Tạo ổn định để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nhân dịp tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Indonesia tháng 4/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nhân dịp tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Indonesia tháng 4/2021
TP - Đất nước ta đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới với mục tiêu hiện thực hóa khát vọng Việt Nam 2030-2045, nhằm trở thành quốc gia thịnh vượng và tiên tiến trên thế giới. Nhiệm vụ của ngành ngoại giao là tạo môi trường hoà bình, ổn định để thực hiện mục tiêu đó, nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.

Nhân dịp Hội nghị ngoại giao (HNNG) lần thứ 31, Hội nghị ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 và Hội nghị đối ngoại toàn quốc diễn ra từ ngày 10-18/12 tại Hà Nội, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh về bối cảnh và nhiệm vụ mà ngành ngoại giao Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới.

HNNG31 diễn ra trong năm đầu tiên cả nước quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13. Xin ông cho biết ý nghĩa của hội nghị lần này?

Ông Phạm Quang Vinh:Đại hội Đảng lần thứ 13 (ĐH 13) đã thông qua những nội dung quan trọng về đối ngoại, nhấn mạnh việc “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”… Đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới với khát vọng Việt Nam 2030-2045, để đưa nước ta trở thành quốc gia thịnh vượng và tiên tiến trên thế giới. ĐH 13 giao nhiệm vụ cho ngoại giao phải tạo ra môi trường thuận lợi cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Môi trường xung quanh phải thuận lợi, phải hòa bình, ổn định, phải giúp cho sự phát triển của đất nước. ĐH 13 cũng nói rằng, ngoại giao, đối ngoại phải thúc đẩy hội nhập toàn diện và sâu rộng, chất lượng cao hơn; nâng cao vị thế của Việt Nam, đóng góp một cách có trách nhiệm, tham gia xây dựng luật chơi của thế giới theo hướng vừa phù hợp với luật pháp quốc tế, vừa phù hợp với lợi ích của Việt Nam.

Tóm lại, trọng tâm của HNNG 31 lần này là triển khai đường lối mà ĐH 13 nêu ra trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, trước hết phải phát huy vai trò tiên phong, phục vụ mục tiêu phát triển 2030-2045; tạo ra môi trường hòa bình, phát triển cho đất nước; phục vụ mục tiêu hội nhập sâu rộng hơn, toàn diện hơn để Việt Nam có thể tham gia vào phân công lao động quốc tế và chuỗi giá trị cao hơn, phục vụ phát triển tốt hơn; đóng góp có trách nhiệm, hiệu quả vào hoạt động chung của thế giới, cả về an ninh, ứng phó với thách thức truyền thống và phi truyền thống, vừa tạo được vị thế cho Việt Nam, vừa đóng góp cho luật chơi của thế giới, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tạo ổn định để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam ảnh 1

“Đừng để một ai ỷ mạnh, đừng để một ai cậy mình có thế nước lớn, có sức mạnh để xâm phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước khác”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh

Cơ hội mới từ những thách thức

Với những nhiệm vụ như vậy, những thời cơ và thách thức gì đang chờ Việt Nam trong thời gian tới, theo ông?

Có thể thấy thuận lợi và thách thức đan xen, nhưng có lẽ thuận lợi nhiều hơn. Trước hết là vị thế của Việt Nam. Thời gian qua, sự phát triển của Việt Nam đi cùng hòa bình, ổn định. Khi cả thế giới phải đối mặt những thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, Việt Nam ứng phó hiệu quả. Sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Năm ngoái Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, năm nay tiếp tục nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Năm nay Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn đi các nước và đón nhiều đoàn vào thăm, cho thấy các nước đều coi trọng ta. Việc Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định và hội nhập sâu rộng đã tạo ra vị thế mới cho chúng ta trong tham gia công việc quốc tế. Xu hướng chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương này vẫn là hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Vai trò của ASEAN vẫn được đề cao và coi trọng.

Về thách thức, câu chuyện cạnh tranh nước lớn đặt ra nhiều vấn đề mà các nước phải xử lý. Cạnh tranh Mỹ - Trung có buộc các nước nhỏ phải chọn bên hay không? Có đẩy các nước nhỏ rơi vào bẫy cạnh tranh hay không? Liệu những cạnh tranh này có vượt quá tầm kiểm soát để ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh, hợp tác ở khu vực hay không? Bên cạnh đó, đại dịch cũng đặt ra cho các nước câu hỏi liệu có thể kiểm soát được dịch bệnh để ổn định và phát triển hay không? Nhiều thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng cấp bách hơn, như biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trong những chuyển biến sâu sắc đó vẫn xuất hiện những cơ hội mới. Các nước lớn cạnh tranh với nhau nhưng họ vẫn cần vai trò của các nước khác. Mỹ - Trung đều cần và coi trọng vai trò của ASEAN. Việt Nam quan hệ tốt với các nước có vai trò quan trọng trong ASEAN, vì thế Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Úc đều cần Việt Nam. Đó là vị thế mà Việt Nam đã làm được. Vấn đề là làm sao phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực khi các nước lớn cạnh tranh nhưng vẫn cần đến ASEAN? Đó là cái mà HNNG 31 phải xử lý, để không tuột mất cơ hội, hoặc để cơ hội biến thành thách thức.

Cạnh tranh nước lớn cũng dẫn đến nhu cầu chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra cơ hội mới. Nếu chuẩn bị tốt, ta có thể tranh thủ được xu thế đó, nhất là những chuỗi cung ứng cao và bền vững.

Tập hợp lực lượng mới

Sự ra đời của liên minh AUKUS hay Bộ tứ mở rộng vai trò có thể làm mờ vai trò của ASEAN, từ đó có thể gây bất lợi cho Việt Nam. Ý kiến của ông như thế nào?

ASEAN có thể kết nối với tất cả các đối tác quan trọng trong và ngoài khu vực. Duy nhất ASEAN tạo ra những diễn đàn hợp tác để thu hút tất cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc... ASEAN tạo ra được khuôn khổ để thúc đẩy nghị sự hợp tác trên tất cả lĩnh vực, từ an ninh, phát triển, hòa bình, ổn định đến kinh tế, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh...Chính ASEAN mang lại lợi ích cho các nước lớn để họ cạnh tranh với nhau nhưng vẫn hợp tác với ASEAN, hợp tác với những khuôn khổ do ASEAN dẫn dắt.

Cạnh tranh nước lớn tạo ra những tập hợp khu vực mới. Điều này không phải mới đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trước khi có AUKUS và Bộ tứ thì đã tồn tại Ngũ nhãn, ANZUS (Hiệp ước quân sự Úc-New Zealand)...Cạnh tranh nước lớn hình thành tập hợp lực lượng mới, nhưng họ vẫn phải đề cao mục tiêu chung của khu vực. Đó là duy trì hòa bình, ổn định, trật tự dựa trên luật lệ. Những điều đó cũng song trùng với mục tiêu của ASEAN.

Bộ tứ không nói hẳn là họ nhằm vào Trung Quốc mà đang mở rộng phạm vi hoạt động. Hai hội nghị thượng đỉnh của Bộ tứ năm 2021 cho thấy họ sẽ mở rộng phạm vi hoạt động, như sản xuất vắc xin và phòng chống dịch bệnh, chống biến đổi khí hậu, bảo đảm tính bền vững của chuỗi cung ứng,bên cạnh vấn đề bảo đảm an ninh hàng hải và chiến lược. Vai trò của ASEAN là không thể thay thế. Những tổ chức khu vực khác không thể bao quát toàn bộ châu Á-Thái Bình Dương. Họ sẽ có những cái song trùng với ASEAN trong những lĩnh vực hợp tác và những mục tiêu hướng đến, như trật tự dựa trên luật lệ, biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh…Những thành viên của AUKUS hay Bộ tứ đều là đối tác của ASEAN, đều thể hiện coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN.

Về Biển Đông, các nước lớn ngày càng quan tâm đến khu vực và tình hình trên thực địa ngày càng diễn biến phức tạp. Điều này có tạo ra bất lợi gì cho Việt Nam?

Về Biển Đông, trước hết cần nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, tự do luân chuyển hàng hóa...Để bảo đảm những mục tiêu đó, trước hết phải bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế. An ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không không chỉ liên quan đến các nước có tranh chấp, cả các nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích.

Trong Biển Đông có những chồng lấn chủ quyền, tranh chấp lãnh thổ trên biển. Có tranh chấp nhưng phải giải quyết hòa bình, phải tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Một điều quan trọng là không được làm phức tạp tình hình. Thời gian qua vẫn có những hành vi xâm phạm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia. Cần phải có tiếng nói lên án những hành vi đó.

Vì có tranh chấp như vậy, các nước liên quan không chỉ phải giải quyết hòa bình mà phải kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, và phải xây dựng lòng tin. Một điều rất quan trọng mà ASEAN đã chủ động khởi xướng là thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nay đang thương lượng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, không làm phức tạp tình hình. Các nước quan tâm đến khu vực này thúc đẩy luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp, để các bên phải đề cao hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải. Điều đó đáng hoan nghênh. Nhiều nước đã ra tuyên bố ủng hộ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế vào tháng 7/2016.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
TPO - Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư để xây dựng 8 trạm dừng nghỉ đầu tiên trên cao tốc Bắc - Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam (CTVN) vừa cho biết, các nhà thầu đang khẩn trương thống nhất vị trí, diện tích cụ thể để xây dựng và xong cơ bản các trạm này, phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán.