Tập đoàn Tân Mai của đại gia Lê Thành 'ôm' hàng loạt dự án BĐS

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tập đoàn Tân Mai sở hữu quỹ đất rừng hàng nghìn hecta, khi quản lý 30.846ha đất rừng ở Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và hàng triệu m2 đất nhà máy giấy ở Kon Tum, Đồng Nai, Bình Dương. Bên cạnh đó, Giấy Tân Mai còn có nhiều dự án bất động sản rải rác khắp các tỉnh thành.

"Ôm" hàng loạt dự án

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai vừa công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn tới hết 28/2/2021. Theo đó, Tân Mai Group (địa chỉ tại đường số 11, KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa, Đồng Nai) đang nợ hơn 36,87 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế hoá đơn. Số thuế Tân Mai Group đang nợ tăng hơn 6 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020. 

Đáng nói, Tân Mai Group lại có lợi thế sở hữu nhiều lô đất tại các địa phương. Cụ thể, Tân Mai Group đang sở hữu và quản lý 30.846,22 ha đất rừng ở Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai ngoài ra còn hàng triệu m2 đất nhà máy giấy ở Kon Tum, Đồng Nai, Bình Dương.

Tập đoàn Tân Mai của đại gia Lê Thành 'ôm' hàng loạt dự án BĐS ảnh 1 Tập đoàn Tân Mai sở hữu quỹ đất rừng hàng nghìn hecta.

Đáng chú ý, ngoài đất lâm nghiệp, Tập đoàn này còn tham gia vào mảng bất động sản nhà ở. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều chưa nên hình hài hoặc dưới dạng góp vốn với doanh nghiệp khác.

Cụ thể, dự án khu logistics có diện tích 348.314m2 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của Tân Mai Group từng bị nhà đầu tư đề nghị hủy thỏa thuận hợp tác. Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện phát sinh quá nhiều khó khăn bởi thủ tục pháp lý phức tạp và kéo dài.

Mới đây nhất, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng về nội dung đề nghị đầu tư dự án khu Trung tâm thương mại dịch vụ dân cư tại phường Thống Nhất, TP Biên Hòa.

Trước đây, thực hiện theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, UBND tỉnh đã hỗ trợ thỏa thuận địa điểm cho Công ty CP Tập đoàn Tân Mai và sau đó là Công ty CP Bất động sản Tân Mai lập thủ tục đầu tư dự án theo quy hoạch góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Sau đó, Công ty CP Bất động sản Tân Mai nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án, trước vướng mắc chưa có quyết định xử lý nội dung này, UBND tỉnh đã có Công văn số 5594/UBND-KTN ngày 19/5/2020 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn giải quyết. Tuy nhiên, UBND tỉnh chưa nhận được hướng dẫn. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Tập đoàn Tân Mai có văn bản báo cáo cụ thể quá trình thực hiện dự án trước đây, nêu rõ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để UBND tỉnh có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Giai đoạn 2016-2017, Tân Mai Group góp 3 khu đất rộng hàng trăm nghìn mét vuông từng là nhà máy tại Đồng Nai và Bình Dương để lập các doanh nghiệp bất động sản, sau đó chuyển nhượng lại cho chính các cổ đông trong liên danh.

Cụ thể, khu đất rộng hơn 142.600m2 tại phường Thống Nhất (TP.Biên Hoà, Đồng Nai), được Tân Mai Group sử dụng quyền sử dụng phần đất rộng hơn 87.355m2 để góp vốn lập Công ty CP Bất động sản Tân Mai, với giá trị 150 tỷ đồng (tương đương 30% vốn góp). Phần diện tích còn lại tại lô đất này rộng hơn 55.307m2 được tập đoàn chuyển nhượng lại cho chính công ty bất động sản mới thành lập thu về hơn 104 tỷ đồng.

Tháng 10/2017, Tân Mai Group tiếp tục bán 50/150 tỷ đồng cổ phần tại Công ty CP Bất động sản Tân Mai cho đối tác trong liên danh (chỉ giữ lại 100 tỷ đồng vốn góp). Trong đó, Tân Mai Group bán cho Công ty CP Thương mại Sản xuất Dịch vụ Hưng Thịnh số cổ phần tương đương 20 tỷ đồng, bán cho ông Bùi Hoàng Lợi số cổ phần tương đương 30 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Tân Mai Group có nhiều hoạt động hợp tác với hệ sinh thái của Kim Oanh Group của bà Đặng Thị Kim Oanh. Cụ thể, ngày 6/10/2016, Tân Mai Group đã ký kết 2 hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi để khai thác các quỹ đất tại Đồng Nai (bao gồm 182.977,3 m2 đất tại KCN Biên Hòa 1 và 7.485,3 m2 đất thuộc thửa đất số 4A, tở bản đồ số 46/BĐĐC) và Bình Dương (66.554,4 m2 đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL557867 do UBND tỉnh Bình Dương cấp ngày 14/1/2008).

Trong đó, Tân Mai Group góp 30% vốn bằng quỹ đất, với giá trị được 2 bên xác nhận là 351,567 tỷ đồng (quỹ đất tại Đồng Nai là 286 tỷ đồng, quỹ đất tại Bình Dương là 65,567 tỷ đồng). Thuận Lợi góp vốn bằng tiền ở giai đoạn thành lập công ty cổ phần và bổ sung vốn điều lệ để thực hiện dự án.

Được biết, Tân Mai Group và Thuận Lợi đã góp vốn thành lập Công ty CP Tân Thuận Bình Dương (ngày 21/4/2016) và Công ty CP Tân Thuận Đồng Nai (ngày 5/4/2017) để thực hiện các dự án ở 2 địa phương nêu trên.

Thua lỗ triền miên

Đến nay, Tập đoàn Tân Mai chỉ công khai báo cáo tài chính tới năm 2019 nhưng tình hình kinh doanh của Tân Mai không mấy khả quan khi liên tiếp thua lỗ. Năm 2018, Tân Mai Group lỗ gần 12 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 300 tỷ đồng vào cuối năm 2018.

Khoản lỗ lũy kế giảm đáng kể khi trong năm 2017 doanh nghiệp này ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường hơn 400 tỷ đồng từ việc miễn giảm lãi vay và chuyển nhượng dự án bất động sản.

Tập đoàn Tân Mai của đại gia Lê Thành 'ôm' hàng loạt dự án BĐS ảnh 2 Tập đoàn Tân Mai còn tham gia vào mảng bất động sản nhà ở. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều chưa nên hình hài hoặc dưới dạng góp vốn với doanh nghiệp khác.
Trong năm 2019, Tân Mai Group lỗ trước thuế hơn 15 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 12,5 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2019, Tân Mai Group nợ hơn 7.840 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 890 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tân Mai còn có 8 khoản vay quá hạn với tổng nợ gốc hơn 2.000 tỷ đồng, tiền lãi hơn 3.000 tỷ đồng, trong khi tiền mặt và khoản tương đương tiền chỉ hơn 43,1 tỷ đồng.

Do đó, không ngạc nhiên khi Tân Mai Group đã được xướng tên trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà cơ quan thuế công bố từ năm 2015 tới nay. Cụ thể, năm 2019, đơn vị này nợ khoảng 32 tỷ đồng; năm 2018 nợ trên 60 tỷ đồng, tháng 6/2017 nợ trên 47 tỷ đồng; tháng 12/2016 nợ hơn 51 tỷ đồng; tháng 12/2015 nợ trên 63,7 tỷ đồng. Trong đó, thời điểm nợ thuế nhiều nhất là tháng 6/2018, với 77,18 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thực hiện cưỡng chế hoá đơn để thu thuế từ năm 2015 tới nay.

Đáng chú ý, trong danh sách doanh nghiệp tại Đồng Nai còn nợ thuế có tên các công ty tham gia liên danh với Tân Mai Group để phát triển các dự án bất động sản, như: Công ty CP Tập đoàn địa ốc Kim Oanh nợ thuế hơn 18 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ - Thương mại và Xây dựng địa ốc Kim Oanh nợ hơn 15,9 tỷ đồng; Công ty TNHH Thuận lợi Hưng thịnh nợ hơn 8,8 tỷ đồng.

Cuối 2019, đại gia Lê Thành mua lại hơn 55 triệu cổ phần của Tân Mai Group, trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 61,47% của Tân Mai Group. Số cổ phần còn lại do Tổng Công ty Giấy Việt Nam nắm giữ 22,73%; Nhà xuất bản Giáo dục nắm giữ 8,1% và cổ đông khác nắm giữ 7,43%.

Tháng 1/2020, ông Lê Thành được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị thay ông Trần Đức Thịnh. Sau đó, ông Lê Thành cũng lần lượt giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật tại loạt công ty con thuộc hệ sinh thái của Tân Mai Group, gồm Công ty CP Tân Mai miền Trung, Công ty CP Tân Mai Lâm Đồng, Công ty CP Tân Mai Tây Nguyên và Công ty CP Tân Mai miền Đông.

Trong bản cung cấp thông tin gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Thành khai, mình còn là Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, ông Thành còn có loạt pháp nhân tên tuổi khác như Công ty CP Codona Thế kỷ 21, Công ty TNHH Organic Life Công ty CP Đầu tư Nông Trường Xanh, Công ty CP Đầu tư Kết nối xanh (Green Connection Invest), Công ty CP Đầu tư Nhà quản lý (Manager Invest). Ông Thành cũng tham gia vào ban lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn như Lavifood, Đầu tư Tân Thành Long An.

Tân Mai Group có 2 dự án đã bị thu hồi giấy phép đầu tư do chậm triển khai. Dự án nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi, với chi phí xây dựng dở dang ghi nhận đến tháng 9/2019 là hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 4/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi giấy phép đầu tư do dự án chậm tiến độ. Tương tự, Dự án nhà máy giấy Tân Mai Lâm Đồng (Cụm Công nghiệp Đạ Oai, Lâm Đồng), tháng 1/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, do nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính để tiếp tục triển khai dự án.
MỚI - NÓNG