Giải pháp kỹ thuật đột phá
Theo đại diện Tập đoàn Hòa Bình, ngày 30/8/2023, Tập đoàn đã thành lập Ban quản lý Dự án đường mẫu đường cao tốc Bắc Nam. Sau 81 ngày vừa khảo sát, thiết kế, thi công, doanh nghiệp đã hoàn thành xong 2 tuyến đường mẫu:
(1) Đường cao tốc đồng bằng và vùng núi;
(2) Đường cao tốc trên nền đất yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đường mẫu được xây dựng theo phương pháp hiện đại nhất, tiết kiệm nhất của Trung tâm thiết kế, thí nghiệm và thử nghiệm của Tập đoàn Hòa Bình.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình tại buổi thử tải đường cao tốc mẫu |
Đường cao tốc chịu lực trên các cọc ly tâm và bê tông cốt thép mác 800, đường kính ø 300mm, tải trọng đầu cọc 100 tấn/cọc; Hệ khung, dầm bê tông cốt thép dày 600mm; Sàn bê tông, cốt thép dày 410mm; Nhựa đường 8cm; nhựa chặt ø 16mm; 8 cm nhựa Polyme, 2,2 cm nhựa tạo nhám.
Nền đường không đất kiểu tấm cọc được sử dụng trong dự án là một kết cấu xây dựng nền đường rỗng cứng mới bao gồm "cọc" và "tấm". Tấm đúc sẵn được cố kết với các cọc cầu và kết cấu phụ cột thông qua việc đúc sau. So với nền đường truyền thống, nền đường kết cấu cọc có độ cứng cao hơn và độ lún nhỏ hơn, đồng thời không yêu cầu chiều rộng phân loại cần thiết trong quá trình thi công nền đường truyền thống.
Kỹ thuật này cải thiện đáng kể việc sử dụng đất và giải quyết hiệu quả các vấn đề gặp phải khi xây dựng đường cao tốc ở vùng đồng bằng như đất sẵn có, khó lấy đất, khó xử lý nền đất yếu trên ruộng lúa ao. Đồng thời, các "cọc" và "tấm" của nền đường không đất đều được đúc sẵn tập trung tại các địa điểm đúc sẵn tiêu chuẩn hóa bằng phương pháp lắp ráp và đúc sẵn tại nhà máy, rút ngắn đáng kể chu trình xây dựng dự án, cải thiện chất lượng dự án và tiết kiệm chi phí xây dựng. Phương pháp này có ý nghĩa rất lớn trong việc tích cực đẩy mạnh sản xuất nhà xưởng, lắp đặt lắp ráp và thi công chuyên nghiệp.
Đường mẫu nằm trên cao cách khỏi mặt đất từ 50cm – 5 m; không bị ngập úng và vĩnh cửu với thời gian. Tốc độ lưu thông của xe từ 120 km/h trở lên; đường được làm theo tiêu chuẩn Q A A 4.0. Đây là tiêu chuẩn đường cao tốc Autobahn của Đức (Đường cao tốc không giới hạn tốc độ).
Theo nhóm nghiên cứu của Tập đoàn Hòa Bình, thực tế thi công nhiều tuyến cao tốc vừa qua bộc lộ nhiều bất cập về kỹ thuật và phương pháp xây dựng. Nhiều tuyến đường ngay cả nhà thầu nước ngoài cũng bị xuống cấp, bị lún nhanh và nhiều hơn hơn so với dự kiến dẫn đến lãng phí rất lớn kinh phí khắc phục và ảnh hướng xấu đến việc vận hành giao thông...
Nhiều chuyên gia tham dự Lễ khánh thành |
Sẵn sàng tham gia các dự án giao thông lớn
Theo ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, Tập đoàn này đã hoàn thành xong 2 tuyến đường mẫu: Đường cao tốc đồng bằng và vùng núi; Đường cao tốc trên nền đất yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hai đoạn đường này đã thử tải tĩnh và tải động để sẵn sàng đưa vào sử dụng và thi công đường cao tốc Bắc – Nam.
"Hai đoạn đường này được khảo sát, thiết kế và thi công hoàn toàn do các kiến trúc sư, kỹ sư Việt Nam thực hiện và có mời tham gia kỹ sư cầu đường Quảng Tây - Trung Quốc, có tham khảo thêm các chuyên gia đường cao tốc của các nước như: Đức, Mỹ và Nhật Bản. Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia các nước thì các kiến trúc sư, kỹ sư của Công ty Hòa Bình đã thiết kế và thi công đường cao tốc Bắc Nam và đường cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long với tiêu chuẩn hiện đại, thân thiện với môi trường và vĩnh cửu với thời gian", ông Đường nói
"Đường cao tốc này thuộc hàng tốt nhất thế giới, các đoạn đường này có giá thành chỉ bằng 2/3 đường cao tốc của thế giới. Hiện nay giá làm đường cao tốc của Việt Nam quá cao và tuổi thọ thì thuộc diện thấp nhất thế giới”, ông Nguyễn Hữu Đường, chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình khẳng định.
Thủ tải đường cao tốc mẫu |
Ông Nguyễn Hữu Đường trình bầy phương án và kỹ thuật thi công mới |
Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Đề án làm đường cao tốc của ông Nguyễn Hữu Đường nghiên cứu kỹ thuật rất cẩn thận, tiêu chuẩn về 2 loại đường của Đức, đường trên nền cứng và nền đất yếu, đây là tiêu chuẩn AA4.0 của Đức. TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL có tốc độ lún rất nhanh, khi nước biển tràn vào thì cả nền đất sẽ bị lún xuống, vì vậy đây là tiêu chuẩn không chỉ áp dụng cho ĐBSCL mà còn áp dụng cho toàn bộ miền Đông miền Nam có nền đất yếu.
"Đây có thể coi là đường trên cao, sẽ không lấy đất làm nền mà sẽ lấy cọc làm nền, giả định nếu có bị lún thì sẽ không bị ảnh hưởng, và kỹ thuật này phù hợp để áp dụng cho những khu vực có nền đất lún", ông Nghĩa nói.
Theo nhận định của ông Nghĩa, với ứng dụng này thì Bộ GTVT, cục đường bộ sẽ quan tâm, họ sẽ đưa những quy chuẩn trên nên đất yếu, đây sẽ là tham khảo thực địa vô cùng bổ ích đối với các nhà hoạch định chính sách và những người đang xây dựng cho các loại đường như thế này.