Thanh niên đổi thay vùng đất khó

Phó Chủ tịch xã Nông Thị Uyến (bên trái) thăm mô hình bí xanh của người dân Ảnh: NVCC
Phó Chủ tịch xã Nông Thị Uyến (bên trái) thăm mô hình bí xanh của người dân Ảnh: NVCC
TP - Một người là phó chủ tịch xã, người kia là phó giám đốc HTX (đều ở Bắc Kạn), nhưng cùng chung mục tiêu nỗ lực phát triển kinh tế, góp phần đổi thay cuộc sống bà con dân tộc thiểu số. Cả hai đều là đại biểu tham gia Ðại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI.

Nữ phó chủ tịch xã nhiều ý tưởng phát triển kinh tế

Nông Thị Uyến, SN 1986, Phó Chủ tịch xã Yến Dương (huyện Ba Bể, Bắc Kạn) là trí thức trẻ tham gia dự án 600 phó chủ tịch xã. Khi phỏng vấn vào dự án 600 là lúc Uyến đang mang thai tháng thứ 7. Trúng tuyển dự án, Uyến mang bụng bầu vượt mặt tham gia lớp bồi dưỡng kéo dài gần 3 tháng. “Trở thành phó chủ tịch xã thực sự là một thử thách lớn trong đời tôi. Thời gian đầu, mọi người chưa tin tưởng vào năng lực của tôi, thậm chí có người còn bảo tôi là “ngựa non háu đá”. Tôi bình tĩnh đón nhận tất cả mọi ý kiến để hoàn thiện bản thân và tập trung vào công việc để khẳng định mình”, Uyến kể.

Với niềm yêu thích nông lâm nghiệp, (Uyến tốt nghiệp ĐH Nông, Lâm Thái Nguyên), Uyến đã đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp xã nhà. Ít khi ngồi ở phòng làm việc, Uyến thường về các thôn bản tiếp xúc người dân và tìm hiểu thực tế cuộc sống bà con dân tộc, từ đó xây dựng các dự án, mô hình phát triển kinh tế. Xã Yến Dương nơi Uyến công tác chủ yếu là bà con dân tộc Tày và Dao, trình độ nhận thức còn thấp, vì thế, khi triển khai một mô hình kinh tế chị phải 5 lần 7 lượt, gặp từng người dân tuyên truyền, vận động.

Chị Uyến kể, mô hình trồng khoai tây vụ đông, chị phải xuống thôn, bản vận động 5 lần bà con mới chịu làm theo. Từ việc trồng 1 ha, nay người dân đã trồng tới 18 ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng cây lê ứng dụng công nghệ cao Uyến phải theo đuổi 3 năm trời mới đạt được kết quả. Cây lê trồng ở độ cao từ 600m trở lên mới thích hợp phát triển. Vì thế, Uyến đã chọn thôn Nạp Tài để trồng với 8 hộ dân làm thí điểm, trong đó 6 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. “Thời gian đầu vận động người dân cực khó, vì họ vẫn quen với kiểu làm ăn manh mún, trồng cây ngắn ngày để thu hoạch được nhanh. Thời gian đầu trồng lê, người dân vẫn trồng xen các cây đỗ, dong, chuối… khiến lê không phát triển được”, chị Uyến kể.

Chị phải mất 2 năm tuyên truyền, người dân mới tuân thủ kỹ thuật trồng trọt. Đích thân chị còn cầm dụng cụ tỉa cành lê giúp bà con. Với những nỗ lực đó, đến nay 3ha lê ứng dụng công nghệ cao đã bắt đầu bói quả.

Làm việc tâm huyết với bà con, nữ phó chủ tịch xã trẻ đã được người dân tin yêu, lãnh đạo cấp trên tin tưởng giao thực hiện nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế địa phương. Ngoài những mô hình trên, chị còn phát triển mô hình kinh tế: Nuôi cá chép ruộng, trồng bí xanh thơm, cam Xã Đoài; chăn nuôi lợn đen, bò sinh sản…

Đặc biệt, Uyến đã tham mưu thành lập hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển các cây trồng, vật nuôi để tạo các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Với sự ra đời của hợp tác xã đã góp phần thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người dân, thay vào đó là sự đầu tư bài bản, sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, tạo thương hiệu bán ra thị trường.

Thanh niên đổi thay vùng đất khó ảnh 1

Phó giám đốc HTX Dương Khánh Ly bên cây Trà hoa vàng             Ảnh: NVCC                     

Xây dựng thương hiệu cho Trà hoa vàng

Trước đây, người dân ở xã Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) do chưa hiểu hết giá trị của Trà hoa vàng nên thường bán với giá rất rẻ. Cây giống bán chỉ 10 đến 20 nghìn đồng, một cân Trà hoa vàng bị thương lái ép giá rẻ còn 200 - 300 nghìn đồng/cân. Chứng kiến người dân sở hữu loài cây quý hiếm nhưng luôn bị ép bán rẻ, Dương Khánh Ly, SN 1990, quyết tâm xây dựng thương hiệu cho đặc sản quê hương.

“Trà hoa vàng là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị để sử dụng như lấy gỗ, có thể làm cây trồng tầng dưới ở các đai rừng phòng hộ, làm cây cảnh. Đặc biệt, cây có thể làm đồ uống cao cấp, có tác dụng phòng và chống các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, u bướu. Tôi tìm hiểu ở một số địa phương khác trồng cây này sử dụng công nghệ sấy hoa khô bán giá rất đắt”, Ly cho biết.

Tháng 9/2019, Ly mạnh dạn đề xuất thành lập hợp tác xã sản xuất Trà hoa vàng lấy tên là HTX Hòa Thịnh. Trong vai trò là phó giám đốc HTX, Ly đứng ra thu mua và tổ chức dây chuyền sản xuất sấy khô Trà hoa vàng, bán ra thị trường với giá 10 triệu đồng/kg. Tính đến tháng 4/2020, HTX Hòa Thịnh đã tiêu thụ ra thị trường số lượng Trà hoa vàng trị giá khoảng 210 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế thu về đạt 182 triệu đồng.

Mặc dù trước đó chưa từng trồng Trà hoa vàng nhưng hiện Ly phối hợp cùng một số hộ gia đình giâm hom và trồng được 1,5ha Trà hoa vàng, tổng số trên 3 nghìn cây. Hiện 500 cây đã cho thu hoa với khoảng 130 kg hoa tươi. Cũng nhờ Ly, loài cây đặc sản này đã được quy hoạch trồng trọt, sản xuất bài bản, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Ly chia sẻ mục tiêu thời gian tới mở rộng diện tích trồng, thu mua hoa tươi và chế biến túi lọc Trà hoa vàng, khẳng định thương hiệu Trà hoa vàng của HTX Hòa Thịnh trên thị trường.

“Vinh dự là 1 trong 351 đại biểu tham gia Ðại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI, tôi mong muốn có thêm nhiều bạn trẻ nỗ lực, cống hiến nhiều hơn, chung sức trẻ xây dựng đơn vị, quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh”.

Nông Thị Uyến, Phó Chủ tịch UBND xã Yến Dương (Ba Bể, Bắc Kạn)

MỚI - NÓNG