Thái Lan: Giải tán Quốc hội vẫn không hạ nhiệt biểu tình

Thái Lan: Giải tán Quốc hội vẫn không hạ nhiệt biểu tình
TP - Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hôm qua quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử lại. Tuy nhiên, quyết định này không xoa dịu được đám đông người biểu tình chống chính phủ quyết tâm “nhổ tận rễ chế độ Thaksin”.

> Chính phủ Thái Lan đề xuất ngày bầu cử là 2/2/2014
> Thái Lan tổng tuyển cử trong 60 ngày

Lãnh đạo đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, vẫy tay trong lúc biểu tình cùng lực lượng chống chính phủ tại Bangkok hôm 9/12 Ảnh: Greg Baker
Lãnh đạo đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, vẫy tay trong lúc biểu tình cùng lực lượng chống chính phủ tại Bangkok hôm 9/12 Ảnh: Greg Baker.

Trên truyền hình sáng 9/12, Thủ tướng Yingluck thông báo rằng, bà sẽ tiếp tục đứng đầu chính phủ đến khi có nội các mới. Trước đó 1 ngày, tất cả nghị sĩ đảng đối lập đồng loạt từ chức, và người biểu tình quyết định đồng loạt tiến về bao vây tòa nhà chính phủ.

Tuy nhiên, tổ chức bầu cử lại không phải cách có thể thỏa mãn nhiều người biểu tình, vì họ đòi phải thay đổi toàn bộ hệ thống dân chủ, và bà Yingluck cùng gia đình phải rời khỏi đất nước. Đòi thay chính phủ bằng một “Hội đồng nhân dân” không qua bầu cử, người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục tụ tập.

Thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố: “Phong trào chiến đấu sẽ tiếp tục. Mục tiêu của chúng tôi là nhổ tận rễ chế độ Thaksin. Dù Hạ viện bị giải tán và thực hiện bầu cử lại thì chế độ Thaksin vẫn còn đó”.

Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 7/2011, đảng Pheu Thai của bà Yingluck giành được đa số phiếu, nắm giữ 265 ghế, trong khi đảng Dân chủ đối lập giành được 159 ghế. Pheu Thai chủ yếu được ủng hộ ở vùng nông thôn và khu vực nghèo của Thái Lan.

Hôm 9/12, khoảng 200.000 người biểu tình từ khắp mọi ngả đổ về tòa nhà chính phủ và tụ tập trên đại lộ Ratchadamnoen và Ratchadamnoen Nok, gần tượng đài Dân chủ.

Đoàn biểu tình do ông Suthep dẫn đầu kéo dài ít nhất 3km, diễu hành gần 30km từ khu tổ hợp chính phủ trên đường Wattana tới tòa nhà chính phủ ở trung tâm Bangkok.

Phát biểu trên sân khấu mới được dựng lên trước tòa nhà chính phủ, ông Suthep nói trước đám đông hò reo: “Chúng ta nên tự hào vì đây là lần đầu tiên người dân, người chủ của đất nước, bằng tay không, giành lại đất nước từ một chính phủ suy đồi”. Ông Suthep tuyên bố ngày 9/12 là lần đầu tiên người biểu tình tụ tập trên đường phố suốt đêm.

Hơn 60 trường học ở Bangkok đã đóng cửa đề phòng bạo lực, theo AP. Cho đến nay, vẫn chưa có báo cáo về bạo lực xảy ra trong cuộc biểu tình hôm qua. Đợt biểu tình tuần trước khiến 5 người thiệt mạng.

Lực lượng “áo đỏ” ủng hộ chính phủ quyết định hoãn cuộc biểu tình quy mô lớn theo kế hoạch tại tỉnh Ayutthaya, giáp với Bangkok, vào ngày 10/12, sau thông báo của Thủ tướng. Bản thân đội ngũ “áo đỏ” cũng có quan điểm không thống nhất về quyết định này, với một bên ủng hộ, còn một bên cho là quá sớm, theo báo Bangkok Post.

Quyết định quá muộn?

Đảng Pheu Thai ra thông báo nói rằng, Thủ tướng Yingluck đã quyết định đúng đắn để tránh thương vong. Chính phủ đề xuất tổ chức bầu cử vào ngày 2/2, nhưng Ủy ban bầu cử chưa thông qua. Ủy ban này sẽ đợi Nhà vua chấp thuận giải tán Hạ viện trước khi quyết định ngày bầu cử, phát ngôn viên chính phủ Teerat Ratanasevi cho biết.

“Quyết định của Thủ tướng được đưa ra quá muộn”, ông Chaiyan Chaiyaporn, chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Chulalongkorn, nói với Đài phát thanh FM101. Theo chuyên gia này, quyết định của bà Yingluck là nhằm chấm dứt biểu tình, nhưng điều đó giờ phụ thuộc các thủ lĩnh biểu tình. “Giải tán Hạ viện không có nghĩa là chính phủ bị đánh bại. Đó chỉ là cách cuối cùng của chính phủ”, ông Chaiyan nói.

Trong khi đó, quân đội kêu gọi các bên liên quan cuộc khủng hoảng chính trị cùng đi đến một giải pháp hòa bình, dù quan điểm khác nhau. Phó phát ngôn viên quân đội, Đại tá Winthai Suwaree, nói rằng, quân đội không muốn thấy xung đột nổ ra giữa người Thái với nhau. Ông Winthai nhấn mạnh, mọi người phải nhớ lợi ích cao nhất của đất nước, và quân đội sẽ làm hết sức để phục vụ đất nước và người dân, báo Bangkok Post đưa tin.

Giám đốc Trung tâm Quản lý hòa bình và trật tự thuộc lực lượng cảnh sát hôm qua ra thông báo kêu gọi người dân, trong đó có cả sinh viên đang tham gia biểu tình chống chính phủ hãy về nhà vì Thủ tướng đã giải tán Hạ viện để trao lại quyền cho người dân. Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul nói rằng, điều này sẽ giúp khôi phục hình ảnh đất nước và duy trì hệ thống dân chủ theo Hiến pháp.

TRÚC QUỲNH
Theo BBC, Bangkok Post

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG