Dự án đường BT hơn 6 nghìn tỷ chậm tiến độ gần thập kỷ
Thanh tra TP Hà Nội vừa có Báo cáo về việc kiểm tra, rà soát tổng thể dự án BT Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT.
Theo Thanh tra Hà Nội, dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT với tổng vốn đầu tư hơn 6.067 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đầu tư được đối ứng bằng tiền sử dụng đất của 3 dự án: Khu đô thị Thanh Hà A (195,5ha), Khu đô thị Thanh Hà B (193,22ha), Khu đô thị Mỹ Hưng (182ha). Thực hiện dự án có 2 đơn vị tham gia, gồm: Nhà đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và doanh nghiệp dự án là Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5.
Dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây có vốn đầu tư hơn 6 nghìn tỷ, chậm tiến độ hơn 9 năm. |
Dự án BT được triển khai từ năm 2008, tuy nhiên đến nay, mới thi công được 19,9km (đoạn từ Km0+00-Km19+900), đạt được khoảng gần 50% khối lượng dự án BT theo hợp đồng đã ký (Khối lượng này do Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 bỏ vốn đầu tư, được Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tạm xác nhận với giá trị là 1.170 tỷ).
Còn 21,6km (đoạn từ Km19+900- Km41+500), Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP đang triển khai công tác GPMB. Dự án đã được UBND TP ký phụ lục hợp đồng gia hạn 5 lần, thời hạn đến quý II/2022. Từ khi hết hạn đến nay, dự án chưa được UBND TP ký phụ lục hợp đồng gia hạn. Dự án Đường trục phía Nam đã chậm hơn 9 năm so với thời gian thực hiện dự án theo Hợp đồng số 02/HĐBT ngày 18/4/2008 (là 60 tháng).
Báo cáo của Thanh tra Hà Nội cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án BT và các dự án khác để hoàn vốn như: Việc thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5; việc ký và thực hiện hợp đồng số 872 ngày 31/7/2008 giữa Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5; việc giao đất cho Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 (Doanh nghiệp dự án) thực hiện dự án BT Đường trục phía Nam và dự án đối ứng khác; về mâu thuẫn giữa Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP và Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 đều cho rằng công ty mình là nhà đầu tư dự án Đường trục phía Nam (dự án BT) và chủ đầu tư dự án Khu đô thị Thanh Hà A,B, dự án Khu đô thị Mỹ Hưng (3 dự án đối ứng)…
Điều chỉnh quyết định giao đất dự án đối ứng, rà soát loạt vấn đề
Đáng chú ý, Thanh tra TP Hà Nội cũng làm rõ việc tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 5269 điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại quyết định 3128 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc thu hồi hơn 182 ha đất trên địa bàn xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh của huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 từ Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 thành Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP.
Theo Thanh tra Hà Nội, theo quy định tại Khoản 1, Điều 55 Luật Đầu tư năm 2005 và điểm b, Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành quy chế Khu đô thị mới, thì việc UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) ban hành quyết định giao đất cho Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 để thực hiện các dự án hoàn vốn là không đúng.
Thanh tra TP đề nghị UBND TP chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng dự án đường trục phía Nam và dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B, Khu đô thị Mỹ Hưng, chờ chỉ đạo xử lý của cấp có thẩm quyền |
Do Khu đô thị Thanh Hà A, B, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 đã thực hiện công tác GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng công trình nhà thấp tầng, cao tầng theo các Quyết định số 3129 số 3130/QĐ-UBND ngày 30/7/2008; đối với Khu đô thị Mỹ Hưng chưa triển khai đầu tư, do đó UBND TP có quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất…
Tuy nhiên, theo Thanh tra TP Hà Nội, trước khi trình UBND TP quyết định trên, liên ngành TP Hà Nội chưa làm rõ việc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5, thời điểm thực hiện cổ phần hóa (năm 2014), Tổng Công ty có xác định giá trị đầu tư của đơn vị tại dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B, Khu đô thị Mỹ Hưng vào giá trị doanh nghiệp hay không.
Đồng thời, nghĩa vụ tài chính của Tổng Công ty với Nhà nước khi đầu tư xây dựng Khu đô thị Mỹ Hưng và với số tiền Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 đã nộp 510 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất của 3 dự án đối ứng (trong đó có Khu đô thị Mỹ Hưng) với giá trị Hợp đồng BT và nộp 50 tỷ đồng tiền ký quỹ, cần phải được kiểm tra, rà soát lại.
Từ những tồn tại, vướng mắc này, Thanh tra TP kiến nghị UBND TP giao Sở GTVT chủ trì cùng Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP tham mưu UBND TP làm việc với Bộ GTVT liên quan đến việc Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 5 khi tiến hành cổ phần hóa (năm 2014) có quyền và nghĩa vụ đối với dự án đường trục phía Nam và dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B và Khu đô thị Mỹ Hưng không; Có xác định giá trị đầu tư của Tổng Công ty tại các dự án trên vào giá trị doanh nghiệp hay không.
Trên cơ sở kết quả làm việc với Bộ GTVT, đề xuất UBND TP phương án xử lý tồn tại, vướng mắc đối với dự án Đường trục phía Nam và các dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B, Khu đô thị Mỹ Hưng, báo cáo Thành ủy, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Đối với Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP và Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5, Thanh tra TP đề nghị UBND TP chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng dự án đường trục phía Nam và dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B, Khu đô thị Mỹ Hưng, chờ chỉ đạo xử lý của cấp có thẩm quyền.