Tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước

Tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang không ngừng phát triển trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nỗ lực giảm giao dịch tiền mặt đã được hệ thống KBNN triển khai từ sớm theo chủ trương của Chính phủ. Tính đến cuối năm 2020, giao dịch tiền mặt hầu như đã không còn xuất hiện tại KBNN.

Theo thống kê mới nhất của Citigroup và Đại học Imperial College London (Anh) ước tính rằng, thế giới có thể tiết kiệm được 150 tỷ USD mỗi năm bằng việc số hóa 1/4 các thanh toán bằng tiền mặt và séc (Digital money index, 2017). Nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển đã gần như bỏ phương thức thanh toán bằng tiền mặt như Thụy Điển, Anh, Singapore, Đức….

Chuyển sang TTKDTM thì không chỉ người tiêu dùng mà tất cả các bên liên quan đều có lợi. Các hành vi như trốn thuế, rửa tiền và các hoạt động xã hội đen… cũng trở nên khó thực hiện hơn trong một xã hội không sử dụng tiền mặt. Nhờ đó, Nhà nước có thể nâng cao hiệu quả quản lý và thu thuế, đồng thời cũng tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài.

Những năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình TTKDTM trong các ngân hàng, cơ quan, tổ chức và người dân. Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu của Đề án là tạo sự chuyển biến rõ rệt về TTKDTM trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.

Để thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ, KBNN - cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính trực tiếp quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quản lý ngân quỹ, các quỹ tài chính nhà nước và các quỹ khác cũng đã xác định rõ được nhiệm vụ phải quản lý các giao dịch TTKDTM trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Theo đó, thực hiện quản lý công tác thanh toán của KBNN trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, đến năm 2020, về cơ bản, KBNN không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt. TTKDTM qua KBNN có tác dụng rất lớn đối với nền kinh tế nói chung và đối với quản lý quỹ NSNN nói riêng qua đó giúp tập trung nhanh chóng các khoản thu NSNN, chi NSNN kịp thời và trực tiếp đến các đơn vị thụ hưởng, đồng thời hạn chế các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, tiết kiệm chi phí, thúc đẩy sự vận động của hàng hóa, lành mạnh quá trình lưu thông tiền tệ. Vì vậy, việc quản lý thanh toán không dùng tiền mặt để nâng cao tỉ trọng TTKDTM là hết sức cần thiết và cấp bách

Phục vụ 24/7, tạo thuận lợi, khuyến khích nộp NSNN điện tử

Công tác thu NSNN

Trong thời gian qua, KBNN đã mở rộng mạng lưới tài khoản chuyên thu, đẩy mạnh phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN cho các NHTM với nhiều hình thức đa dạng (ủy nhiệm thu thuế, phí, lệ phí, thu phạt VPHC), đặc biệt là việc ủy nhiệm thu bằng tiền mặt; đồng thời, phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các NHTM triển khai dự án hiện đại hóa thu NSNN để chia sẻ dữ liệu thu và tổ chức phối hợp thu NSNN bằng các hình thức điện tử như: Chuyển khoản, internet-banking, mobile-banking, ATM hoặc qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan... và nộp 24/7 để tạo thuận lợi và khuyến khích nộp NSNN bằng phương thức điện tử.

KBNN đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các NHTM, các Trung gian thanh toán, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Cục Quản lý giao thông đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) triển khai thu phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo thuận lợi cho người nộp phạt có thể nộp mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, KBNN đã chủ trì trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN; trong đó, bổ sung quy định về việc nộp tiền vào NSNN theo các phương thức điện tử qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, qua ứng dụng điện tử của các NHTM; nhờ đó, vừa tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho người nộp, vừa tăng cường tính minh bạch trong công tác quản lý thu NSNN; đồng thời, làm giảm số thu NSNN trực tiếp tại KBNN.

Hiện nay, KBNN đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các NHTM hướng dẫn triển khai, tiếp nhận các khoản thu phí, lệ phí giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và các bộ, ngành trung ương từ Cổng thông tin của các tỉnh, thành phố (thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia), qua NHTM và chuyển đến KBNN để nộp trực tiếp vào NSNN hoặc vào tài khoản phí, lệ phí chờ nộp NSNN của cơ quan thu mở tại KBNN; trong đó, làm rõ và chuẩn hóa thông tin phí, lệ phí; xây dựng quy trình nộp, đối chiếu và xử lý sai sót đảm bảo hạch toán kịp thời.

Công tác chi NSNN

KBNN đã xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) để phục vụ chi NSNN; trong đó có 05 DVCTT mức độ 4 phục vụ 5/6 TTHC thuộc lĩnh vực kiểm soát chi NSNN, chiếm hầu hết số lượng hồ sơ giao dịch của KBNN. Đến hết tháng 12/2020, 100% đơn vị sử dụng NSNN thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT đã hoàn thành việc đăng ký và tham gia sử dụng DVCTT với KBNN. Đồng thời, thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công, tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2020 và Quyết định số 683/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 28/04/2020 ban hành Danh mục DVCTT của Bộ Tài chính tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2020, đến cuối tháng 12/2020, KBNN đã tích hợp 07/09 DVCTT mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, vượt 01 chỉ tiêu so với kế hoạch được giao năm 2020. Tỷ lệ lượng giao dịch chi NSNN đi qua DVCTT đạt 98% so với lượng chứng từ chi NSNN qua TABMIS (không bao gồm chứng từ chi khối an ninh quốc phòng). Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có giao dịch với KBNN, đảm bảo minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.

Bên cạnh đó, KBNN phối hợp chặt chẽ với NHNN và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thực hiện nghiêm túc việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng bắt buộc trả lương qua tài khoản. Đến hết tháng 8/2020, số địa bàn bắt buộc thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản là 134 địa bàn. Các địa bàn được lựa chọn để bắt buộc thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản đều là các phường thuộc thành phố/thị xã và các thị trấn, xã thuộc huyện của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điều kiện kinh tế tương đối phát triển, dân cư phân bổ tập trung, dễ dàng tiếp cận với các máy ATM trên địa bàn. Tính đến ngày 31/8/2020, tổng số đơn vị sử dụng NSNN đã thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản là 85.280/90.858 đơn vị (đạt 93,86%); tổng số cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ hợp đồng và các cán bộ khác hưởng lương từ NSNN (không bao gồm quân số của các đơn vị an ninh - quốc phòng) đã thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản là 2.578.643/2.808.940 người (đạt 91,8%). Trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục phối hợp với NHNN rà soát và trình Bộ Tài chính mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc thanh toán cá nhân qua tài khoản tại các địa bàn chưa thuộc diện bắt buộc nhưng trên thực tế đã thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, ứng dụng công nghệ trong thanh toán không dùng tiền mặt

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai công tác thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN còn một số vướng mắc như: Việc lắp đặt POS tại các đơn vị KBNN để phục vụ thu NSNN không thực sự phát huy được hiệu quả như mong muốn; số giao dịch và số tiền thu NSNN qua POS phát sinh không nhiều, thậm chí có đơn vị không phát sinh giao dịch. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc thanh toán cá nhân qua tài khoản của các NHTM hầu hết chỉ đáp ứng nhu cầu tại trung tâm các thành phố, thị xã, thị trấn của các huyện… chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng tại địa bàn các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa; các xã xa trung tâm thành phố, thị trấn. Hệ thống máy ATM đôi khi bị mất điện, lỗi kỹ thuật, tạm ngừng giao dịch, ngoài ra về thực tiễn đòi hỏi phải rà soát các văn bản pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt để tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, tập trung vào các công việc:

Tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý để tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN, trong năm 2021, trình Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN (Thông tư 13) và Thông tư số 136/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 13 về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN theo hướng: Giảm hạn mức chi bằng tiền mặt trong 01 lần giao dịch tại KBNN của các đơn vị sử dụng NSNN; quy định về việc các đơn vị sử dụng NSNN rút tiền mặt từ tài khoản mở tại NHTM nơi đơn vị thuận tiện giao dịch, đồng thời kiến nghị với NHNN sửa Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt, theo đó bổ sung quy định việc ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt của KBNN.

Mở rộng mạng lưới tài khoản chuyên thu của KBNN tại các NHTM cổ phần; phối hợp với các NHTM, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán phát triển các hình thức thu hiện đại qua: QR code, mobile-money, ví điện tử... đặc biệt là thanh toán qua mobile - banking. Đẩy mạnh việc thu phạt VPHC, phí, lệ phí qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Trung tâm hành chính công của các địa phương.

Phối hợp với NHNN chỉ đạo các NHTM cung ứng dịch vụ thanh toán (lắp đặt ATM) tại các địa bàn chưa bắt buộc thanh toán cá nhân qua tài khoản để tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt tại các địa bàn này. Mở rộng triển khai việc thanh toán qua thẻ tín dụng mua hàng; thực hiện kiểm soát, thanh toán tự động đối với các khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ sử dụng trước, thanh toán sau (điện, nước, viễn thông...). Đồng thời, mở rộng phạm vi đối tượng bắt buộc thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản đối với các đối tượng hưởng lương từ nguồn phí để lại, thu sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập (không hưởng lương từ NSNN) và các cá nhân hưởng phụ cấp, trợ cấp hằng tháng từ NSNN.

Những kết quả công tác thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua là tiền đề vững chắc cho việc cải cách mạnh mẽ hơn công tác thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, trong đó nhiệm vụ trong tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế, ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho hệ thống KBNN./.

MỚI - NÓNG