Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đặt nhiều bàn tiếp sinh ngay tại sảnh chính. Phòng văn thư và tài vụ nằm ngay cạnh sảnh, khá thuận tiện trong việc nộp lệ phí và hồ sơ cho SV.
Đọc đi đọc lại tên các chuyên ngành trong phiếu đăng ký ngành học, bàn bạc suốt nửa tiếng mà hai bố con bạn Nguyễn Hoàng Sơn (Nghệ An) vẫn chưa biết nên đánh dấu vào ô nào nên quyết định ra xếp hàng tại bàn tư vấn.
Tương tự, bạn Diệu Linh đang phân vân đăng ký chuyên ngành học thì được thầy Lê Xuân An (Phó Phòng Công tác SV) tư vấn ngay:
“Nhiều em đăng ký ngành Kế toán theo “mốt” trong khi những ngành rất có tiềm năng như Quản lý Doanh nghiệp, Quản lý Nhân lực... lại ít được các em quan tâm. Trong những năm tới, các doanh nghiệp rất cần những nhà quản lý giỏi nên chắc chắn những chuyên ngành đó sẽ trở nên có giá.”
Thầy An cũng cho biết băn khoăn lớn nhất của đa số nhiều phụ huynh và tân SV là lựa chọn một ngành học phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu của xã hội nên nhà trường chủ động bố trí bàn tư vấn giúp tân SV.
Còn tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dù số lượng SV không quá nhiều, mỗi khoa chỉ khoảng vài chục em nhưng trường vẫn bố trí tới bốn giáo viên một khoa để tiếp sinh chu đáo và làm thủ tục nhanh gọn.
Tại trường ĐH Ngoại thương, theo đánh giá của nhiều phụ huynh và SV, việc đăng ký nhập học “tương đối mệt mỏi” do số lượng SV khá đông và chỉ có bảng chỉ dẫn mà không có giáo viên trực tiếp hướng dẫn quy trình làm thủ tục.
Nhiều tân SV “méo mặt”, phải về nhà lấy thêm tiền để đóng 200.000 tiền trang thiết bị vì khoản này không hề có trong danh sách các khoản lệ phí gửi kèm giấy báo nhập học.
Các tân SV của ĐH Kinh tế Quốc dân lại mệt mỏi vì phải khám sức khoẻ ngay trong ngày nhập học. Vì số lượng SV đông nên nhiều em phải ngồi chờ cả ngày mới đến lượt.
Trăn trở tân SV
Bước vào cổng trường ĐH với rất nhiều quyết tâm và dự định, các tân SV cũng chia sẻ nhiều trăn trở:
Hồng Nhung (Khoa Tiếng Anh, ĐHQG Hà Nội): “Em được biết năm nay ĐHQG bắt đầu chuyển sang đào tạo theo tín chỉ. Thực ra em chỉ biết là chúng em có thể lựa chọn môn học và rút ngắn thời gian học. Em rất mong nhà trường sẽ có một buổi giới thiệu và hướng dẫn cho chúng em hiểu rõ hơn về cách thức đào tạo này.”
Phạm Thanh Hằng (Khoa Tiếng Anh, ĐH Hà Nội): “Đầu năm, chúng em phải đóng 600.000 đồng phí sử dụng phầm mềm EDO nhưng em chưa hiểu phần mềm này dùng để làm gì và phải đạt đến trình độ tin học như thế nào mới có thể sử dụng được.”
Nguyễn Mai Phương (HV Quan hệ Quốc tế): “Trước khi vào ĐH, em đã được nhiều anh, chị “doạ” các môn như Triết, Chủ nghĩa xã hội khoa học... khó tiếp thu lắm. Vì vậy, em mong trường sẽ tổ chức các buổi giao lưu giữa các SV giỏi và tân SV để chúng em học hỏi kinh nghiệm học tập của các anh, chị.”
Dũng Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): “Em rất muốn được tham gia các hoạt động ngoại khóa và đội SV Tình nguyện nhưng chưa biết trường có những câu lạc bộ và đội hình tình nguyện nào.
Đặc biệt, em còn được biết trường có một tờ báo và một chương trình phát thanh nội bộ do SV trực tiếp thực hiện. Rất mong nhà trường có một buổi giới thiệu về các họat động ngoại khóa cho chúng em biết và đăng ký tham gia.”
Theo Lan Hương
VietnamNet