Nguyễn Trường An trong chuyến đi tình nguyện ở Sìn Hồ. Ảnh: Hạnh Trang |
Ngồi cạnh tôi trên chuyến xe đi các xã, bản vùng xa do huyện ủy và Bưu điện tỉnh bố trí là Phó Giám đốc phụ trách Bưu điện huyện Sìn Hồ tên Nguyễn Trường An.
Cũng nằm trong chương trình hỗ trợ nông dân xóa đói giảm nghèo, tháng 5/2008 Huyện Sìn Hồ đã huy động các cán bộ trong toàn địa bàn thực hiện chiến dịch lao động công ích giúp nông dân trồng cây cao su.
Tháng 6 là cao điểm mùa mưa ở Lai Châu, trời mưa suốt từ tháng 4 chưa có dấu hiệu tạnh ráo. Quần áo mưa, quần áo ấm hai anh em phải tự chuẩn bị tất cả. Đi được 20 km thì 2 anh em gặp vận rủi, trời mưa, đường ướt nhão, trơn và mây mù giăng kín, may mà chỉ ngã, đau, bẩn quần áo.
Từ vùng Sìn Hồ cao xuống Sìn Hồ thấp là 40km nhưng khí hậu thay đổi đột ngột, nắng bỗng chốc gay gắt, hầm hập, hai anh em lao trên đường với trách nhiệm của người cán bộ làm nhiệm vụ như những nhiệm vụ chuyên môn gian khổ của ngành bưu điện tại vùng xa xôi này.
Năm giờ sáng hàng ngày, các thành viên thuộc đội tình nguyên phải dậy làm vệ sinh cá nhân và đi bộ tới địa điểm tập kết. 6h ăn sáng tập trung và 6h15 bắt đầu vác dụng cụ đi làm. Từ điểm tập kết tới điểm lao động phải mất gần 2 tiếng đi bộ trong không khí ngột ngạt với những đoạn dốc thẳng đứng.
Lao động 2 tiếng liên tục để 10 giờ trưa lại quay về lán trại, 12 giờ được ăn cơm hầu hết chỉ ăn qua loa rồi tìm chỗ lăn ra nghỉ. 1h30 lại vác cuốc, xẻng lên vai. Chiều về đến nơi, nghỉ, cơm nước, tắm giặt xong đã là 22h30, không có thời gian và cũng chẳng có phương tiện gì để giải trí, quan trọng nhất là lấy sức cho một ngày mới .
Người dân tham gia trồng rừng |
Một bản ở Nậm Quẩy có hơn 100 người, bây giờ thêm lực lượng tình nguyện đông đến 700 người nữa thì điều kiện sinh hoạt thật sự là khó khăn và quá tải cho địa phương. Tất cả phụ thuộc vào tự nhiên kể cả ăn, uống và cả vệ sinh cá nhân.
Mùa mưa, mỗi trận mưa xuống lòng suối đục ngầu, nước mưa hoà lẫn tất cả những gì có thể trong sinh hoạt đã đẩy ra lòng suối. Thế rồi cũng lại từ suối, nước lại được lấy lại để thổi nấu, tắm giặt.
Ngủ là một niềm mơ ước nhưng cũng là một sự “tra tấn” cùng cực, nóng quá, hai anh em lần lượt phải quạt cho nhau cả đêm để ngủ, chập chờn trong cái nhễ nhại của mồ hôi, một giấc ngủ chẳng hề yên lành gì. Cái mà các cán bộ tham gia chiến dịch mong ước nhất không phải là được ăn một bữa ra trò mà lại là trời mưa, trời mưa đồng nghĩa với sự mát mẻ để có thể ngủ ngon lành lấy sức.
Trời nóng 40 độ, nắng chói chang, không 1 ngọn gió thế mà các cán bộ của tổ vẫn làm, vẫn đào hố, vẫn bón phân, vẫn đào đường đến mức khi hết chiến dịch về lại nơi công tác cũng chẳng hiểu động lực nào đã giúp anh em vượt qua 40 ngày đó.
Cán bộ đi lao động không phải là nhiệm vụ công ích được giao như lúc đầu nữa mà là lao động như những người trồng cao su thật sự, lao động để hoàn thành thật tốt định mức, lao động vì tất cả anh em trong đoàn, vì một cái gì đó lớn hơn cả bản thân mình nữa, vì một sự tốt đẹp hơn trong tương lai cho đồng bào.
Sìn Hồ là huyện núi cao, biên giới. Với đô cao trung bình tại thị trấn là 1500 mét so với mực nước biển. Diện tích của huyện là 1934km2. Dân số trong huyện là 7.3 vạn người, gồm 15 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, đông nhất là dân tộc Mông, chiếm 33.7%, dân tộc Thái, chiếm 28.5%, Dao 24.8%...Địa bàn núi cao, hiểm trở, bị chia cắt bởi núi cao và khe sâu. Hiện nay toàn huyện có khoảng trên dưới 40% là tỷ lệ đói nghèo. Hiện nay, tòan bộ vùng thấp Sìn Hồ đã trồng cây cao su, và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở vùng lòng hồ, vùng ngập ở Sơn La. |