"Tôi là nhân viên mới trong ngành công nghiệp giải trí"
Vai Ánh Dương là vai chính điện ảnh đầu tay của Thảo Tâm. Ảnh: Hoàng Nam. |
- Trong thời gian 4 năm, chị trau dồi khả năng diễn xuất thế nào?
- Ngành học của tôi là nghệ thuật và truyền thông, nghiên cứu sâu về mảng lịch sử, lý thuyết, phim ảnh. Về mảng diễn xuất, tôi học trên thực địa. May mắn của tôi trong suốt quá trình học đại học có thể song song làm diễn viên. Trên trường học lý thuyết và lên phim trường được thực hành. Đôi khi lý thuyết và thực hành không liên quan đến nhau.
Học về lý thuyết, lịch sử phim nghiêng về phân tích, đánh giá, trong khi tham gia phim cần có kỹ năng. Tôi được học hai mảng này, dần dần xây dựng sự đối xứng, biết áp dụng lý thuyết vào trường hợp thực hành có lợi ra sao, hại như thế nào, đấy là cách tôi trau dồi.
Tôi có những nghiên cứu của riêng mình và tự nhận mình là người hơi mọt sách. Những thứ tôi học cần phải dựa trên nền tảng sách vở. Ngoài ra, việc tham gia phim ngắn, đóng MV ca nhạc, quay quảng cáo cũng dạy cho tôi kiến thức thực địa quan trọng.
- Vốn có thành tích học tập ấn tượng, nhiều người thắc mắc lý do chị chuyển hướng gần như hoàn toàn sang hoạt động nghệ thuật?
- May mắn lớn nhất của tôi là học đúng ngành. Nếu như mà tôi không làm nghệ thuật, đó mới là trái ngành. Ở vai trò diễn viên, có những cái kỹ năng nằm ngoài cả trường lớp. Những điều này đúng với tất cả, tôi quan niệm mình là cô nhân viên mới trong các ngành công nghiệp này. Một người đi làm trẻ tuổi, việc phải tự tìm cách trau dồi những cái kỹ năng cứng cần cho ngành nghề là tất yếu. Nó sẽ nằm ngoài những cái kỹ năng sư phạm mà tôi có được trên giảng đường là chuyện bình thường.
Tôi tận hưởng khoảng thời gian học đại học và yêu thích mảng sư phạm. Nhưng hiện tại tôi nghĩ mình cần phải “đổ bê tông” những kỹ năng cứng trước. Về sau nếu vẫn cảm thấy thích thú, có thể cống hiến đủ tốt cho lĩnh vực sư phạm của giới nghệ thuật, tôi sẽ nghiên cứu xem xét, có thể học cao lên.
“Ba mẹ bất an, sợ hào quang sớm khiến tôi ảo tưởng”
- Xuất thân trong gia đình không có ai làm nghệ thuật, cha mẹ có phản đối với quyết định của chị?
- Gia đình tôi mọi người đều làm trong lĩnh vực như là y khoa, giáo dục… Tôi hiểu cho ba mẹ khi thời gian đầu con gái chân ướt chân ráo vào showbiz. Năm 16 tuổi, tôi làm mẫu ảnh, ba mẹ khá bất an, sợ hào quang sớm khiến con gái dễ ảo tưởng. Đấy là nỗi lo hoàn toàn hợp lý với đứa con có tính cách mạnh như tôi.
Thời điểm đó tôi đang bắt đầu sử dụng mạng xã hội, ba mẹ lo con gặp những rủi ro nhất định, giống với bộ phim Fanti. Những rủi ro đó có thật. Bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng sẽ có nỗi bất an khi con bắt đầu vào đời.
Ảnh: Hoàng Nam. |
May mắn khi ba mẹ tôi là những người cấp tiến, sẵn sàng lắng nghe con, tôi cũng là người luôn bảo vệ quan điểm của mình. Cả hai chiến tuyến đều có lập trường riêng, tôi đã dành nhiều thời gian để thuyết phục, giải thích, thậm chí mời ba mẹ tham gia vào quá trình làm nghệ thuật của mình.
Hiện tại với tất cả dự án, tôi sẽ thuyết trình, nói rõ mình đã nghiên cứu, phòng trừ rủi ro, rút kinh nghiệm ra sao… dần dần niềm tin tưởng lớn dần, ba mẹ tôi cũng thoải mái hơn nhiều.
- Danh xưng hot girl IELTS 8.5 mang lại cho Thảo Tâm mặt tốt và rắc rối gì?
- Quan điểm của tôi khá ngắn gọn. “Hot girl IELTS 8.5” quá dễ thương và tôi trân trọng vì khán giả đã trao cho mình. Bất kỳ người nghệ sĩ hay là người của công chúng đều lớn hơn những nickname đó, tôi cũng vậy. Tôi biết ơn nickname này, nó đúng khi nói về tiếng Anh của tôi và mang lại cơ hội trong công việc.
Người anh trong ngành chia sẻ điều khiến tôi tâm đắc và luôn nhắc bản thân: Khi chúng ta gặp nhau, có những điều giấu giếm được. Nhưng ống kính chân thực, chỉ đưa ra sự thật đến với khán giả. Nếu người đứng trước máy quay không có thực lực, không thể hiện được câu chuyện của nhân vật hay chính bản thân, điều đó sẽ dần dà được thể hiện trên màn ảnh.
Tôi có thể nhiều nickname, nhưng một khi đứng trước camera, nỗ lực thật sự của mình là thứ cuối cùng sẽ được nhìn nhận.
- Thảo Tâm nghĩ gì khi người khác nói mình là “con nhà người ta?”, có từ ngoại hình đến trình độ học vấn, thậm chí có người nói chị là con nhà giàu?
- Tôi vui khi có ý kiến như vậy nhưng không thấy mình là “con nhà người ta”. Tính cách của tôi nhiều khi làm ba mẹ đau đầu thì đâu phải “con nhà người ta”. Vốn dĩ danh xưng đó chỉ thể hiện khía cạnh đáng học hỏi của cá nhân nào đó. Con người ai cũng có điểm này, điểm kia. Tôi là người còn nhiều thiết sót, đặc biệt những thiếu sót liên quan tới việc tôi còn non trẻ, nói “con nhà người ta” cũng không đúng.
"Hot girl IELTS" không nghĩ bản thân là "con nhà người ta". Ảnh: Hoàng Nam. |
- Là người trẻ thuộc Gen Z, Thảo Tâm nghĩ gì khi có một số định kiến cho rằng người trẻ hiện tại có cái tôi quá lớn, hay thể hiện trên mạng xã hội?
- Tôi cho rằng không có nhận định chung nào có thể đúng cho nhóm người quá lớn, nhất là cả một thế hệ. Không có cách nào để thống kê là ai, có bao nhiêu người, ai có cái tôi điển hình cho thế hệ…
Nói người trẻ hiện tại có cái tôi quá lớn còn tùy vào cảm quan của mỗi người. Gen Z là thế hệ được tiếp cận với những thông tin về sức khỏe tâm lý, tính cách và những cái mô hình phát triển bản thân sớm, ở thời điểm mang tính kiến tạo hơn với những thế hệ khác. Bên cạnh đó những người ở thế hệ chúng tôi có quyền truy cập vào nhiều nguồn thông tin, cách mà chúng tôi xây dựng bản thân, luồng suy nghĩ cũng đa dạng hơn.
- Theo chị, áp lực lớn nhất Gen Z đối mặt là gì?
- Tôi nhận ra mình phải đối mặt với áp lực nội tại. Đó là nỗi thôi thúc nội tại chứ không phải người khác tạo áp lực cho mình. Thật dễ để chúng ta nói xã hội khiến tôi như thế này, ai đó bắt tôi phải làm thế kia. Tôi thấy khi bản thân nhận thức được đâu là cái nguồn cơn và sẽ đưa ra quyết định đúng hơn.
Như tôi muốn được nhìn nhận là diễn viên nhưng những áp lực đó đôi khi do mình tự đặt ra. Hoàn thành việc học lẫn đi làm cùng lúc là điều tôi muốn. Thế hệ của tôi và cá nhân tôi được trao nhiều cơ hội hơn, nhưng việc tóm lấy cơ hội nào là ở mình. Nếu muốn ôm đồm mọi thứ, áp lực là dễ hiểu. Khi nhận ra áp lực đó đến từ chính bản thân, tôi bắt đầu chậm lại, cẩn trọng hơn.
Cú sốc khi bị “bám đuôi” trên mạng xã hội
- Tham gia nghệ thuật từ sớm, cú sốc đầu đời mà chị đối mặt khi tiếp xúc giới giải trí là gì?
- Khá đáng buồn khi tôi tâm sự với những bạn mẫu ảnh hay những bạn nữ ở trong vòng tròn của mình, mọi người đều có những câu chuyện tương tự khi dùng mạng xã hội. Thời điểm xảy ra tôi dễ tổn thương bởi mới 16, 17 tuổi. Khi đó tôi có stalker (chỉ người rình rập, bám đuôi mà không có sự đồng ý của đối phương - PV), đó là trải nghiệm đáng sợ.
Không có hệ quả về mặt vật chất hay thân thể, nhưng nỗi sợ là thực. Những dòng tin nhắn tối nghĩa, quấy rối, chặn tài khoản này họ tạo tài khoản mới, cứ liên tục như vậy.
Ngồi trong lớp học, nhìn ra cửa sổ, tôi luôn có cảm giác họ đang theo dõi mình, đó là cảm giác tôi không mong bất kỳ ai phải trải qua.
Lúc đó tôi chỉ có tầm 8.000-10.000 người theo dõi nhưng điều đó cũng dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về mối nguy có thật trên mạng, không phải lúc nào mình cũng xử lý được. Tôi còn quá trẻ và không có kiến thức về luật pháp, không biết điều mà mình nên, không nên làm trên mạng xã hội.
BỊ "stalk" là trải nghiệm gây ám ảnh tâm lý mà Thảo Tâm và nhiều cô bạn đồng trang lứa, cùng lĩnh vực phải đối mặt. Ảnh: Hoàng Nam. |
- Chị nghĩ sao về quan điểm càng được nhiều người chú ý càng khiến tâm lý bất ổn?
- Có những người có cơ địa về bệnh tâm lý, không thể nào nói tại vì bạn đang sử dụng mạng xã hội hay là tại vì bạn đối xử ngược đãi với bản thân nên bị bệnh tâm lý. Tôi không tin điều này.
Nhưng đúng khi tham gia vào bất kỳ môi trường nào, nếu không có những sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý hay thao tác không đủ tốt, sẽ tạo áp lực không đáng có.
Khi sử dụng mạng xã hội, gặp những cái ý kiến trái chiều, nó có thể là cái áp lực cho mình. Cần phải phân định rạch ròi để cân bằng cảm xúc. Tham gia vào bất kỳ không gian, môi trường mạng xã hội nào đều có những cái quy tắc riêng cần phải học hỏi để thoải mái, bớt áp lực.
Còn về cái sự cộng hưởng giữa mạng xã hội hay là bệnh tâm lý, tôi không phải là chuyên gia nên không đánh giá. Trước đây tôi có những áp lực đến từ môi trường này, nhưng đó không phải là trải nghiệm của bất kỳ riêng ai. Có cách để bản thân làm quen dần hoặc hoàn toàn có ngừng sử dụng nó, đó là quyền của bạn.
- Đó có phải lý do chị từng biến mất trên mạng xã hội một thời gian dài?
- Tôi là người khá là thẳng thắn và khi có câu chuyện tôi sẽ chia sẻ điều đó. Nhưng để ngồi bấm những cái dòng chia sẻ dài, tôi cần thời gian. Khoảng thời gian tôi không chia sẻ nhiều vì bận quá. Tôi cảm thấy không có thời gian để mình thực sự ngồi xuống và chia sẻ thật là rạch rõ cảm xúc. Tôi không muốn chia sẻ những điều mà chính bản thân còn chưa rõ. Vì nếu truyền tải năng lượng tiêu cực, sự bối rối của bản thân sẽ ảnh hưởng đến người khác.
Ngoài ra tôi cảm thấy mình cần phải xem xét lại cái cách bản thân chia sẻ. Đó cũng là cơ chế bảo vệ bản thân. Nếu cứ đổ hết lòng hết dạ mà mình chưa chuẩn bị sẵn sàng tâm hồn gọn gàng, sạch đẹp để đón nhận luồng ý kiến trái chiều, không khác nào đang tự làm đau bản thân, thà rằng đừng làm vì chẳng có lợi cho ai cả.
Tôi cảm thấy mình vẫn thoải mái trong việc chia sẻ cảm xúc và dạo gần đây tôi đang tìm lại được cái câu chữ. Tôi tự nhận là người khá khó tính với câu chữ vì mẹ tôi là người học giỏi môn văn, ông bà tôi còn là giáo viên, cho nên trong gia đình rất quan tâm tới cái cách sử dụng từ ngữ. Từ ngữ có tính sát thương nhưng cũng có giá trị chữa lành. Nếu có thể sử dụng từ ngữ để chữa lành thì tôi sẽ làm.