Thành danh nhờ... lấp vai: Không phải ‘ăn may’
“Duyên nghề” thường được xem là sự may mắn, cơ may nhưng trong mỗi thành công của từng vai diễn, các diễn viên luôn phải cố gắng và nỗ lực hết mình
Khương Ngọc trong phim Tiền chùa. (Ảnh do đoàn phim cung cấp). |
Được chọn vai theo kiểu “chữa cháy”, dự bị nên khiến không ít diễn viên rơi vào hoàn cảnh này cảm thấy áp lực nhưng đáng ghi nhận là họ luôn nỗ lực vượt qua thử thách.
Đạo diễn Nguyễn Dương cho biết: “Nữ diễn viên Lê Bê La yêu thích vai diễn đến mức chấp nhận cắt tóc ngắn, học võ, làm tất cả cho nhân vật. Cũng có nhiều người băn khoăn khi thấy tôi chọn gương mặt mới cho một vai gai góc nhưng tôi thấy được khát khao làm nghề và sự quyết tâm của Bê La nên đã để cô thử sức với vai Tùng trong phim Cổng mặt trời. Và cô ấy đã thành công”.
Còn Khương Ngọc thì để được nhận vai Lucky Lộc, trong 1 tháng, anh ta đã phải “hành hạ” bản thân để tăng được 12 kg, thậm chí có lúc 15 kg như ý muốn của đạo diễn.
Nắm bắt cơ hội
Khi cơ hội đến thì phải biết chủ động nắm bắt, dù đó là vai vớt của người khác cũng phải biết tận dụng để thể hiện tài năng của mình, cũng không ngồi chờ lời mời của đạo diễn, biết mình phù hợp với vai diễn nào để chủ động xin vai và thử sức - đó là tâm sự chung của nhiều diễn viên làm nghề nghiêm túc. Với họ, nghề diễn viên là phải từng ngày học hỏi và tìm kiếm cơ hội cho mình, nỗ lực và cố gắng không ngừng.
NSƯT Kim Oanh từng nói chị luôn chủ động đi xin vai diễn, kể cả vai Ló trong phim Ma làng. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Kim Oanh tình cờ xem được kịch bản và gọi điện thoại cho ông để xin đóng vai Ló vì quá yêu thích và cảm thấy phù hợp với nhân vật.
Kim Oanh cho biết chị không thích ngồi chờ sự may mắn đến với mình mà chủ động đi tìm cơ hội và thử sức nếu cảm thấy làm tốt vai diễn.
Với Huỳnh Đông, anh vẫn kiên trì chấp nhận đóng vai vớt của người khác để tìm cơ hội cho mình. Và phải sau 3 lần vớt vai của người khác, Huỳnh Đông mới có cơ hội tìm thấy bản thân, giúp người khác nhìn thấy năng lực của anh.
“Vai nào cũng là vai, quan trọng là diễn viên có thật sự nỗ lực hết mình và làm tốt vai đó hay không. Tôi không quan trọng đó là vai người khác bỏ hay mình là người được chọn sau, quan trọng là tôi có thể làm tốt được vai diễn đó hơn. Diễn viên phải biết nắm lấy cơ hội. Không phải là lúc mới bước chân vào nghề mà ngay cả bây giờ, chuyện đóng vai thay cho người khác cũng rất bình thường” - Khương Ngọc nói.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho rằng ngoài yếu tố may mắn, các diễn viên còn phải biết nỗ lực khẳng định mình mới tiến xa được trong nghề.
“Tôi đánh giá cao những diễn viên chủ động xin vai hoặc thay thế vai diễn khi không phù hợp. Giả sử khi đang quay, một diễn viên đứng xem yêu cầu cho họ được thử vai, bảo đảm đóng hay hơn người đang đóng thì tôi sẵn sàng chấp nhận. Nếu người ấy đóng hay thật sự, tôi không ngần ngại chọn thay thế” - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khẳng định.
Tài năng thật sự
Không một đạo diễn nào muốn rơi vào tình thế tìm diễn viên thay cho người mình dự tính ban đầu cả. Bởi ngay từ đầu, họ đã hình dung một hình mẫu phù hợp nhất với vai diễn và đi tìm diễn viên theo kiểu “đo ni đóng giày”.
Thế nhưng, trong nghệ thuật, không phải bao giờ mọi chuyện cũng suôn sẻ. Chuyện đạo diễn phải “dở khóc dở cười” khi diễn viên bỏ vai đột ngột hay lặn lội cả mấy tháng trời tìm không ra diễn viên phù hợp với vai diễn là không hiếm.
Càng ngày, các đạo diễn càng biết nhìn vào tài năng của diễn viên chứ không nhìn vào tên tuổi và danh tiếng. Khi tìm người thay thế không có nghĩa là giao theo kiểu “đụng đâu quơ đó”.
Nói như đạo diễn Lê Cung Bắc: “Đạo diễn luôn có con mắt thần để nhìn ra được diễn viên có phù hợp với vai diễn hay không. Nhiều người vẫn nghĩ là người thay thế tức là bí quá nên mới chọn nhưng thực tế họ đến sau đi nữa thì cũng phải có tài mới được chọn”.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cũng cho rằng: “Diễn viên dù là dự bị cũng phải qua thử vai, nếu thấy họ có tài năng, phù hợp với nhân vật thì mới giao vai. Dù là diễn thay thế người khác thì chính bản thân họ cũng phải thật sự có tài thì duyên nghề mới mang đến sự thành công cho họ”.
“Chính những lúc tuyệt vọng vì tìm không ra người như ý hay phải thay diễn viên, thường thì người dự bị lại đóng tốt ngoài mong đợi. Nhưng ngoài may mắn, có được cơ hội, thành công của họ là do có tài năng thật sự” - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ
Làm nghệ thuật là vì vai diễn Nhiều diễn viên khi biết mình được giao vai theo kiểu “chữa cháy” thì không nhận vì tự ái hay xấu hổ. Hỏi Khương Ngọc có thấy chạnh lòng không khi luôn ở vị trí dự bị cho những vai diễn như vậy, anh hài hước kể: “Lần đầu tiên được cho đóng phim, tôi mừng hết lớn chứ đâu có biết buồn gì. Không quan trọng việc vai đó có như thế nào, miễn là mình thể hiện tốt thì khán giả sẽ nhớ”. Một diễn viên khác nói: “Lúc đó phải cảm ơn người đã bỏ vai vì nhờ vậy mình mới có cơ hội thử sức”. Riêng NSƯT Kim Oanh khẳng định: “Đi xin vai không có gì là xấu, có lần thành công cũng có lần thất bại nhưng mình phải biết nhận vai phù hợp và cũng phải biết rút lui đúng lúc khi thấy mình đóng không hay, không phù hợp”. “Diễn viên không nên có suy nghĩ đến trước, đến sau, đóng vai vớt, vai bỏ. Làm nghệ thuật là phải vì vai diễn chứ không thể vì cái tôi cá nhân” - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói thêm. |
Theo Minh Nga
Người Lao Động