Theo tính toán của Bộ Công Thương, những người có thu nhập thấp không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá điện. Nhưng thực ra, họ sẽ là một trong những nhóm người bị ảnh hưởng gián tiếp nhiều nhất do chi phí hàng hóa dịch vụ tăng theo. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Người có thu nhập thấp không bị ảnh hưởng trực tiếp
Với sự điều chỉnh này, giá bán điện bình quân năm 2010 là 1.058 đồng/kWh.
Đối với tác động đến đời sống của người dân, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt dự kiến tăng khoảng 6,8%, sẽ làm tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân năm 2010 khoảng 0,19 - 0,27%.
Để thực hiện chính sách bù giá cho hộ thu nhập thấp, giá điện cho 50kWh đầu tiên vẫn được giữ nguyên, không tăng; vì vậy, tất cả các hộ thuộc diện nghèo và một số lượng lớn số hộ có thu nhập thấp, cán bộ, công nhân viên, người lao động cả ở thành phố và nông thôn sẽ không chịu ảnh hưởng của việc tăng giá điện (khi dùng điện ít hơn 50kWh/tháng).
Đối với các hộ sử dụng điện ở mức đến 100kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm tối đa của các hộ này là khoảng 7.000 đồng/tháng. Các hộ sử dụng tới 200 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm tối đa khoảng 16.000 đồng/tháng, bằng 0,53% thu nhập hàng tháng của một hộ dân có thu nhập trung bình.
Các hộ sử dụng 300 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm vào khoảng 26.000 đồng/tháng còn các hộ sử dụng 400kWh/tháng số tiền phải trả thêm sẽ là 36.500 đồng/tháng.
Đối với các hàng hoá thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu v.v…, thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể.
Tại cuộc họp về việc điều chỉnh giá điện năm 2010 tổ chức sáng nay, Bộ Công Thương cho biết giá bán điện cho các nhóm đối tượng khách hàng sẽ tính theo nguyên tắc xoá bỏ dần bù chéo từ điện sản xuất cho điện sinh hoạt. Giá bán điện bình quân cho các ngành sản xuất tăng 6,3%, thấp hơn mức tăng giá điện bình quân chung.
Giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt bậc thang tăng 6,8%, bằng tỷ lệ tăng giá điện bình quân. Giá bán lẻ điện bình quân cho cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh có tỷ lệ tăng tương ứng là 6,1% và 6,3%.
Theo đánh giá, với tỷ lệ tăng giá điện năm 2010 ở mức 6,8%, số tiền chênh lệch do tăng giá điện trong năm 2010 bằng khoảng 0,30% GDP dự kiến cho năm 2010. Do tăng giá điện, ước tính sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP năm 2010 khoảng 0,34%; trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,16%.
Các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỷ đồng tiền điện
Về tác động đến các ngành sản xuất, theo Bộ Công Thương, dự kiến với giá điện cho sản xuất tăng khoảng 6,3%, năm 2010 các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỷ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2010.
Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao (chiếm 30-40% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân… giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 2,83% - 3,15%%; các ngành cán thép, xi măng giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,20% - 0,69%. Chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành. Như vậy, mức ảnh hưởng của tăng giá điện đến sản xuất là không lớn.
Về ảnh hưởng đến chi tiêu của nhà nước, dự kiến giá bán điện cho khối hành chính sự nghiệp năm 2009 tăng khoảng 6,1%, tổng chi phí tiền điện tăng thêm do tăng giá điện của các cơ quan hành chính sự nghiệp trong năm 2009 khoảng 280 tỷ đồng, bằng khoảng 0,29% tiêu dùng cuối cùng của nhà nước năm 2010.
Cũng theo công bố của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện vẫn là nước có giá điện thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á. Năm 2009, giá điện đươc bán ở mức 5,3 cent/kWh, sau khi tăng giá điện 6,8%, giá bán điện vào khoảng 5,54 cent/kWh thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Indonesia hiện bán với giá 6,77 cent/kWh, Malaysia khoảng 7,6 cent, Philippines 17,52 cent, Singapore 13,07 cent/kWh, Thái Lan 8,5 cent/kWh. |