Cùng đồng hành với đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong đến thôn Đông Thịnh, chị Nguyễn Thu Thủy, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Sơn Đông cho biết, xã Sơn Đông là nơi sông Phó Đáy hợp lưu với sông Lô. Trận lũ vừa qua là lớn nhất trong hơn 20 năm gần đây. Lúc lũ đổ về, nước từ sông Phó Đáy lên nhanh, chảy siết. Đường vào thôn Đông Thịnh ngập ngang thắt lưng, có nơi ngập quá đầu người. Thôn Đông Thịnh cũng là nơi nước lũ lâu rút nhất trong xã. Trong đó, gia đình anh Lê Văn Hiệu đã mất hai người con trong vụ lật thuyền.
Nhà anh Hiệu nằm ở giữa thôn Đông Thịnh, mới xây, khang trang. Căn nhà chưa kịp khánh thành đón bạn bè đến chúc mừng thì đau thương ập đến. Trong gian phòng khách không kê bàn ghế, giờ là nơi đặt bàn thờ hai con anh. Thấy chúng tôi đến, anh ra đón, khuôn mặt u buồn, đôi mắt đỏ ngầu, thâm quầng.
Anh đưa chúng tôi vào thắp hương cho hai cháu. Trong gian buồng bên cạnh vẫn vọng ra tiếng nấc của vợ anh. Mấy hôm nay, ngày nào cũng có bà con và chính quyền địa phương đến thăm hỏi, chia buồn.
Nhà báo Lê Đức Anh, Ban Bạn đọc và công tác xã hội báo Tiền Phong cùng Đoàn Thanh niên xã Sơn Đông trao tiền mặt ủng hộ của bạn đọc Mai Nam và những người bạn đến gia đình anh Lê Văn Hiệu. |
Vợ chồng anh Hiệu sinh được 3 người con. Con gái lớn đã lấy chồng, còn hai cháu Lê Văn H. (sinh năm 1999) và con gái út là Lê Thị C. (sinh năm 2006) đang ở cùng vợ chồng anh chị. Anh Hiệu là lái tàu sông, thường xuyên đi vắng.
“Ngày 10/9 nước lũ lên cao, cháu H đi làm xa, muốn về thăm gia đình; khoảng 19h cháu về gần đến nhà. Biết gần nhà có đoạn ngập sâu, vợ tôi muốn đi đón cháu. Thấy mẹ đi một mình nguy hiểm, cháu C. xin đi cùng. Trên đường quay về, qua đoạn nước chảy siết, cháu H. xuống kéo thuyền thì bị sẩy chân xuống hố sâu khiến thuyền bị lật úp. Vợ con tôi kêu cứu nhưng vì mất điện, trời tối, chỉ có vợ tôi được cứu lên. Hai cháu bị nước cuốn đi. Chỉ một lúc mà gia đình tôi mất hai cháu, đau xót lắm”, anh Hiệu nghẹn ngào.
Anh Hiệu kể thêm: “Anh em làng xóm hay trêu cháu H, bảo cưới vợ để có cháu nội cho bố mẹ mừng nhưng cháu chỉ một mực lo làm ăn, đỡ đần bố mẹ tiền xây nhà xong mới lấy vợ. Vậy mà, ước mơ của con không thể thực hiện được nữa”.
Đại diện báo Tiền Phong cùng Đoàn Thanh niên xã Sơn Đông trao thực phẩm, sữa... của bạn đọc báo Tiền Phong đến gia đình anh Hiệu. |
Chị Nguyễn Thu Thủy, Bí thư đoàn xã Sơn Đông chia sẻ: “Ngay sau khi bão số 3 vào đất liền nước ta gây nhiều thiệt hại, báo Tiền Phong đã phát động các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ đồng bào. Đã có nhiều nhà hảo tâm ủng hộ qua báo. Hôm nay, đoàn thiện nguyện phối hợp cùng Đoàn Thanh niên xã thay mặt bạn đọc báo Tiền Phong đến trao tận tay anh, là người chịu nhiều mất mát. Mong anh chị vơi đi nỗi đau thương này.”
Anh Lê Văn Hựu thay mặt gia đình cảm ơn đến bạn đọc báo Tiền Phong. |
Thay mặt gia đình, anh Lê Văn Hựu (anh trai anh Lê Văn Hiệu) gửi lời cảm ơn báo Tiền Phong và bạn đọc của báo đã không quản đường sá xa xôi đến động viên, chia sẻ mất mát với gia đình. Đây là nguồn động viên giúp gia đình sớm vượt qua đau thương này.
Trong khuôn khổ chương trình Chung tay khắc phục hậu quả bão Yagi do báo Tiền Phong phát động, bạn đọc, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng bao gồm cả tiền và hàng hóa. Theo phương án phân bổ, ban tổ chức trao cho thân nhân của mỗi nạn nhân tử vong số tiền 5 triệu đồng.
Hiện báo đã thực hiện chương trình cứu trợ tại hầu hết các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão Yagi như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Giang... Tại Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có 2 nạn nhân tử vong trong bão Yagi là hai cháu con anh Lê Văn Hiệu nêu trên.
Hiện tại, để phục vụ công cuộc tái thiết sau bão Yagi, báo Tiền Phong tiếp tục phát động chương trình "Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường" nhằm vận động nguồn lực để trao sổ tiết kiệm, học bổng cho các học sinh mồ côi và rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do bão Yagi gây ra; trao tặng thiết bị dạy học, đồ dùng học tập... cho học sinh và các trường học bị thiệt hại do bão.