Theo dõi sức khỏe bệnh nhân bị nghi nhiễm cúm A/H1N1 tại khu cách ly Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Nếu thuận lợi, năm đến sáu tháng nữa, Việt Nam có thể đưa sản phẩm này ra thị trường với giá rẻ hơn hẳn hiện nay.
Ông Lê Minh Sắt - Vụ Khoa học công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học công nghệ), cho biết như vậy.
Xét nghiệm giá rẻ
Theo ông Sắt, để sản xuất sinh phẩm xét nghiệm H1N1 cần có “mồi”, được phân lập từ virus và giải mã gen, mồi này được sắp xếp thành “trình tự mồi”. Ông Sắt cho rằng, trình tự mồi có thể đặt ở nước ngoài, ba ngày sau là có.
Ông Trịnh Quân Huấn, thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, thời gian qua, Viện Pasteur TP.HCM có một số thử nghiệm với sản phẩm kể trên và kết quả rất đáng khích lệ. Nhưng muốn được sản xuất và sử dụng rộng rãi, cần đưa nghiên cứu này thành một đề tài khoa học do Bộ Khoa học công nghệ chủ trì.
Hiện tại, giá bán mỗi sinh phẩm xét nghiệm H1N1 dạng thường (cho kết quả sau 6-8g) là 600.000 đồng. Loại cho kết quả sau 2g giá lên tới 1,3 - 1,5 triệu đồng. Trong khi, theo ông Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, muốn xác định rõ là H1N1 có khi phải sử dụng 3 - 4 sinh phẩm/người bệnh.
Ông Sắt cho rằng, khi Việt Nam sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm giá có thể rẻ hơn 2 - 3 lần. Cụ thể, một sinh phẩm cho kết quả xét nghiệm sau 6 - 8g có giá chỉ 200.000 đồng, còn sinh phẩm cho kết quả sau 2g giá khoảng 800.000 đồng.
Tất cả sinh phẩm xét nghiệm sử dụng chẩn đoán H1N1 tại Việt Nam từ trước đến nay do các tổ chức quốc tế tài trợ, nhưng theo ông Sắt, cũng không loại trừ có thể cạn kiệt sinh phẩm nếu dịch H1N1 còn kéo dài.
Việc sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm tại chỗ, bên cạnh lợi thế về giá là lợi thế chủ động nguồn sinh phẩm, nhất là trong trường hợp Việt Nam phải mua sinh phẩm. Hiện nay, giá xét nghiệm H1N1 tự nguyện có thể lên đến 5 triệu đồng/người.
Quá tải xét nghiệm do người dân hoang mang
Tại cuộc họp giao ban công tác khám chữa bệnh sáu tháng đầu năm 2009 tổ chức tuần rồi tại Hà Nội, ông Lý Ngọc Kính - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, do nhiều người dân quá hoang mang nên đến khám, xét nghiệm H1N1 dù không có triệu chứng nào của bệnh. Thậm chí, có người chỉ đến chỗ đông người vài lần hoặc hơi bị sốt là vội vàng nghĩ mình bị cúm A/H1N1.
Các phòng xét nghiệm H1N1 hiện đều phải chạy hết tốc lực, làm ngày làm đêm để trả kết quả, nếu không muốn ùn tắc do nhu cầu tăng cao. Theo ông Kính, toàn quốc hiện có hơn 20 địa phương được trang bị thiết bị xét nghiệm.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, đã có chuyện trung tâm y tế dự phòng một địa phương cách Hà Nội 500-600km phải lấy cả ôtô chở vài mẫu bệnh phẩm nghi H1N1 về Hà Nội xét nghiệm!
Tình trạng này gây tốn kém không cần thiết và có khả năng không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển bệnh phẩm liên tục xét nghiệm khi số người mắc bệnh, nghi mắc bệnh tăng cao.
Vì thế, bà Hạnh gợi ý ngành y tế nên phối hợp với ngành bưu điện các địa phương nhờ vận chuyển mẫu bệnh phẩm bằng xe thư báo liên tục đi về sẽ tiết kiệm hơn nhiều. Nhất là trong trường hợp hiện chưa phải là đỉnh dịch H1N1. Theo ông Trịnh Quân Huấn, tháng 11 - 12 tới mới là đỉnh dịch H1N1 tại Việt Nam.
Theo Lan Anh
Tuổi Trẻ