Tàu Lý Thái Tổ truy tìm mục tiêu trên biển

Tàu Lý Thái Tổ truy tìm mục tiêu trên biển
Trên hải trình làm nhiệm vụ tuần tra khu vực biển được phân công, vào lúc X giờ 45 phút, ngày M, trực ra đa của tàu Lý Thái Tổ (HQ - 012) báo cáo với thuyền trưởng, giọng nhỏ, nhưng đanh:

- “… Phát hiệu vật thể trên hướng, tọa độ x…”.

Trung tá Nguyễn Văn Ngân, Thuyền trưởng bật dậy khỏi ghế chỉ huy và lệnh cho toàn tàu vào vị trí chiến đấu; bộ phận chức năng phát tín hiệu hỏi, phát nhiễu, hướng hành trình của tàu về phía mục tiêu…

Bãi đáp trực thăng chống ngầm trên tàu Lý Thái Tổ
Bãi đáp trực thăng chống ngầm trên tàu Lý Thái Tổ.

Từ phòng nghỉ, các thủy thủ nhanh chóng túa ra hành lang chật hẹp và tiến về các vị trí quy định. Ít phút sau, tại vị trí trực phòng không hai bên mạn tàu, các chiến sĩ hướng mặt lên bầu trời quan sát, sẵn sàng tiêu diệt mục tiêu. Pháo hạm đa năng chuyển động, ghếch nòng sẵn sàng nhả đạn.

Thời gian lặng lẽ trôi, không khí trong ca bin trung tâm chỉ huy của tàu Lý Thái Tổ chùng xuống, các sĩ quan điều khiển chăm chú quan sát màn hình kỹ thuật số, sẵn sàng tác nghiệp.

Sĩ quan trẻ tàu Lý Thái tổ tác nghiệp trên màn hình kỹ thuật số
Sĩ quan trẻ tàu Lý Thái tổ tác nghiệp trên màn hình kỹ thuật số .

Thông tin báo: “Không nhận được tín hiệu trả lời”. Cùng thời điểm, bộ phận ra đa báo: “Mục tiêu đã biến mất khỏi màn hình và đã khoanh vùng mục tiêu”.

Thuyền trưởng Ngân lệnh cho các bộ phận theo dõi, sục sạo và báo với SCH trên bờ về vị trí tàu lạ trên biển…

Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiệm vụ tuần tra kết hợp luyện tập SSCĐ của cán bộ, chiến sĩ tàu Lý Thái Tổ (HQ – 012) mà chúng tôi được chứng kiến. Kết thúc bài tập, Thượng tá Nguyễn Trí Tấn, Chính trị viên của tàu cho hay, thực tế ở trên biển có vô vàn tình huống đòi hỏi phải có sự hiệp đồng ăn khớp của các bộ phận, các ngành: Hàng hải, máy, ra đa, thông tin, vũ khí... Hơn nữa, trang bị, vũ khí trên tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ thuộc dạng hiện đại, được số hóa và tự động gần như hoàn toàn. Do vậy, từng người, từng vị trí tác nghiệp phải có nhiệm vụ học hỏi và làm chủ trang, thiết bị hiện đại ấy.

Cảnh giới, quan sát phát hiện mục tiêu trên không
Cảnh giới, quan sát phát hiện mục tiêu trên không.

Tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ là loại tàu Gepard 3.9, do Công ty Roso Bopne Xport (Liên bang Nga) sản xuất và được biên chế về Lữ đoàn 162 (Vùng 4, Hải quân). Tàu có lượng giãn nước 2.100 tấn, có thể chịu được sóng gió cấp 10 - 12.

Trên tàu được trang bị hệ thống vũ khí phòng vệ và tấn công: Pháo hạm đa năng, tên lửa chống tàu; pháo cao tốc; tổ hợp phòng không; ống phóng ngư lôi; đuôi tàu có bãi đáp cho trực thăng chống ngầm. Tất cả những vũ khí này có thể tiêu diện các mục tiêu trên không, trên biển trong tầm hỏa lực cho phép, bảo vệ tên lửa để sẵn sàng diệt các mục tiêu lớn.

Tàu Lý Thái Tổ truy tìm mục tiêu trên biển ảnh 4

Trong tác chiến trên biển, tầm quan sát chính là một trở ngại lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chiến đấu. Trong điều kiện thời tiết tốt cũng không quá 15km; ngược lại, khi có mưa, bão hoặc sương mù… tầm quan sát còn thấp hơn rất nhiều. Hơn nữa, trong tác chiến hiện đại, đối phương có thừa trí khôn và mưu mẹo để đối phó, trong đó việc phát nhiễu, ẩn giấu tung tích, làm “mù” ra đa của ta là rất phổ biến.

Thượng úy Lê Sinh Hải, trưởng ngành 5 (ngành ra đa) phân tích và khẳng định thêm: “Muốn phát hiện được đối phương từ xa thì phải thường xuyên cảnh giác và không từ bỏ bất cứ một hiện tượng bất thường, dù nhỏ trên màn hình ra đa”.

Tàu Lý Thái Tổ truy tìm mục tiêu trên biển ảnh 5

Điều Thượng úy Sinh khẳng định được chúng tôi tận mắt chứng kiến trong suốt thời gian tập bài. Nhìn những khuôn mặt sĩ quan, thủy thủ tàu Lý Thái Tổ còn rất trẻ khi đứng trước màn hình điều khiển hiện đại, hay kiêu hãnh đứng bên họng súng tổ hợp phòng không; sẵn sàng đối phó với kẻ thủ khiến chúng tôi thầm cảm phục. Họ đã bắt nhịp được khoa học công nghệ quân sự hiện đại và dần làm chủ nó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thân yêu.

Theo Quân đội nhân dân

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.