Thanh đồng kể chuyện hầu thánh

Thanh đồng kể chuyện hầu thánh
TP - Những buổi hầu đồng hấp dẫn con nhang đệ tử bởi nhiều hình ảnh, âm thanh thoát tục. Những câu chuyện của thanh đồng lại càng hấp dẫn bởi những nét hư hư thực thực. Tất cả làm nên chiều sâu tâm linh đầy mê hoặc của ứng viên di sản văn hóa cấp quốc gia và cấp... UNESCO.

> Giới ‘đồng bóng’ sinh viên: Cận cảnh một vấn hầu huyền hoặc

Lộc thánh

Một trong những nét hấp dẫn “người trần” đến với các buổi hầu đồng là được lộc mang về. Tại đền Yên Phú, xã Liên Ninh, Thanh Trì- một trong những điểm diễn ra Liên hoan Nghi lễ Chầu văn Hà Nội, việc phát lộc được tiến hành trật tự.

Thanh đồng đưa những tệp tiền trong khoảng 5 nghìn tới 5 chục nghìn cho hầu dâng, hầu dâng chuyển cho một người thân cận. Khán giả yên vị, lộc tới tận nơi, không còn cảnh mạnh ai nấy nhặt thường thấy.

Có lúc đưa đĩa tiền (bỏ phong bì hẳn hoi), thanh đồng còn nói rõ: “Cho đài báo!”. Với cung văn, tiền ném thẳng vào bao đựng đàn. “Tiền nong ở đây không phải tính chất như đời thường mà là thánh về ban khen cho bách gia trăm họ,” thanh đồng Từ Lâm giải thích.

Ông Lâm, từng công tác trong ngành giáo dục, to cao lực lưỡng, trông hơi trẻ so với độ tuổi gần 60. Nhà có truyền thống hầu đồng, 9 tuổi ông đã ra trình đồng. Truyền thống gia đình chỉ bị giãn cách ở đời bố mẹ ông do tham gia cách mạng vào đầu những năm 1940.

“Những năm 1970, trên bom dưới đạn tôi vẫn hầu hạ bình thường, tại đền chùa luôn, chứ không phải tại nhà”, ông kể. “Chỉ khi tất cả tập trung cho chiến tranh, trong cung cách lễ bái thì mình kín đáo và tế nhị hơn”.

Ông Lâm hiện là thủ nhang đền Kim Giang- mấy ngày trước cũng là nơi tập hợp các thanh đồng thuộc cụm 2 về trình diễn. “Lễ hội mang tính chất biểu diễn. Để được linh hiển như các buổi hầu để thờ nguyện thì không bằng”, ông nói.

Thanh đồng Bùi Thị Phượng, 32 tuổi, ở Định Công, nhỏ nhắn trong bộ đồ trắng giản dị. “Việc thánh bao giờ tôi cũng đặt lên hàng đầu vì không có thánh thì giờ này có khi mình đang ở Trâu Quỳ”, Phượng kể. Trước khi đến với cửa thánh, Phượng có thời gian “gần như đi lang thang ngoài đường”. Phượng coi những kiếp nạn kiểu đó là Cha Mẹ (tức Phật thánh) đang thử thách.

Khác với vẻ từ tốn của thanh đồng Từ Lâm, Phượng rất sôi động khi hầu đồng, nhất là trong những giá nam. Cô hút một lúc vài điếu thuốc, hút cả bằng mũi. Cô tâm sự tu tâm mới là quan trọng: “Theo tôi, trong đạo Mẫu, Cha Mẹ không chứng lễ, chứng tiền mà là chứng tâm”.

Để ý trên bàn ngự (giá gương để thanh đồng trang điểm) có để tượng Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, cả tượng Tứ Linh. Hỏi Từ Lâm, ông cho hay: “Các bàn ngự từ cổ chí kim không quy định bày những tượng đó. Chẳng qua bây giờ là hội diễn, thêm thắt vào để trang trí cho đẹp”.

Cần có quy định

Ông Lâm thừa nhận việc hầu thánh có thể giúp người ta phát huy một số khả năng tiềm ẩn. “Khi đã có đức tin vào các vị thánh thần, khả năng của mình không bị kiềm chế,” ông nói. “Số người có khả năng đặc biệt rất ít”. Ông Lâm cũng mong có một cơ quan quản lý tín ngưỡng thờ Mẫu với những quy định cụ thể để hoạt động này không bị mất đi những nét đẹp tâm linh vốn có.

Theo kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, tổng đạo diễn liên hoan thì cuộc này về bản chất không khác những lễ hội ở Phủ Giày, Lảnh Giang, có điều quy mô lớn hơn. Do là liên hoan của “nhà nước” nên cũng có những quy định riêng, lại có cả các “giám khảo” ngồi tuyển lựa, liệu có làm các thanh đồng mất tự nhiên?

Theo Đoàn Kỳ Thanh: “Thanh đồng phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Có những hướng nên khuyến khích ủng hộ. Cũng có những cái gọi là biến tướng thì bản thân trong “đạo” người ta cũng thấy nên chấn chỉnh. Nên có những quy định để tránh sự biến tướng. Thứ nữa là Hà Nội có lề lối của Hà Nội. Nói là BGK cũng không hẳn, nhưng cũng là những người có nhiều năm kinh nghiệm đứng ra tìm kiếm phát hiện những thanh đồng lưu giữ được những lề lối cổ để tôn vinh”.

Trong khi các thanh đồng đang hầu thánh, anh Thanh tay ôm máy ảnh, miệng hát theo cung văn. Anh đã có ít nhất 5 năm nghiên cứu hầu đồng dưới góc độ tâm linh, văn hóa và đang chuẩn bị ra sách về tín ngưỡng thờ Mẫu. Đoàn Kỳ Thanh từng đạo diễn 2 chương trình hầu đồng quy mô tại Trung tâm Văn hóa Pháp và sắp tới là đêm hội tụ các thanh đồng tiêu biểu của Hà Nội 4/10 tại rạp Công Nhân.

Tổng đạo diễn khẳng định sẽ không sân khấu hóa lên đồng. Một phủ thật với tượng thật, đồ thờ thật sẽ được đặt vào rạp Công Nhân với những nghi lễ thật. Thanh đồng hướng vào bàn thờ, quay lưng vào khán giả. Mọi động tác của thanh đồng được truyền lên màn hình lớn để khán giả theo dõi.

Thanh đồng Bùi Thị Phượng: Khi ngồi lên đây để hầu thánh, điều đầu tiên tôi chỉ mong nước Đại Việt của mình được bình an.

Thanh đồng Từ Lâm: Những năm chiến tranh bắn phá B52, tôi vẫn lên đồng đều, chưa bao giờ bỏ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG