> Bài Hát Việt: Ấm áp hơn với 'Ký ức mùa đông'
Nhưng anh cũng cam đoan chỉ ra một album tác giả gọi là để tổng kết quá trình tham gia Bài hát Việt, rồi sẽ toàn tâm toàn ý làm nhà sản xuất.
Lượng bài đã có của Thành Vương chỉ vừa đủ để ra một cái đĩa. “Tôi cũng thử viết nhanh nhưng không thể. Không có cảm xúc đúng là chịu”. Cảm xúc cũng là một nguyên do giữ chân Thành Vương ở Hà Nội, dù anh công nhận tính chuyên nghiệp của sân khấu ca nhạc Sài Gòn cao hơn.
“Trong kia thời tiết lúc nào cũng một vẻ. Viết phải có cảm xúc, mùa nào cũng thế thì lấy đâu ra! Tôi thích Hà Nội bởi nó lãng mạn hơn, có gì để người ta nhớ. Trong kia làm gì có hồ, Hà Nội có mấy cái đẹp chết đi được” chàng trai quê Hạ Long xuýt xoa.
Trong cả năm vừa rồi, Thành Vương viết được duy nhất một bài hát, đúng một đêm là xong. Đó chính là Ký ức mùa đông. Nghe bài hát da diết này, cứ tưởng tác giả đang đau đáu với tình yêu đã xa, sự thực thì: “Nhân vật trong đấy nói thật là tưởng tượng, xoay quanh những chuyện bắt gặp bất kỳ ở đâu. Mùa đông các đôi đi chơi với nhau thể nào chả có ngày nào đấy mưa phùn, ướt tóc ướt vai này kia…”
Vương cũng viết được lượng khí nhạc tương đương với ca khúc, trong đó có một số bản theo đặt hàng của bố. Bố Vương là nhạc sĩ, công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ninh.
Ông nội chơi violon, hay nghe nhạc cổ điển, bố nhạc công ghi-ta suốt ngày tập đàn, nhà lại ở trong khu văn công, các đoàn tập gì cũng đến tai cậu bé Vương hết: “Nghe mãi thành quen. Sau này, tôi mê nhạc thật sự. Khi ban nhạc của Anh Quân về nước, tôi gần như bị mê hoặc bởi Hương ngọc lan. Tôi không nhận xét về giọng hát hay bài hát, mà quan tâm đầu tiên là phần hòa âm cực văn minh, cực khó. Từ đấy tôi chỉ ước lên Hà Nội học để đánh nhạc nhẹ như thế”.
Gia đình Vương có truyền thống theo ngành cải lương từ đời ông bà, nhưng kinh tế quá khó khăn nên bố mẹ Vương phải chuyển đoàn. Bản thân Vương lớn lên bên cánh gà của các vở cải lương. “Không phải không thích cải lương, nhưng làm sao đi theo được. Chỉ nên nghĩ đến để bảo tồn nó thôi” Vương cho hay.
Thành Vương cũng không có ý định theo phong cách dân gian- đương đại: “Nhạc gì phải ra nhạc đấy, tôi không thích pha trộn”. Tốt nghiệp Nhạc viện, Vương được gia đình đầu tư ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội cách đây 2 năm, anh tự tích cóp dựng phòng thu tại nhà- nơi thu đĩa sắp tới, với các giọng hát ruột: Đinh Mạnh Ninh, Tô Minh Đức, Phạm Tiến Mạnh và Thanh Hằng.
Một vài nhạc sĩ trẻ sau khi nhận giải Bài hát của năm đã trở thành hiện tượng trong vài năm sau đó. Giờ đến lượt Thành Vương, nhận thưởng có kèm theo áp lực? Trả lời: “Từ trước đến giờ tôi quen đi từng bước một, đi chắc. Giải thưởng chỉ là sự đánh giá, nhìn nhận khách quan để mình yên tâm tiếp tục học hỏi đi tiếp, để nhận thấy mình không đi sai đường. Tôi không nghĩ sau khi được giải phải làm cái nọ cái kia, nên thấy cũng nhẹ nhàng thôi”.