Tăng cường bảo vệ hành lang lưới điện cao thế

Tăng cường bảo vệ hành lang lưới điện cao thế
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Truyền tải điện Quốc gia (EVN-NPT) cho rằng, nên đưa các đường dây cao áp và trạm biến áp 220kV và 500kV vào diện công trình an ninh quốc gia và giao cho UBND tỉnh, thành phố, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) cao áp tại địa phương đó.

> Đảm bảo an toàn lưới điện: Không thể lơ là
> Không lo thiếu điện khi ngừng cấp khí Nam Côn Sơn

Vi phạm gia tăng

Ông có thể cho biết, tình hình vi phạm HLATLĐ đang diễn ra thế nào?

Thời gian gần đây, tình hình vi phạm HLATLĐ gây sự cố có chiều hướng gia tăng, diễn ra phức tạp, đa dạng về hình thức và đối tượng vi phạm. Điển hình là các vụ sự cố vi phạm an toàn lưới điện cao áp, đoạn đường dây 500kV Di Linh - Tân Định chiều 22/5 dẫn đến sự cố gây mất điện 22 tỉnh, thành phía Nam gần 10 giờ đồng hồ do xe cẩu cây có chiều dài chạm vào đường dây.

Trước đó, ngày 20/1/2013, đường dây 500kV đoạn Nho Quan- Hà Tĩnh do Truyền tải Điện Hà Tĩnh quản lý cũng bị sự cố gây gián đoạn cung cấp điện, do một chiếc máy xúc đi dưới đường dây vi phạm khoảng cách an toàn.

Cách đây hơn 1 năm, tàu Bạch Đằng đã làm đứt một mạch cáp ngầm 220kV của đường dây cấp điện từ nhà máy điện Hải Phòng đi trạm Đình Vũ, gây thiệt hại lớn, đến nay vẫn chưa khôi phục lại được. Sự cố đường dây 500kV xẩy ra vào lúc 10h ngày 5/6/2013 đoạn đi qua địa bàn xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) làm 2 học sinh bị trọng thương, vào thời điểm nói trên, 2 em Trần Đức Phát 13 tuổi và Lê Ngọc Đức 17 tuổi, thường trú ở xã Cẩm Thịnh đã cùng nhau trèo lên cột điện cao áp dùng sào chọc tổ chim.

Do thiếu hiểu biết, vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện đường dây cao áp đã phóng điện làm 2 em bị trọng thương, trong đó 1 em bị mờ cả 2 mắt, 1 em bị bỏng nặng ở hông và cánh tay phải. Ngoài các sự cố do các phương tiện giao thông gây nên, còn loại sự cố thường gặp nữa là do đốt nương rẫy, thả diều vướng vào dây dẫn gây sự cố.

Việc vi phạm HLATLĐ ảnh hưởng thế nào tới kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng thưa ông?

Những vụ sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp để lại những thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đời sống tinh thần và cả tính mạng của người dân. Về kinh tế xã hội làm tê liệt, gián đoạn hoạt động sản xuất của hầu hết các ngành nghề, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất… Nói chung là tất cả các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng. Đến nay, cũng chỉ thống kê sơ bộ về tổn thất điện năng còn thiệt hại về kinh tế của các ngành nghề chưa tính được.

Ông có thể cho biết những hành vi chủ yếu của việc xâm phạm HLATLĐ?

Việc vi phạm HLATLĐ rất đa dạng nhưng chủ yếu tập trung ở các hình thức như: phương tiện giao thông vận tải thủy, bộ vi phạm độ cao gây sự cố; đốt nương rẫy, đốt rừng, đốt mía; thả diều, đèn trời, các vật bay có gắn dây băng từ (băng video, catset); bắn chim đậu trên đường dây. Tất cả những hành vi trên đều cho thấy một thực tế là ý thức của một bộ phận người dân còn yếu kém đối với việc bảo vệ an toàn lưới điện.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của địa phương

Những cá nhân, đơn vị xâm phạm HLATLĐ cao áp bị xử phạt thế nào, các quy định hiện nay đã đủ sức răn đe chưa thưa ông?

Việc xâm phạm HLATLĐ cao áp hiện nay gần như không bị xử phạt, chỉ những vụ gây sự cố thì sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ. Trong việc bảo vệ HLATLĐ khi phát hiện có xâm phạm, EVN-NPT chỉ có thể yêu cầu dừng và lập biên bản, sau đó báo cáo cho chính quyền địa phương các cấp, sở công thương, phòng kinh tế… Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương các cấp, sở công thương, phòng kinh tế… xem xét, kiểm tra và ra quyết định xử phạt.

Hiện, việc xử phạt đang áp dụng Nghị định số 68/2010 ngày 15/06/2010 Quy định về sử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, tuy nhiên để thống kê, đánh giá quy định đã đủ sức răn đe thì cũng nên xem lại việc áp dụng đã thực hiện tốt chưa.

Biện pháp nào để ngăn chặn hành vi xâm phạm HLATLĐ cao áp?

Ngoài nỗ lực của EVN-NPT, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng các cấp tại địa phương. Điều 12 Nghị định 106 cũng quy định Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Tuy nhiên, giải quyết vi phạm HLATLĐ cao áp hiện đang là vấn đề nóng và nhạy cảm.

Với tình hình thực tế, EVN-NPT đã xác định rõ các định hướng để các Cty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 thực hiện là: Tăng cường công tác kiểm định kỳ ngày, kiểm tra định kỳ đêm, kiểm tra đột xuất và các công tác kiểm tra khác qua đó sớm phát hiện các vi phạm, nguy cơ vi phạm để kịp thời ngăn ngừa, xử lý theo quy định; chủ động kết hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền mang tính liên tục, hiệu quả trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các biện pháp tuyên truyền về HLATLĐ cao áp đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khuyến cáo, đề nghị tổ chức, cá nhân chuyển mục đích canh tác sang trồng cây ngắn ngày, độ cao thấp bên ngoài hành lang. Liên tục, kiên trì xử lý các hành vi phá hoại, vi phạm hành lang lưới điện cao áp.

Cảm ơn ông!

Tính đến 31/5/2013, EVN-NPT quản lý vận hành trên 16.591km đường dây (hơn 5 lần chiều dài đất nước), trong đó có 4.841 km đường dây 500kV và 11.750km đường dây 220kV, trải dài trên tất cả các tỉnh, thành phố, đi qua nhiều địa hình hiểm trở, đồi núi, sông ngòi.
 

PHONG CẦM
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG