Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu từng là sinh viên của trường |
GS.TS Phạm Hồng Chương cho biết:
Một trong hai mục tiêu chính của trường là đào tạo ra các doanh nhân, hay nói cách khác là chúng tôi tham gia ươm tạo những doanh nhân tương lai của đất nước. Trường đã thực hiện nhiệm vụ này trong gần 70 năm vừa qua, đội ngũ cựu sinh viên của trường thuộc dạng đông đảo và thành công nhất trong các doanh nhân Việt Nam. Rất nhiều người trong số họ là doanh nhân tiêu biểu như Dương Công Minh -chủ tịch Tập đoàn Him Lam, Trần Đình Long- Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, Nguyễn Thị Nga- Chủ tịch Tập đoàn BRG,....và rất nhiều những thế hệ doanh nhân khác.
GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân |
+Thách thức với doanh nhân Việt ngày càng khốc liệt. Nhà trường đã làm gì để tiếp sức xây dựng đội ngũ doanh nhân từ các chương trình đào tạo?
Nhà trường đang tiếp tục để đội ngũ doanh nhân không chỉ tiếp nối được truyền thống mà quan trọng hơn là còn có đầy đủ những phẩm chất, tố chất của thời đại mới. Hiện nay trường tập trung 3 mũi xung kích để chất lượng đào tạo đạt được kết quả tốt nhất. Một là phát triển theo hướng hội nhập quốc tế có nghĩa là học hỏi và tiệm cận những chương trình đào tạo, nội dung đào tạo, cách thức đào tạo của các trường đại học tốt nhất của khu vực và trên thế giới. Học hỏi, chắt lọc và áp dụng chương trình đó phù hợp với điều kiện của Việt Nam; gửi giảng viên đi đào tạo tại nước ngoài…Các hoạt động đó cho phép sinh viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân tiếp cận được với chất lượng, chuẩn mực đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong khu vực cũng như trên thế giới. Do vậy sau khi sinh viên trường NEU tốt nghiệp có thể theo học được ở các trường đại học trên thế giới một cách dễ dàng, hoặc thậm chí ngay trong quá trình học tại trường, các bạn cũng đã có thể tham gia học trực tiếp ở các trường đại học trên thế giới.
Hiện nay, nhà trường là cơ sở đào tạo đại học gần như là duy nhất ở Việt Nam có số lượng chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn mực quốc tế nhiều nhất. Ví dụ như chuẩn ACBSP (Accreditation Council for Business Schools and Programs) theo tiêu chuẩn của Mỹ thì trường có khoảng 19 chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn này. Bên cạnh đó còn có nhiều chương trình thẩm định theo các tiêu chuẩn khác.
Nhà trường đang trong quá trình thực hiện lộ trình theo chuẩn AACSB (Association to Advance Collegiate Schools of Business). Hiện chỉ có 5% các trường đại học kinh doanh trên thế giới đạt được chuẩn này. Nhưng quá trình thực hiện phải mất đến 5-7 năm, hiện trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tham gia ở năm thứ 2. Nếu mình đạt được chuẩn đó thì sẽ nằm trong top những trường đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt được chuẩn này. Đấy là hướng mà hiện nay nhà trường cố gắng tạo ra sự bứt phá trong việc hội nhập.
Năm vừa rồi trong số hơn 7.000 sinh viên thì đã có khoảng hơn 5.000 (hơn 70%) đã đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh. Toàn bộ việc sử dụng tài liệu, học liệu bằng tiếng Anh rất thuận tiện, phù hợp. Ngoài việc bản thân giảng viên đã là người tốt nghiệp ở nước ngoài rồi thì trong quá trình vừa qua nhà trường cũng gửi khoảng 50-70 giảng viên đi học từ 3 - 6 tháng tại nước ngoài…
Mũi thứ hai là áp dụng công nghệ trong quản lý và giảng dạy. Mặc dù là một trường truyền thống về kinh tế nhưng về mức độ chuyển đổi số thì trường là một trong những trường đi đầu. Toàn bộ quá trình nhập học của sinh viên từ lúc các bạn đăng ký vào trường đến lúc nhập học hoàn toàn online, gần như không có chuyện phải mang tài liệu gì đến trường. Sau này nhà trường đã có lộ trình là 100% các môn học đều thi trên máy. Vì chuyển đổi số như vậy nên việc tiếp cận công nghệ thông tin của các em rất cao. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gần như là trường đầu tiên đưa ra chuẩn tin học đầu ra là phải có chứng chỉ quốc tế, nhưng sang năm chúng tôi dự kiến sẽ bỏ chuẩn đầu ra tin học bởi vì trình độ sử dụng công nghệ thông tin của các em với việc được rèn luyện qua 4 năm như thế thì không cần đến chứng chỉ đó nữa.
+Thưa ông, nhà trường làm gì để nâng cao khả năng “thực chiến” cho các doanh nhân tương lai?
Nhà trường luôn gắn kết lý thuyết với thực tiễn. Ngay từ năm thứ 1, thứ 2 các em sinh viên đã được đi đến doanh nghiệp rồi. Có một thuận lợi là các cựu sinh viên của trường đại học Kinh tế Quốc dân sau khi tốt nghiệp và thành công thì sẽ quay trở lại chia sẻ với các em. Đa số họ sẽ trở về vì tình cảm, mang nhiệt huyết truyền lửa với các thế hệ sau. Rất nhiều các em sinh viên đi thực tập sẽ ở lại đi làm luôn cho các doanh nghiệp của các thế hệ đàn anh. Nhà trường sẽ triển khai phương thức Lecture Seminar tức là toàn bộ phần lý thuyết, bài giảng, trường đã đưa lên mạng và sinh viên sẽ tải các bài giảng đó về. Nhà trường có kế hoạch, toàn bộ bài giảng về mặt lý thuyết sẽ được nhà trường cung cấp cho sinh viên ngay hoặc trước khi các bạn đăng ký học. Toàn bộ những buổi lên lớp và đi học Lecture là không bắt buộc nhưng toàn bộ các buổi Seminar với quy mô lớp khoảng 20-25 sinh viên sẽ thực hiện chia nhóm, thảo luận, giải quyết tình huống thực tiễn thì coi như bắt buộc đối với sinh viên. Hiện tại đã có khoảng 20% các môn học đã thực hiện được phương án đó rồi và nhà trường có lộ trình 100% các môn học sẽ thực hiện theo hướng đào tạo Lecture Seminar.
“Doanh nhân là những người dẫn dắt, những người tiên phong, là những người đổi mới sáng tạo, là những người chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, do vậy mình cũng cần có cái nhìn nhận, đánh giá phù hợp, không nên nhìn nhận một cách quá cứng nhắc. Đối với xã hội chúng ta, cái mong muốn lớn nhất của các doanh nhân là họ mong muốn một môi trường vĩ mô minh bạch, ổn định. Vai trò của Chính phủ, vai trò của những người quản lý là phải kiến tạo được môi trường kinh doanh phải ổn định, minh bạch, giúp cho doanh nhân có được tầm nhìn dài hạn. Doanh nhân có thể chấp nhận rủi ro về tiền bạc nhưng không ai trong số doanh nhân lại chấp nhận rủi ro “mặc áo số” cả. Môi trường của chúng ta phải tạo cho doanh nhân điều kiện để họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhưng trong khuôn khổ mà họ có thể chấp nhận được”.
GS.TS Phạm Hồng Chương
Một ví dụ điển hình là chúng tôi có hợp tác với Tập đoàn Đèo Cả đào tạo được 2 khóa thạc sĩ, mỗi khóa 50 người đang làm việc tại doanh nghiệp này. Các môn học thậm chí được dạy ở các địa điểm mà Tập đoàn Đèo Cả kinh doanh. Tất cả những luận văn tốt nghiệp của sinh viên cao học ấy là lấy từ tình huống thực tiễn của Tập đoàn Đèo Cả. Khi nghiệm thu thì lãnh đạo của Tập đoàn Đèo Cả sẽ ngồi cùng để nghe các giải pháp mà cán bộ của họ trình bày dưới dạng một luận văn tốt nghiệp để giải quyết vấn đề thực tiễn.
+Bên cạnh đào tạo kiến thức, trường đã làm gì để xây đắp nên khát vọng của doanh nhân Việt, vừa có đam mê kinh doanh, vừa có sự chia sẻ chung tay giải quyết những vấn đề xã hội?
Ngoài các hoạt động đào tạo, nhà trường có rất nhiều câu lạc bộ mà qua các hoạt động của câu lạc bộ, tổ chức các sự kiện ví dụ như hoạt động NEU Concert cho khoảng 10.000 sinh viên thì hỗ trợ của nhà trường khoảng 10% còn lại phần lớn là các bạn sinh viên kêu gọi xã hội hóa, từ các đơn vị tài trợ. Ngoài ra còn có các hoạt động chia sẻ của cựu sinh viên và hoạt động của nhà trường bao giờ cũng nhắc tới truyền thống, là sự thành đạt của thế hệ đi trước cho nên khi trở thành sinh viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì bản thân các em đã sẵn có mong muốn trở thành doanh nhân rồi. Trong tất cả các hoạt động giảng dạy và hoạt động ngoại khóa của nhà trường đều hướng tới việc nuôi dưỡng tinh thần, đam mê doanh nhân của các em.
+Trân trọng cảm ơn ông.