Bây giờ, đêm phố phường chẳng khác ngày là bao. Đèn sáng tóe loe. Ăn uống bét nhè. Nói cười phe phé. Đông cũng như hè.
Đêm không chỉ là thời gian để xả stress hay mưu sinh. Người ta trải chiếu rải nylon nằm vạ vật từ tối đến đêm qua khuya chờ sáng, trước cổng trường. Sáng, họ ồ ạt xông lên, đạp đổ cổng trường vào nộp hồ sơ xin cho con vào lớp một, hoặc vào mẫu giáo công lập.
Chao ôi, các ông bà nông thôn tưởng mình dậy từ 3 giờ sáng xay thóc, nấu cám lợn và ra đồng gieo mạ đã là “kinh hoàng” ư? Nhầm rồi.
Người thành phố còn thức cả đêm mà vẫn đủ sức khỏe đạp đổ mọi thứ miễn là con họ có được cơ hội học hành rẻ tiền chất lượng.
Làng Phú Mỹ - Hà Nội, 4 giờ sáng. Trước cửa một căn nhà, vài người đến vội ghi tên vào một tờ giấy, rồi vạ vật bên đường chờ trời sáng.
Đằng sau cánh cửa này là hy vọng của họ - phòng khám của một bác sĩ chữa vô sinh. Bà bác sĩ chủ nhà tuổi đã cao, chỉ khám buổi sáng, giới hạn 40 người nên người bệnh phải đi từ sáng sớm mới có số.
Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chưa đến 6 giờ sáng mà người khám đã nghẹt hành lang. Nhiều bệnh viện khác cũng vậy.
Từ nửa đêm, hàng ngàn người đã kéo đến ga Sài Gòn nằm chờ số thứ tự để mua vé tàu Tết. 4 giờ 30 sáng, bãi giữ xe máy ngoài sân ga đã đông nghẹt, nhưng vẫn còn hàng trăm chiếc rồng rắn xếp hàng chờ được gửi. Hơn một ngàn số được phát hết vèo trong nửa tiếng đồng hồ, thế mà vẫn chưa hết người xếp hàng.
Vì sao sinh hoạt đêm hôm đã được phát huy cao độ như vậy? Nhu cầu đi lại, học hành, chăm lo sức khỏe tại sao luôn khiến xã hội căng như dây đàn? Phải chăng hạ tầng của chúng ta không đáp ứng nổi nhu cầu người dân vào ban ngày, trong giờ hành chính? Rồi đến một lúc nào đó giờ “giới nghiêm” (23 giờ) trở thành lạc hậu, Việt Nam sẽ có những thành phố không đêm? Nhưng là những thành phố thức cùng nỗi tất bật của người dân.