Giàn khai thác mỏ Rạng Đông |
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng
Kể từ đầu năm tới nay, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng suy giảm, sản xuất bị thu hẹp. Trong nước, mặc dù tình hình kinh tế có nhiều điểm sáng với triển vọng lạc quan hơn, tuy nhiên vẫn gặp khó khăn khi thực hiện song song hai mục tiêu vừa phục hồi, tăng trưởng kinh tế vừa kiểm soát lạm phát. Cùng với đó, giá năng lượng diễn biến khó lường, nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm sút, huy động khí cho điện tiếp tục ở mức thấp hơn so với kế hoạch ảnh hưởng đến hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).
Trước bối cảnh trên, với nỗ lực triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp, kịp thời ứng phó trước các biến động địa chính trị, kinh tế, tận dụng hiệu quả chuỗi giá trị, hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam tiếp tục được duy trì ổn định tại tất cả các lĩnh vực. Công tác quản trị sản lượng khai thác đã được áp dụng đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các giải pháp/biện pháp kỹ thuật gia tăng sản lượng. Duy trì nhịp độ khai thác với hệ số thời gian cao, kết quả khai thác dầu thô đã vượt 23% kế hoạch 8 tháng và bằng 84% kế hoạch năm 2022.
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 vừa khánh thành và hoạt động ổn định |
Trong 8 tháng đầu năm, Petrovietnam sản xuất cung ứng ra thị trường trong nước 1,22 triệu tấn đạm Urê, vượt 10% kế hoạch và bằng 72% kế hoạch năm. Tập đoàn sản xuất 4,56 triệu tấn xăng dầu (không bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), vượt 8% kế hoạch 8 tháng và bằng 74% kế hoạch năm, đáp ứng được nhu cầu trong nước. Tổng nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 90,6 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022 và tăng 45% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch năm 2022 trước 6 tháng). Cùng với chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước, Petrovietnam cũng đã về đích các chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tập đoàn.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng của Tập đoàn là tiếp tục giữ vững, phát huy vị trí, vai trò cũng như sứ mệnh trong đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển của đất nước, đóng góp tích cực vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong đó, các đơn vị cần tiếp tục rà soát khối lượng công việc trong những tháng cuối năm 2022 và những năm còn lại trong kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách một cách có hiệu quả. Với nhiều lợi thế của Tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là ngành NLTT ngoài khơi, Chủ tịch Hoàng Quốc Vượng đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để đi đầu và làm chủ trong lĩnh vực này.
Theo Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, tại buổi làm việc vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo bộ ngành ghi nhận, đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng chỉ đạo toàn Tập đoàn quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: đảm bảo không để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu phục vụ cho đất nước. Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách cho sự phát triển của Ngành, đặc biệt là Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); tập trung nghiên cứu đề án làm chủ NLTT ngoài khơi.
“Petrovietnam tiếp tục giữ vững, phát huy vị trí, vai trò cũng như sứ mệnh trong đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển của đất nước, đóng góp tích cực vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng
Hối hả cho những dự án trọng điểm cán đích
Năm 2022 đánh dấu bước ngoặt của Petrovietnam khi nhiều dự án lớn hoàn thành và sắp hoàn thành. Tiêu biểu như ngày 16/7, với vai trò chủ đầu tư, Petrovietnam tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (Hậu Giang). Nhà máy gồm 2 tổ máy, tổng công suất 1.200 MW, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại. Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD), khởi công tháng 5/2015, đã hoàn thiện thủ tục liên quan, được công nhận và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/5/2022.
Đến nay nhà máy đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 2 tỷ kWh (bao gồm cả sản lượng điện trong giai đoạn chạy thử nghiệm thu). Nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,3 tỷ kWh/năm, góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ tải của khu vực Tây Nam Bộ và cả nước.
Nhà máy Đạm Cà Mau vừa hoàn thành tốt Bảo dưỡng tổng thể năm 2022 |
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 hoàn thành bảo đảm chất lượng và an toàn là tiền đề quan trọng cho việc triển khai các dự án điện tiếp theo của PVN cũng như chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, trong đó có lĩnh vực điện. Ngoài ra, là cơ sở quan trọng để đánh dấu sự thành công vượt bậc của các nhà thầu Việt Nam trong việc phát huy nội lực, đảm đương tổng thầu cho các nhà máy điện có quy mô công suất lớn.
Hiện tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của PVN là 5.405 MW, chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống điện quốc gia. Kết quả này khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của Petrovietnam với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Là một trong những dự án nhà máy nhiệt điện lớn nhất cả nước, ngày 27/8, NMNĐ Thái Bình 2 hoàn thành đốt dầu lần đầu Tổ máy số 2, tiến tới hoàn thành các mục tiêu theo mốc tiến độ đề ra. Đến nay, dự án chỉ còn gần 100 ngày đến hạn hoàn thành. Mỗi ngày, trên công trường dự án có hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động dồn hết tâm sức để vượt qua những thách thức đưa nhà máy vào vận hành thương mại an toàn, hiệu quả.
Trong chuyến kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 gần đây nhất, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, dấu mốc quan trọng của nhà máy như chạy thử khẳng định chất lượng thiết bị, công tác lắp đặt và khả năng tổ chức lại những dự án khó khăn của Petrovietnam. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho sự thành công của nhà máy vào cuối năm nay.
Dự kiến, khi hoàn thành, hằng năm, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có thể đóng góp cho đất nước hơn 7,2 tỷ kWh điện thương phẩm.