Thanh Hoá: Những dấu ấn đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp về phát triển sự nghiệp giáo dục, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa luôn phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng đổi mới về mọi mặt, đưa sự nghiệp “trồng người” của tỉnh ngày càng lớn mạnh, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc CNH, HĐH quê hương, đất nước.
Thanh Hoá: Những dấu ấn đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ảnh 1

Thừa uỷ quyền Chủ tịch nước, ông Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá

Nhiệm kỳ qua, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, ngành GD&ĐT đã chủ động, sáng tạo trong thực hiện chủ trương, mục tiêu đổi mới giáo dục. Từ năm học 2014-2015 - năm đầu tiên thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, của ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nhiều đề án đổi mới lớn của ngành được triển khai mạnh mẽ. Theo đó, toàn ngành đã chủ động, tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục; khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đánh giá chất lượng dạy học, trong thi cử.

Đặc biệt, thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, đến nay, toàn ngành đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. 5 năm qua, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng nhiều đề án, chính sách và đã được HĐND tỉnh thông qua và thực hiện có hiệu quả, như: Chế độ, chính sách cho học sinh (HS) theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh; chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non đến năm 2030; sắp xếp mạng lưới các trường THPT công lập hiện có đến năm 2025; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến 2025. Cùng với đó, ngành đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định định mức bình quân HS/lớp và định mức cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập; phương án sắp xếp, điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, phổ thông; giải quyết tình trạng dôi dư giáo viên, hợp đồng lao động không đúng quy định...

Thanh Hoá: Những dấu ấn đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ảnh 2

Học sinh và giáo viên có học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi olympic quốc tế nhận bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

Cùng với công tác tham mưu, giai đoạn 2015-2020, ngành giáo dục Thanh Hóa đã để lại nhiều dấu ấn với hàng loạt đổi mới trong tất cả các cấp học, bậc học. Ngành chủ động giảm dần áp lực thi cử, thí điểm các hoạt động nâng cao năng lực, tư duy và khả năng vận dụng kiến thức để HS giải quyết các vấn đề trong thực tế; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS; tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS và THPT. Đặc biệt, ngành đã có những đổi mới mang tính chất bước ngoặt trong việc tổ chức các kỳ thi vào lớp 10 THPT, lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, thực chất, được cán bộ, giáo viên, HS đồng tình ủng hộ, xã hội đánh giá cao. Từ quan điểm, chủ trương, công tác chỉ đạo, điều hành, cùng sự nỗ lực của các cơ sở giáo dục và mỗi cán bộ, giáo viên, HS, sự nghiệp giáo dục của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Đội ngũ nhà giáo ngày càng nâng cao về chất lượng giảng dạy và trình độ đào tạo chuẩn, trên chuẩn. 5 năm qua, toàn ngành có 11.540 lượt cán bộ được bồi dưỡng tiêu chuẩn nghề nghiệp, chức danh quản lý; 67.500 lượt cán bộ, giáo viên các cấp được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng phương pháp dạy học. Trình độ trên chuẩn của cán bộ, quản lý và giáo viên toàn ngành tăng 15,6% so với năm 2015. Qua rà soát, đánh giá, hiện, 99,98% đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt 76,96%.

Thanh Hoá: Những dấu ấn đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ảnh 3

Bà Phạm Thị Hằng, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá

Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp cũng được quan tâm thực hiện phù hợp với thực tiễn, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã giải thể, sáp nhập, giảm 86 trường, trong đó, giảm 28 trường tiểu học, 24 trường THCS, tăng 19 trường TH&THCS; hoàn thành việc giải thể, sáp nhập 13 trường THPT trong 2 năm học 2018-2019 và năm học 2019-2020 theo Nghị quyết số 103/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”. Ngoài ra, toàn tỉnh còn giảm hàng trăm điểm trường lẻ để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm dần sự chênh lệch giữa giáo dục miền núi so với miền xuôi. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng của tỉnh Thanh Hóa đã đạt 87,7%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 72,69%, tăng 20,69% so với năm 2015 và hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch về chỉ tiêu phòng học kiên cố, cao tầng, trường đạt chuẩn quốc gia mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

Kết quả trên đã góp phần quan trọng vào mục tiêu duy trì và nâng cao công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ở tất cả các cấp học, bậc học. Trong đó, dấu ấn lớn nhất là thành tích về giáo dục mũi nhọn. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 353 HS đạt giải quốc gia các môn văn hóa THPT; gần 1.000 em đạt 27 điểm trở lên trong các kỳ thi THPT quốc gia; 12 em đạt huy chương Olympic khu vực và quốc tế. Trong đó có 7 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ; 4 HS đoạt Huy chương Olympic khu vực châu Á - Thái Bình Dương (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ); thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật, toàn tỉnh có 4 dự án tham dự vòng 2 chọn thi quốc tế, có 1 dự án đạt giải đặc biệt... Đây là thành tích rực rỡ nhất của Thanh Hóa trên đấu trường tri thức quốc tế từ trước đến nay.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đạt được, trong quá trình thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp cũng như trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, ngành GD&ĐT tỉnh nhà vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục, đó là: Việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên còn hạn chế, chậm thay đổi. Vẫn còn những đơn vị, trường học chưa chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, hiện tượng bạo lực học đường, một bộ phận HS vi phạm điều lệ trường học vẫn còn xảy ra. Tình trạng giáo viên thừa, thiếu cục bộ, không đồng bộ về cơ cấu bộ môn chưa được khắc phục triệt để; các trường mầm non, tiểu học khu vực miền núi còn nhiều điểm lẻ. Vấn đề dạy thêm, học thêm, lạm thu tuy đã được chấn chỉnh quyết liệt nhưng vẫn còn diễn ra gây bức xúc trong dư luận xã hội... Điều này đòi hỏi ngành giáo dục cần nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý nhằm siết chặm kỷ cương, nền nếp học đường, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn tới.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của đất nước, của tỉnh trong giai đoạn mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT. Theo đó, ngành giáo dục cần xác định, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực HS. Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tham mưu điều chỉnh, bổ sung các đề án, kế hoạch và quy hoạch phát triển GD&ĐT phù hợp với việc nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, sát với thực tế địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia của toàn xã hội nhằm tăng nguồn đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, mỗi thầy, cô giáo vượt lên mọi khó khăn, tâm huyết với nghề, thi đua dạy tốt, đóng góp cho sự CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước. Mỗi HS nỗ lực phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, noi gương các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để lập thân, lập nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

MỚI - NÓNG
Nhân chứng kể thoát chết trong vụ sạt lở kinh hoàng khiến 40 người tử vong
Nhân chứng kể thoát chết trong vụ sạt lở kinh hoàng khiến 40 người tử vong
TPO - Rạng sáng 9/9, 2 vụ sạt lở liên tục xảy ra ở xóm Lũng Lỳ và Khuổi Ngọa (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) đã khiến 40 người tử vong và nhiều người mất tích. Đến sáng 15/9, cơ quan chức năng đang tiếp cận hiện trường trục vớt những chiếc xe gặp nạn, khắc phục hậu quả và tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích.