Dù sang đường đúng luật nhưng khách nước ngoài vẫn lo lắng mỗi khi phải sang đường ở Thủ đô. Ảnh: Phạm Yên |
Pôn nhờ tôi chở đi để tìm hiểu văn hóa giao thông Việt Nam và để học đi đường Việt Nam. Pôn nói:
- Tôi đã học thuộc Luật Giao thông đường bộ Việt Nam, có thể đi ra đường được chưa?
- Chưa đâu. Còn có những “luật bất thành văn” nữa – Tôi bảo.
- Vậy anh đưa tôi đi tìm hiểu nhé – Pôn đề nghị.
Tôi chở Pôn đi dạo xa lộ, phố xá và cả đường nông thôn để “lên lớp tại thực địa”. Tôi bảo:
- Đầu tiên chúng ta ra xa lộ nhé. Trước hết anh phải nhớ kỹ, nếu thấy xe ben hoặc xe đò chở khách thì phải tránh xa. Xe ben được mệnh danh là hung thần xa lộ còn xe đò, xe buýt, tắc xi là vua chạy ẩu, sẵn sàng cua, tạt, vượt, tấp vào lề… bất cứ lúc nào.
- Làm sao để phân biệt được xe đò và xe du lịch thông thường? - Pôn hỏi.
- Xe đò thì khách chật cứng đứng ngồi lố nhố, có một người thò cổ ra ngoài, tay quơ quơ, miệng la hét inh ỏi, chúng tôi gọi là “lơ xe”… Xe đò chạy rất nhanh, tấp vào lề cái rẹt. Có lúc nó còn chạy lấn cả vào phần đường dành cho xe thô sơ, xe máy…
Bây giờ tới phần đối phó với xe gắn máy, xe đạp nhé. Người đi xe gắn máy có thể đi ngược chiều với mình ngay trên phần đường của mình. Ban đêm ta có thể gặp xe đi ngược như vậy mà không có đèn đuốc gì cả.
Tôi chỉ tay cho Pôn thấy anh chàng đi phía trước: “Anh ta sắp quẹo trái đấy! Rồi tôi cho xe chạy bên phải xe anh ta. Quả nhiên đến dải phân cách đứt quãng phía trước anh ta quẹo trái thật.
- Làm sao anh biết hay vậy? – Pôn hỏi.
- Có hai cách để nhận biết. Thứ nhất nếu người đi xe đạp, xe máy phía trước hơi nghiêng đầu sang trái. Thứ hai là phía trước có đường ngang hay lối sang đường bên trái thì phải đề phòng anh ta quẹo trái. Xe đạp cũng tương tự như vậy nhưng còn ẩu hơn. Có khi đang đi chợt… vèo một cái là qua đường ngay trước đầu xe ta, rất vô tư…
- Còn người đi bộ thì sao? – Pôn thắc mắc.
- Người đi bộ có thể sang đường bất kỳ lúc nào, kể cả xa lộ một chiều, xe đang chạy nườm nượp với tốc độ cao. Nhất là ban đêm anh có thể gặp người ta leo qua dải phân cách, băng qua đường, ngồi nhậu hoặc nằm bên lề đường để… hóng mát! Mà họ lại mặc đồ tối màu nên rất khó nhận biết từ xa.
- Trời ơi nguy hiểm quá! – Pôn kêu lên.
- Chưa đâu. Nếu trên đường phố, anh có thể gặp bọn đua xe lạng lách, đánh võng bất chấp tính mạng của người đi đường. Gặp đèn đỏ anh dừng lại có thể bị xe sau đâm vào đít, gặp đèn xanh anh yên tâm đi tới nhưng vẫn có thể đụng phải “thằng” vượt đèn đỏ ở chiều đường kia!
Trên đường phố, khi có tai nạn xảy ra, một số người tốt bụng lo cứu giúp nạn nhân còn một số kẻ lo đi hôi của hoặc nhiều người xúm lại để… xem làm cản trở việc cứu nạn và cản trở giao thông. Có khi chỉ va quẹt sơ sơ cũng cãi nhau rồi đánh nhau. Không ai nhận lỗi và xin lỗi. Bọn xấu còn cố tình “tạo tình huống” va quẹt để trấn lột, ăn vạ…
- Phức tạp quá! – Pôn ôm đầu kêu lên.
Hôm sau, tôi đưa Pôn đi “thực địa” ở nông thôn. Đường rộng, ít xe, Pôn nói:
- Ở đây chắc chạy thoải mái mà không lo tai nạn.
- Ấy, đừng tưởng thế, ở đây ngoài những điều trái luật như anh đã biết, có khi người ta còn đi ẩu hơn, kiểu “đường ta ta cứ đi” hoặc “điếc không sợ súng”. Muốn sang đường là vô tư sang, “trước sau nào biết sang đường có ai”.
- Vậy mình để ý họ một chút là được chứ gì? – Pôn bảo.
- Chưa chắc đâu. Bất chợt sẽ có một con chó, con heo hoặc con dê… phóng vào đầu xe anh. Có khi cả một đàn bò, đàn vịt đủng đỉnh dạo trên đường.
- Còn gì nữa không? – Pôn sốt ruột.
- Còn chứ, đang ngon trớn anh có thể té nhào vì người ta phơi lúa, phơi bắp, mì, rơm rạ trên đường như sân nhà mình vậy. Chỗ khác thì đất đá lổn nhổn, bụi mù mịt hoặc sình lầy do xe chở đất cát xây dựng làm rơi vãi xuống. Có lúc anh không thấy mặt đường nhựa đâu cả, chỉ thấy đất đá vôi… Việt Nam đang là một công trường xây dựng lớn mà!
- Ôi trời ơi, vậy thì làm sao tôi đi xe máy được đây! – Pôn đau khổ than.
Đinh Sỹ Hòa
Trường Bắn Quốc gia khu vực 3 Xuân Tâm - Xuân Lộc - Đồng Nai