày 25/8/2009, UBND tỉnh Phú Yên quyết định bán ba ngôi nhà cho Sacombank theo hình thức chỉ định, với giá 8,07 tỷ đồng.

Tính ra, đơn giá đất trong trường hợp này là 16 triệu đồng/m2. Nhưng tại cuộc bán đấu giá ngày 14/5/2008, căn nhà 205 Trần Hưng Đạo (nhà 205) có diện tích hơn 122 m2 được bán với giá 5,76 tỷ đồng, tức là khoảng 46 triệu đồng/m2. So với nhà 205, nhà số 279 - 281 - 283 có lợi thế kinh doanh chỉ cách đường Lương Văn Chánh chừng 20 mét. Cùng vị trí, sao giá bán những ngôi nhà này chênh lệch nhau gần ba lần?

Ông Đỗ Duy Vinh - GĐ Sở Tài chính Phú Yên, cho biết, việc bán nhà cho Sacombank để họ xây nhà làm việc là theo chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, vì lợi ích chung của địa phương.

“Tỉnh có quyền bán chỉ định nhà, đất cho người có dự án đầu tư. Không thể tính theo giá đất ở, mà tính theo giá đất sản xuất kinh doanh, chỉ giao 50 năm rồi lấy lại. Chỗ đất giao cho Sacombank, chúng tôi đã tính giá bằng hai lần giá quy định. Nhà số 205, giá khởi điểm là 2,9 tỷ đồng. Mấy ông hăng máu đấu giá lên hơn 5,7 tỷ đồng, chứ thị trường làm gì có giá đó!” - Ông Vinh nói. 

Theo quy định tại Nghị định 198/2004/NĐ-CP và Nghị định 123/2007/NĐ-CP, đơn giá đất được sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh với thời hạn giao đất 70 năm được tính bằng 60 phần trăm đơn giá đất ở cùng vị trí; nếu thời hạn sử dụng đất ít hơn 70 năm thì đơn giá được giảm 1,2 phần trăm cho mỗi năm.

Theo quy định trên, lấy đơn giá đất ở theo giá bán nhà số 205 là 46 triệu đồng/m2, đơn giá đất sản xuất kinh doanh tại nhà 279 - 281 - 283 phải là 21 triệu đồng/m2, cao hơn sáu triệu đồng/m2 so với mức do UBND tỉnh Phú Yên đặt ra và như thế lẽ ra, khoản thu tiền sử dụng đất khi giao đất cho Sacombank phải tăng thêm 2,5 tỷ đồng.   

Tuy nhiên, tại sao UBND tỉnh Phú Yên lại bán nhà số 279 – 281 – 283 theo hình thức chỉ định mà lại chỉ định cho Sacombank?

Theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, việc bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hình thức chỉ định được thực hiện trong các trường hợp như chỉ có một khách hàng đăng ký mua; khách hàng đăng ký mua để sử dụng cho mục đích xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Đối chiếu quy định trên, việc UBND tỉnh Phú Yên bán chỉ định nhà 279 - 281 - 283 là chưa phù hợp. 

Trong vụ đấu giá nhà 205, có tới 70 khách hàng đặt cọc tham gia. Như vậy, nhu cầu mua nhà là rất lớn, tỉnh có thể bán từng ngôi nhà theo giá đất ở, chứ không phải giao đất, thu tiền theo giá đất sản xuất kinh doanh.

Không tính đến việc giá đất năm 2009 cao hơn giá đất năm 2008, không cần lấy giá bán nhà 205 là 46 triệu đồng/m2, chỉ cần bán nhà số 279 - 281 - 283 với giá 40 triệu đồng/m2, ngân sách tỉnh đã thu được 20 tỷ đồng, nhiều hơn 12 tỷ đồng so với giá bán cho Sacombank.

So với mức hỗ trợ xây nhà tình thương hiện nay khoảng 10 triệu đồng/căn, số tiền trên tương đương 1.200 căn nhà tình thương!

MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.