Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong trao tặng áo thanh niên Việt Nam tham dự Liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới lần thứ 19 cho Giám đốc bảo tàng vườn cây Hữu nghị.
Cây Hữu nghị tọa lạc tỏa bóng trong Bảo tàng “Cây Hữu nghị” ở thành phố Sochi. Chiếc xe buýt xuất phát từ làng Olympic Sochi - nơi diễn ra liên hoan hướng về phía thành phố, bon bon trên quãng đường dài hơn 30km xuyên qua những cánh rừng đang vào thu với sắc vàng, sắc đỏ của lá, rồi bất chợt vỡ oà không gian mênh mông của Biển Đen.
Dưới những tán, cành xanh của cây Hữu nghị, nhiều đại biểu Việt Nam không khỏi bất ngờ khi được Tiến sĩ công nghệ nông nghiệp Alexey Ryndin - Giám đốc Bảo tàng giới thiệu: Cây Hữu nghị có hơn 45 loại cây ăn quả khác nhau; có hơn 600 cành ghép do đại diện của 160 quốc gia trên thế giới thực hiện. Trong số những người ghép cành - như cách nói người Nga đã để lại “chữ ký xanh”, có nhiều nguyên thủ quốc gia, các nhà hoạt động chính trị, văn nghệ sỹ, như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, lãnh tụ Cuba Raul Castro; nhà du hành vũ trụ Yury Gagarin; nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.
Điều kỳ diệu này được khởi nguồn từ ý tưởng của nhà nông học Liên Xô Fedor Mikhailovich Zorin. Năm 1934, trong khu vườn thí nghiệm tại Sochi, ông đã ghép lên cây chanh gốc giống quýt Nhật Bản, chanh Italia, bưởi Mỹ, bưởi Ấn Độ, cam Tây Ban Nha... Thành quả khoa học của nhà nông học Zorin được công chúng biết đến rộng hơn khi nhà thám hiểm nổi tiếng Liên Xô Otto Shmidth đã ghép một nhành cây vào cây chanh gốc để làm kỷ niệm. Otto Shmidth là người ghép nhành đầu tiên và mở ra câu chuyện về ghép cành mà như cách gọi người Nga là “chữ ký xanh”. Tuy nhiên, đến năm 1957, cây chanh hoang dã được ghép nhiều cành ghép trong vườn thí nghiệm của nhà nông học Zorin tại Sochi mới được có tên gọi Hữu nghị cho đến giờ. Theo giới thiệu, vào một ngày hè, các bác sĩ trẻ Việt Nam đến thăm vườn, khi đến cây chanh hoang dã được ghép nhiều cành này một vị bác sĩ đề nghị gọi tên cây này là Cây Hữu nghị. Trong mạch chuyện ôn lại quá khứ, những người trẻ Việt Nam đã được giới thiệu về công viên Riviera được hình thành giữa thế kỷ 19, cách bảo tàng không xa. Ở đó có nhiều cây mộc lan được trồng bởi chính khách Việt Nam như Thủ tướng Phạm Văn Đồng (trồng 5/8/1961), Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ (trồng 15/11/1969)…
Là một trong những đại biểu thăm cây Hữu nghị, Á hậu Việt Nam Ngô Thanh Thanh Tú chia sẻ: Không chỉ thấy ngạc nhiên trước sự đặc biệt của cây Hữu nghị được ghép từ hàng trăm cành nhánh, loài khác nhau, Thanh Tú còn thấy gần gũi khi được thấy những dòng chữ ghi những danh nhân, chính khách của Việt Nam đã đến đây và ghi lại “chữ ký xanh”. Đây là một trong những điểm đến thú vị trong những ngày đến Sochi tham dự Liên hoan của Thanh Tú.
Cũng tại Vườn - Bảo tàng của thành phố biển Shochi, những người trẻ còn gặp được sự tụ hội tinh hoa của danh nhân, văn hoá thế giới. Suốt từ năm 1981 bắt đầu mở cửa đến nay, bảo tàng đã tiếp nhận hơn 20 nghìn hiện vật từ khắp nơi trên thế giới. Cũng nơi đây còn lưu giữ những nắm đất từ mộ của các danh nhân Karl Marx, Chopin, Mozart, Tchaikovsky, Tolstoy, Goethe, Gandhi, Bolivar… Và cả những nắm đất thấm đẫm nỗi đau thương, khốc liệt của chiến tranh từ nhiều địa danh trên thế giới, như Hiroshima, như Lidice, pháo đài Brest, Oradur, như Khatyn…
Trong dịp thăm bảo tàng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong - trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới lần thứ 19 đã trao tặng chiếc áo xanh Đoàn thanh niên và áo đồng phục của đoàn Việt Nam tham dự Liên hoan trên đất Sochi; viết cảm tưởng khi đến thăm Bảo tàng và cây Hữu nghị.