Tập đoàn Daewoo sẽ thâu tóm siêu dự án bất động sản?

Tập đoàn Daewoo sẽ thâu tóm siêu dự án bất động sản?
TP - Dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây được cho là có đẳng cấp nhất Hà Nội. Nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc đã được cấp phép từ tháng 2-2006 với diện tích hơn 200 ha nằm ngay sát hồ Tây nhưng nhiều năm qua đất vàng vẫn bỏ hoang. Năm nhà đầu tư bây giờ mới rục rịch sáp nhập.

Đất vàng ngút cỏ

Khác xa với những bản vẽ quy hoạch, mô hình dự án hoành tráng được trưng bày hay giới thiệu tại nhiều nơi, đến thực địa tại vị trí cấp phép xây dựng khu đô thị mới Tây Hồ Tây, chúng tôi vẫn chứng kiến cảnh hoang tàn tại đây. Từ đường Phạm Văn Đồng vào khu đô thị, cỏ hoang mọc bời bời, từng đàn trâu bò đi ngang gặm cỏ.

Chị Vương Thị Hoa trú tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm cho biết, bị yêu cầu ngừng sản xuất nông nghiệp từ năm 2008 nhưng đến nay đất vẫn bị bỏ hoang. “Tôi nhìn đất bỏ hoang hết năm này qua năm khác mà thấy xót nên tranh thủ trồng ít rau muống bán kiếm thêm tiền cho hai cháu ăn học”-chị Hoa nói.

Nhiều người dân xã Xuân Đỉnh phản ánh, dự án triển khai quá chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ. Ngừng trồng cấy từ năm 2008, nhưng mãi đến 3 năm sau, dân ở đây mới nhận được tiền bồi thường.

UBND xã Xuân Đỉnh cho hay, trong hơn 100 ha thuộc địa bàn xã Xuân Đỉnh bị thu hồi để thực hiện dự án đến nay, vẫn còn tới gần 100 hộ dân chưa hoàn tất thủ tục về đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Không chỉ riêng ở xã Xuân Đỉnh, mà ngay cả tại xã Cổ Nhuế tình trạng GPMB cũng vướng mắc.

Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội cho hay, chậm giải phóng mặt bằng có nhiều nguyên nhân. Điển hình là tiến độ thanh toán của chủ đầu tư về hạ tầng cho thành phố còn chậm. Mặt khác, theo hồ sơ gốc thì một phần diện tích thu hồi là đất mương nhưng trước đây HTX Nông nghiệp Xuân Đỉnh lại chia đất nông nghiệp cho nhiều hộ vào diện tích này. Do vậy người dân đòi đền bù theo đất nông nghiệp gấp nhiều lần mức đền bù đất kênh mương!

Một vướng mắc khác, trước đây UBND xã Xuân Đỉnh cho nhiều người thuê đất đào ao thả cá. Theo quyết định của huyện Từ Liêm thì mức đền bù diện này không quá 80 triệu đồng/hộ, nhưng với những hộ thuê hàng hécta đất thì mức đền bù này thấp quá... “Nhiều tồn tại trong quá trình quản lý đất đai để lại không dễ giải quyết”- đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội nói.

Tập đoàn Daewoo sẽ mua lại

Ông Trần Đức Vũ - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết: Nguyên nhân khiến dự án chậm đến 6 năm thì có nhiều. Phía các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn bày tỏ quyết tâm thực hiện khu đô thị đang tái cơ cấu lại và đề nghị điều chỉnh giấy phép đầu tư.

Trước đây dự án do 5 tập đoàn của Hàn Quốc (trong đó có Tập đoàn Daewoo) cùng thực hiện trên cơ sở hình thành 1 công ty cổ phần. Nay 4 cổ đông sẽ bán lại vốn và quyền lợi của mình cho Tập đoàn Daewoo và rút ra khỏi dự án. Như vậy tương lai dự án sẽ chỉ còn một ông chủ, không phải là 5 ông như trước đây.

“Theo mô hình hoạt động cũ, đành rằng dự án này có văn phòng điều hành chung nhưng đằng sau vẫn có chuyện này chuyện nọ, nhiều khi giải quyết một việc vẫn phải xin ý kiến cả 5 ông thành ra khó thực hiện dự án. Thứ hai là tiến độ thực hiện nghĩa vụ tài chính đóng góp xây dựng 4 tuyến đường vào khu đô thị cũng bị chậm nên thành phố Hà Nội phải thúc giục nhiều lần”-Ông Vũ nói.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, sau nhiều lần nhắc nhở, chỉ đạo từ UBND thành phố Hà Nội, đến nay cả 4 tuyến đường vào khu đô thị đều đang được triển khai; kinh phí xây tuyến số 4 đã được chủ đầu tư chuyển cho Hà Nội. Tiến độ giải phóng mặt bằng đã khá hơn. “Đây là khu đất vàng còn lại hiếm hoi ở Hà Nội. Cơ cấu lại thì sẽ tốt hơn cho dự án”-đại diện Sở KH&ĐT cho biết.

Cũng theo Sở này, cơ chế trách nhiệm, nghĩa vụ mà Hà Nội và chủ đầu tư bàn với nhau cách đây 5 năm trước thì nay phải bàn lại, vì giá cả thay đổi lớn. Phải ngồi bàn lại, để điều chỉnh theo đúng luật hiện hành. Hiện nay phía chủ đầu tư đề nghị thành phố cho phép điều chỉnh lại doanh nghiệp. Theo kế hoạch thì ngay trong quý I-2011 nhà đầu tư phải trình thành phố phương án chuyển đổi. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ

Không biết những dùng dằng trong dự án này bao giờ mới kết thúc. Tuy nhiên những thiệt hại từ việc bỏ hoang đất và những hệ luỵ khác đang cần được nhiều vị lãnh đạo không chỉ riêng thành phố Hà Nội quan tâm giải quyết.

Dự án Khu đô thị này nằm phía Tây Hồ Tây thuộc phường Xuân La (Tây Hồ), Nghĩa Đô (Cầu Giấy) xã Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế (Từ Liêm). Theo kế hoạch, sẽ GPMB xong vào năm 2009 và hoàn tất xây dựng hạ tầng và công trình cao tầng năm 2011. Tuy nhiên, ngay cả kế hoạch khởi công dự án vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long cũng không thành hiện thực...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.