Khám nghiệm xương tê giác. |
Một đoàn chuyên gia gồm nhiều nhà khoa học uy tín trên thế giới vừa công bố thông tin trên ngày 20-1. Theo tiến sĩ, bác sĩ thú y Ulrike Streicher, thành viên của đoàn điều tra, viên đạn đã gây ra các vết thương rộng miệng, dẫn đến thương tổn nặng, nhiễm trùng và làm cho con tê giác bị liệt, không thể đi lại nhiều tháng trước khi chết.
“Mặc dù không biết được chính xác nguyên nhân nào gây ra cái chết của tê giác nhưng nhiều khả năng nó chết do vết thương từ viên đạn, có thể là do nhiễm trùng hoặc bị ngã mà không đứng dậy được do bị thương ở chân”.
Tháng 9 vừa qua, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên phối hợp với cán bộ Cục Thủy sản và Động thực vật Hoang dã của Mỹ, tổ chức Freeland, hai bác sỹ thú y và một chuyên gia bệnh lý học của Đại học Cambrige (Anh) để điều tra nguyên nhân cái chết của tê giác vườn Cát Tiên. Con tê giác này đang trong độ tuổi trưởng thành, từ 15 đến 25 tuổi.
Người dân phát hiện xác tê giác ngày 29-4 -2010. Sau khi khám nghiệm bộ xương và nghiên cứu hiện trường nơi tìm thấy bộ xương tê giác, các chuyên gia kết luận nhiều khả năng tê giác chết do vết thương từ viên đạn gây ra. Trong khi đó, ngoài tự nhiên, tê giác Java có thể sống tới 40 năm.
Kết quả sơ bộ đã được gửi Công an tỉnh Lâm Đồng và huyện Tân Phú. Báo cáo phân tích vết thương do viên đạn ở chân, bị bắn khoảng hơn 2 tháng trước khi chết, đã ảnh hưởng tới tê giác như thế nào. Các chuyên gia gợi ý rằng, những kẻ săn trộm có thể dễ dàng lần theo dấu vết của một con tê giác bị thương và không loại trừ khả năng cá thể này đã bị bắn tiếp sau đó.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên, nói: “Đây thực sự là một sự kiện đáng buồn đối với ngành bảo tồn của Việt Nam”.
Con tê giác Java cuối cùng?
“Kết quả phân tích ADN nhằm xác định số lượng quần thể tê giác Java sẽ sớm được công bố”, bà Sarah Brook, điều phối viên về loài của WWF Việt Nam phát biểu. “Kết quả sẽ cho biết liệu cái chết của cá thể trên có phải là sự tuyệt chủng của loài tê giác Java hay không?”.
Trong các chuyến nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học thế giới đã phát hiện một số mẫu phân tê giác tại VQG Cát Tiên. ADN từ mẫu phân này và mẫu phân của tê giác chết sẽ được đem so sánh để xem có trùng nhau không và liệu đó có thể là từ cùng một con tê giác hay không.
Luật pháp Việt Nam quy định săn bắt, buôn bán hoặc tiêu thụ bất cứ bộ phận tê giác Java và những loài bị đe dọa khác được nêu trong Sách Đỏ Việt Nam là phạm pháp. WWF và VQG Cát Tiên đã có văn bản yêu cầu công an tiếp tục điều tra để xác định những cá nhân có liên quan tới việc săn trộm và buôn bán chiếc sừng của con tê giác, có thể là cuối cùng này của Việt Nam. Mặc dù động cơ giết con tê giác này chưa được xác định, nhưng có khả năng nó bị giết để lấy sừng và sử dụng làm đông dược.
Theo các nhà bảo tồn, từ châu Phi tới châu Á, loài tê giác đang phải đối mặt với áp lực gia tăng từ các tay săn trộm nhằm lấy sừng. “Những vụ bắt giữ và các sự việc cho thấy hầu hết các sừng, đặc biệt từ Nam Phi đang được buôn lậu tới người mua tại Việt Nam”, ông Tom Milliken, Giám đốc TRAFFIC vùng Đông Nam châu Phi, cho biết.
Tháng 10 vừa qua, một đoàn cán bộ Nam Phi đến Việt Nam và làm việc với các ban ngành liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn nạn buôn lậu tê giác tại Nam Phi. Theo ông Milliken, chuyến đi của các cán bộ thực thi pháp luật của Nam Phi đánh dấu một bước tiến quan trọng nhằm ngăn chặn nạn săn bắn tê giác.
“Các quốc gia không thể chiến đấu đơn lẻ với nạn buôn lậu tê giác. Đây là một vấn đề quốc tế, vì vậy đòi hỏi cả người mua và bán phải cam kết cùng nhau hợp tác trong quá trình thực thi luật pháp nhằm phá vỡ cả chuỗi buôn bán”, ông nói.