Tết gia đình ở trung tâm bảo trợ xã hội

Các cụ cao tuổi được nhân viên Trung tâm hỗ trợ ăn cơm chiều 28/1. Ảnh: Trường Phong
Các cụ cao tuổi được nhân viên Trung tâm hỗ trợ ăn cơm chiều 28/1. Ảnh: Trường Phong
TP - Tiếng nhạc mùa xuân phát ra từ chiếc loa nhỏ ở góc sân Trung tâm bảo trợ xã hội III Hà Nội. Gần chục cụ già tranh thủ vừa nghe đài vừa phơi nắng cuối chiều. Hôm qua, các cụ vừa ăn cơm tất niên. Mấy ngày tới, nhiều cụ sẽ biểu diễn múa gậy dưỡng sinh, ca hát để chào mừng năm mới.

Tết của đại gia đình

Bà Nguyễn Thị Nhung, 73 tuổi, cũng tranh thủ ra phơi nắng. Bà đã đón gần chục mùa xuân ở Trung tâm. “Trung tâm có gì ăn nấy”, bà Nhung cười. Trong câu chuyện với phóng viên, bà Nhung cho biết, bố mẹ sinh được 4 người con, giờ các anh chị, bố mẹ đều mất hết rồi nên vào đây nương tựa tuổi già. Vào đây, bà ở cùng một cụ nữa, hai người coi nhau như chị em.

Ngày xưa, bà Nhung đi làm công nhân suốt thời tuổi trẻ, nay đây, mai đó, không có nhà cửa. Khi về mất sức lao động, đến nay, mỗi tháng bà nhận được hơn 2 triệu đồng. Bà thuộc trường hợp đặc biệt vì cách đây mấy năm, vẫn có chính sách tiếp nhận các trường hợp người già có lương hưu. Số tiền lương nhận được hàng tháng được hơn 1,5 triệu phần lớn đóng góp với Trung tâm, còn 500 nghìn để dùng mua thêm hoa quả, đồ ăn. “Trong này đầy đủ rồi, thuốc men cũng có sẵn. Chỉ khi nào thèm cái gì thì bỏ tiền ra mua”, bà Nhung nói.

Tết gia đình ở trung tâm bảo trợ xã hội ảnh 1 Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội III trò chuyện với bà Nguyễn Thị Liên

Là thành viên Ban lễ tang của trung tâm, lúc phóng viên đến, ông Bạch Quang Ngọc, 85 tuổi đang đi hạ lễ gồm bánh chưng, giò chả và chuối ở nơi thờ cúng phật, thờ cúng những người mất tại trung tâm. Tranh thủ ngồi sưởi nắng ở sân, ông Ngọc bảo, đã vào trung tâm được 5 năm.

Vào đây, ông tham gia Ban lễ tang, nếu có cụ nào mất thì tham gia sửa soạn, làm lễ đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước ông ở chùa Quán Sứ, chùa Bồ Đề... rồi mấy năm nay ăn Tết ở Trung tâm. “Ở ngoài thì có tình cảm gia đình, bố con, anh em ruột thịt. Ở trong này thì có tình bạn, có mọi người với nhau”, ông Ngọc nói. Hỏi về gia cảnh, ông Ngọc chỉ nói, bố mẹ mất lâu rồi, giờ các anh em mỗi người một phận...

Trong phòng của các cụ ở đây đều có tivi, giường chiếu, chăn, đệm sạch sẽ. Lúc phóng viên vào, bà Nguyễn Thị Liên, 86 tuổi đang đọc sách Phật. Cầm tay phóng viên, nở nụ cười móm mém, bà Liên vẫn nhớ ngày vào Trung tâm là 2/12/2015. Bà còn nhớ tên Phật cho là Diệu Diệu Đại. Bà Liên nói, có người em gái đang đi tu bên Thái, có người anh ở Thái Nguyên hiện cũng đã mất. Bố mẹ mất khi bà mới hơn chục tuổi, một tay bà nuôi lớn các em. Đến lúc tuổi già, các cháu khuyên bà vào Trung tâm, bảo nếu vào thấy không ở được thì xách vali về, không ai không cho về cả.

Mới đầu, bà không muốn vào, nhưng vào rồi, ở cùng với một bà nhiều tuổi hơn, coi nhau như chị em trong nhà, tình cảm, ấm cúng. “Bây giờ nhà cũng không có, anh em cũng không có. Tôi ở đây với mọi người thấy thân thiết như với người thân”, bà Liên nói thêm. Thấy phóng viên, bà Đỗ Thị Kim Bảng khoe “tôi được huy hiệu 45 năm tuổi Đảng đấy” rồi chỉ lên bằng khen và huy hiệu đang treo trên tường. Tay run run, bà Bảng nói, vào đây mọi người đều tốt, ăn Tết cũng đầy đủ như ở nhà. Giờ cơm đến, có người mang cơm vào tận phòng cho bà Bảng. Cơm có thịt kho, canh rau cải. Một vài người cao tuổi sưởi nắng dưới sân được nhân viên của Trung tâm bón thức ăn từng thìa một.

Chăm sóc như người thân

Dẫn phóng viên đi một vòng Trung tâm, bà Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội III cho biết, ngày 27/1 vừa tổ chức tất niên cho các cụ và các cháu ở Trung tâm.  Dịp này, Trung tâm cũng đón nhiều đoàn từ thiện của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài đến thăm, tặng quà, tặng gạo, bánh chưng... để các cụ, các cháu trong Trung tâm đón Tết. Nhiều cụ để cả túi bánh kẹo trước đầu giường để ăn dần.

Hiện, ngoài các cụ già, Trung tâm cũng chăm sóc các cháu nhỏ bị bỏ rơi, không có người thân... Trung tâm cũng đang thí điểm việc tiếp nhận các trường hợp tự nguyện xin vào, góp kinh phí để dưỡng lão. “Đến nay về cơ bản mọi thứ đón Tết đã chuẩn bị xong. Bữa cơm tất niên hôm trước cũng có đầy đủ như những bữa cơm tất niên bình thường của mỗi gia đình”, bà Hải nói. Theo bà Hải, trong 4 ngày Tết, ngoài những suất ăn mang hương vị Tết còn có các chương trình văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí. “Các cụ có múa gậy dưỡng sinh. Các cháu nhỏ trong Trung tâm cũng có diễn văn nghệ”, bà Hải nói thêm. Trung tâm cũng đã phân công nhiệm vụ trực, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm, y tế cho các cụ, các cháu đón Tết ở Trung tâm. Với một số cụ, các cháu có người thân đến đón về gia đình, Trung tâm cũng có quà gửi về gia đình.

“Nếu không có tình thương đi kèm với trách nhiệm, sẽ chẳng có mấy người theo công việc này được vài năm”, bà Hải nói. Theo bà, chăm sóc một người già trong gia đình đã khó. Ở đây có vài chục người già, đôi khi các cụ khó tính. Ngay như chế độ ăn của các cụ nhiều khi cũng khác nhau. Với các cụ cao tuổi, thức ăn phải nấu mềm, băm nhỏ. Các cụ còn nhai được thì lại thích vừa phải. Có người chỉ ăn được cháo. Có người không tự đi lại được, vệ sinh cá nhân phải có người giúp... Phải rất trách nhiệm, đi kèm tình thương yêu, quý trọng thì mới hoàn thành được công việc của mình. Vì thế, có những người chỉ về nhà một, hai ngày lại quay trở lại Trung tâm, vì có bạn già tâm sự, có nhân viên Trung tâm, có các cháu nhỏ, được quan tâm, chăm sóc.

Tranh thủ ngồi sưởi nắng ở sân, ông Ngọc (85 tuổi) bảo, đã vào trung tâm được 5 năm. Vào đây, ông tham gia Ban lễ tang, nếu có cụ nào mất thì tham gia sửa soạn, làm lễ đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước ông ở chùa Quán Sứ, chùa Bồ Đề... rồi mấy năm nay ăn Tết ở Trung tâm. “Ở ngoài thì có tình cảm gia đình, bố con, anh em ruột thịt. Ở trong này thì có tình bạn, có mọi người với nhau”, ông Ngọc nói. Hỏi về gia cảnh, ông Ngọc chỉ nói, bố mẹ mất lâu rồi, giờ các anh em mỗi người một phận...

MỚI - NÓNG