Tái tạo mô là một lĩnh vực hoàn toàn mới trong khoa học. Hầu hết các liệu pháp tế bào gốc đều không có hiệu quả trong việc hình thành mô mới. Ví dụ, tế bào phôi gốc không thể được sử dụng để điều trị các mô bị tổn thương do khả năng hình thành khối u của chúng.
Dự án 5-100Không, một chương trình được nhà nước hỗ trợ do trường Đại học Bách khoa St. Petersburg (Nga) thực hiện đã tạo ra các vật liệu polymer mới có thể sửa chữa các bộ phận cơ thể người bị tổn thương.
Các nhà khoa học cho biết, họ đã phát triển một mô xương thay thế. Đó là một vật liệu xốp ba chiều làm bằng collagen và chitosan. Sử dụng vật liệu này, có thể khôi phục lại các phần xương bị mất do chấn thương hoặc bệnh tật.
Những vật liệu “bắt chước” này có thể đánh lừa cơ thể để nó không từ chối vật thể lạ. Theo thời gian, mô nhân tạo có thể được thay thế bằng mô tự nhiên.
Ông Vladimir Yudin, trưởng phòng thí nghiệm cho biết: “Chúng tôi không định giả mạo tự nhiên, chúng tôi chỉ giúp đỡ mọi người trong lĩnh vực y tế. Một người có cơ quan nhân tạo phải uống thuốc suốt quãng đời còn lại để ngăn chặn sự đào thải của cơ thể. Phát minh của chúng tôi giúp chính cơ thể tái tạo ra bộ phận bị khiếm khuyết”.
Kết quả của các nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy, sau một khoảng thời gian nhất định, một miếng xốp ba chiều được nhúng vào xương sẽ được bao phủ bởi mô xương tự nhiên, trong khi bản thân vật chất đó sẽ tự phân hủy.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu miếng xốp collagen đối với cả mô gan và cơ, và vật liệu cũng kích thích sự phục hồi của các mô này. Những nghiên cứu được phát triển bao gồm: Vết thương, bộ phận giả của mạch máu, và chỉ khâu giúp tái tạo mô tự nhiên trong cơ thể.
Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Cell and Tissue Biology (Sinh vật học Tế bào và mô).