Choáng ngợp trước các nghi lễ, trang phục cổ xưa, người ta thường bỏ qua các đồ vật có vẻ vô thưởng vô phạt mà người trong hoàng cung bê trên tay. Nhưng trong số đồ vật được bọc trong vải và giấu kín trong hộp có hai vật thiêng mà có lẽ bản thân tân vương cũng chưa từng nhìn thấy.
Nguồn gốc thần thánh
Hai hộp được đặt cạnh Nhật hoàng khi ông đăng quang, ngồi lên ngai vàng Hoa cúc. Người ta tin rằng, hai hộp đó chứa một thanh kiếm và một viên ngọc quý có từ ngàn xưa. Theo truyền thuyết, báu vật có từ thời tổ tiên của Nhật hoàng đầu tiên, Thiên hoàng Jimmu, người trị vì Nhật Bản gần 2.700 năm trước.
Cùng với chiếc gương bát giác huyền thoại (không xuất hiện trong lễ đăng quang 22/10), kiếm báu và ngọc quý tạo thành biểu chương hoàng gia Nhật Bản, được gọi là ba báu vật thiêng.
Nếu không có vương miện xuất hiện, ba vật thiêng này được coi là hiện thân mang tính biểu tượng của vai trò của Nhật hoàng. Tuy nhiên, tình trạng và sự xuất hiện của chúng vẫn nằm trong vòng bí ẩn, Mickey Adolphson, giáo sư Nhật Bản học công tác tại Đại học Cambridge (Anh), nói.
“Việc các báu vật này không xuất hiện là một phần quan trọng của chiến lược gia tăng sự huyền bí và quyền lực của chúng. Nếu ai cũng nhìn thấy thì chúng sẽ không còn giữ được sức mạnh nữa”, giáo sư Adolphson trao đổi với CNN.
“Dĩ nhiên, nhiều nhà sử học muốn phân tích cẩn thận hơn về các báu vật này nhưng hiện nay ở Nhật, người ta ít quan tâm việc giải mật chúng. Và tôi nghĩ rằng, trong tương lai gần, người ta sẽ không phi thần thoại hóa chúng”, ông nhận định.
Dù vị trí cất giữ ba vật thiêng được giấu kín, người ta tin rằng, thanh kiếm được đặt trong một ngôi đền ở thành phố Nagoya và tấm gương được đặt trong một ngôi đền ở thành phố Ise. Viên ngọc được cho là được cất giữ tại hoàng cung ở thủ đô Tokyo – nơi diễn ra lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito ngày 22/10.
Dù vậy, không có bằng chứng thực sự nào chứng tỏ sự có mặt của các vật thiêng tại lễ đăng quang, thậm chí sự tồn tại của chúng, theo Michael Cucek - phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple – cơ sở Nhật Bản. Hoàng gia Nhật Bản “cấm phân tích bất kỳ khía cạnh nào của các biểu hiện vật chất của cung đình”, ông Cucek giải thích.
“Chúng ta nhìn thấy các hộp đựng. Chúng ta thấy chúng được nhân viên Cơ quan Gia đình Hoàng gia bưng bê. Nhưng liệu có gì trong đó không? Không ai biết cả”, ông nói.
Các tài liệu lịch sử cổ xưa nhất có ghi nhận về ba báu vật thiêng là vào thời Trung cổ. Tuy nhiên, truyền thuyết về chúng bắt đầu sớm hơn nhiều.
Theo truyền thuyết, Amaterasu, nữ thần Mặt trời (một nhân vật rất quan trọng trong Thần đạo), truyền 3 vật thiêng cho cháu trai Ninigi từ trên trời xuống hạ giới để đem lại hòa bình cho Nhật Bản. Thanh kiếm, tấm gương và viên ngọc đại diện cho ba đặc điểm cần có để trị vì trên Trái đất. Đó là lòng dũng cảm, sự khôn ngoan và lòng nhân từ.
Ninigi được coi là tổ tiên của Nhật hoàng đầu tiên Jimmu – người trị vì từ năm 660 trước Công nguyên. Kể từ đó, các vật thiêng được truyền từ Nhật hoàng này sang Nhật hoàng khác và chúng chính thức được truyền cho Thái tử Naruhito sau khi cha của ông, Nhật hoàng Akihito, thoái vị hồi tháng 5/2019.
Một số nhà sử học cho rằng, chiếc gương thiêng nếu không bị phá hủy thì cũng bị hư hỏng trong một vụ cháy hồi thế kỷ 11. Đại đền thờ Ise hiện chỉ lưu giữ các mảnh vỡ của chiếc gương. Tương tự, viên ngọc và thanh kiếm có thể đã thất lạc trên biển trong một trận đánh hồi thế kỷ 12. Theo một số tài liệu, viên ngọc và thanh kiếm đã được trục vớt ở eo biển Kanmon.
Dấu ấn 3 vật thiêng thời hiện đại
Tuy nhiên, ngày nay, ba báu vật hoàng cung thường được coi là đồ trang trí hơn là tạo vật thần thánh. Một số chuyên gia còn cho rằng, chúng không được sản xuất ở Nhật Bản mà là hàng nhập khẩu. Theo ông Cucek, Nhật Bản thời kỳ thanh kiếm ra đời không có tài nguyên kim loại sắt hoặc đồng.
Trên chiếc bàn tại lễ đăng quang hôm 22/10 còn có hai ấn triện hoàng gia. Đó là Con dấu cơ mật có cụm từ “con dấu hoàng gia” và “hoàng đế” và Con dấu nhà nước có biểu tượng hoa cúc tượng trưng cho hoàng tộc. Khác ba báu vật thiêng, hai ấn triện này có tác dụng thực tế - trước đây được dùng để đóng vào các đạo luật, hiệp ước, văn kiện.
Ngày nay, cụm từ “ba báu vật thiêng” vẫn phổ biến trong văn hóa đại chúng, được dùng để miêu tả công nghệ mới thời hậu chiến – máy giặt, tủ lạnh và tivi, hoặc 5G, trí thông minh nhân tạo (AI) và độ phân giải 4K trong thời hiện đại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ đăng quang
Khoảng 7h sáng 22/10 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến sân bay quốc tế Narita, Tokyo, Nhật Bản, bắt đầu chuyến tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản Naruhito. Hơn 400 thượng khách là nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của hơn 190 quốc gia, khu vực, tổ chức quốc tế dự kiến tới Nhật Bản để tham dự buổi lễ diễn ra chiều 22/10. Đây là sự kiện trọng đại đối với Nhật Bản, đánh dấu sự bắt đầu của một thời đại mới – thời đại Lệnh Hòa.