Theo chân các anh ở huyện Đoàn Đăk Pơ chúng tôi đến làng Buôn Bang xã Yang Bắc gặp anh Đinh Jưi (Sinh 1982) dân tộc Ba Na, một trong những điển hình trong phong trào lập nghiệp.
Trong căn nhà mới xây anh tâm sự: “Trước đây gia đình mình khó khăn lắm, mặc dù có đất nhưng không có vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật, nhờ Đoàn xã đứng ra tín chấp mình được vay 5 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội và được đi tập huấn các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng các loại cây hoa màu và cây công nghiệp.
Có vốn có kiến thức mình đã đầu tư trồng các loại cây như mỳ, mía… hàng năm gia đình thu nhập từ 45 đến 50 triệu đồng. Từ đó mình tiếp tục đầu tư thâm canh, mua máy cày để giúp cho sản xuất và cày thuê trong làng, đến nay cuộc sống của mình đã ổn định, xây được nhà khang trang và mua sắm được các vật dụng sinh hoạt gia đình như ti vi, xe máy”.
Ở xã Yang Bắc lực lượng thanh niên ngoài làm giàu cho mình còn được xã cấp cho 17 ha đất để gây quỹ Đoàn, đến nay hàng chục chi Đoàn trong xã có quỹ từ 40-60 triệu đồng.
Anh Đinh Pris (SN 1978) ở làng Tờ Số, xã Ya Hội cũng rất nghèo, sau khi được tạo điều kiện vay vốn anh đã đầu tư nuôi bò, trồng bắp, mì và cây ớt. Nhờ cần cù chịu khó nên từ những đồng vốn vay ít ỏi đến nay anh đã tích luỹ và mua được một máy cày trị giá 60 triệu đồng, hiện nay mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 40 triệu đồng.
Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, Đinh Pris còn giúp đỡ bà con và thanh niên trong làng cùng nhau phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.
Khác với con đường làm giàu của anh Jưi, anh Pris, bạn Trần Thị Ngọc Thảo (SN1984) ở thôn 2 xã Đăk Pơ sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn. Học hết lớp 12 không thi được đại học như mong đợi, Thảo quyết định làm kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương.
Nhờ sự hỗ trợ của gia đình cộng với số tiền 10 triệu vay được từ ngân hàng chính sách xã hội huyện, Thảo đã mở tiệm tạp hóa và làm đại lý cho hãng điện thoại Viettel. Đến nay tiệm tạp hóa của Thảo thu hút rất đông khách, mỗi năm trừ chi phí Thảo có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Từ những mô hình phát triển kinh tế của các bạn trẻ ở huyện Đăk Pơ có thể thấy ngoài việc nỗ lực của bản thân thì phải kể đến vai trò tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đoàn đã phối hợp với các ngành tạo mọi điều kiện để thanh niên phát huy được vai trò xung kích của mình.
Bên cạnh đó Đoàn còn là cầu nối giữa thanh niên với ngân hàng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên được vay vốn đầu tư cho sản xuất và kinh doanh.
Ở Đăk Pơ còn không ít những bạn trẻ vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng bằng sự năng nổ, cần cù của mình và chính họ cũng là những cán bộ Đoàn năng nổ và nhiệt tình. Qua trao đổi, họ đều chung một suy nghĩ đã là thủ lĩnh thanh niên thì trước hết phải gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động và nhất là vươn lên làm giàu chính đáng.