Tâm sự của nữ sinh từng vác guốc đánh bạn
> Trò 'xử' nhau đến chết, Bộ Giáo dục lên tiếng
> Đánh bạn, quay clip vì không được cho coi bài
“Tôi được 4 điểm toán mà mẹ mừng ra mặt, khen tôi có cố gắng. Mẹ nói con gái xinh, sành điệu thì phải học giỏi, hay ho gì mà đánh nhau” - Trần Thùy L. - một cựu “đầu gấu” lười học kể.
Tôi đã từng đánh nhau vì bất cứ lý do nào. Ảnh: minh họa |
Thuỳ L. là sinh viên ĐH Dân lập Thăng Long, Hà Nội, cô gái trẻ đã có những dòng tâm sự về thời học sinh sốc nổi và ngỗ ngược của mình.
"Nhìn tôi bây giờ, một cô sinh viên da trắng, môi hồng, tóc mượt, mặc váy trắng mềm, chẳng ai nghĩ rằng hồi học phổ thông, tôi là đầu gấu khét tiếng ở trường, đến con trai lẫn các lớp trên nghe tên đã sợ.
Lúc mới vào trường, tôi được nhắc đến như một hot girl xinh đẹp của khối 10 trên diễn đàn trường. Nhưng rất nhanh sau đó, danh tiếng đầu gấu đã lấn át. Một chị ma cũ học lớp 11 nhìn tôi vênh váo, tôi xông vào, cầm guốc gõ vào đầu chị ta, máu chảy nhiều, phải vào viện khâu 5 mũi. Cứ ai kiêu kỳ, nhìn đểu mình, hoặc ai váy áo điệu đà quá mức… là đã có lý do để đánh. Có các bạn đầu gấu cùng bè phái, tôi không sợ ai hết.
Việc đánh nhau này lên lớp 10 mẹ tôi mới biết, nhưng thực ra nó đã bắt đầu từ hồi tôi học lớp 6. Tôi có một nhóm bạn mới toàn đầu gấu, bố mẹ chúng cũng là dân giang hồ. Tôi ngưỡng mộ lắm.
Nhìn bọn chúng đầy sức mạnh, khiến người khác sợ hãi, khúm núm, chú ý vào mình. Tôi kết thân với nhóm này, nhuộm tóc đỏ, khuyên mũi, thích ăn mặc sành điệu và đánh nhau.
Nhìn tôi gõ đầu chị kia, máu chảy lai láng, bạn bè xúm quanh đông đỏ, mẹ tôi sốc nặng, choáng váng, khóc: “Sao con côn đồ thế, mẹ không thể ngờ được, có chuyện gì đã xảy ra với con?” - mẹ nói.
Mẹ sốc cũng phải, ở nhà tôi vẫn là đứa con ngoan, mẹ đi làm về còn dắt xe vào nhà cho mẹ, tối tối nấu cơm, khách đến nhà chào hỏi ân cần lễ phép. Mẹ tưởng rằng tôi chỉ có tật xấu là lười học, yêu sớm (tôi có bạn trai ngay khi vào lớp 10) thích mặc đồ hiệu, không ngờ bây giờ lại có thêm thành tích bất hảo này.
Từ lần đó, tháng nào tôi cũng đánh nhau, cả năm hai mẹ con phải tới nhà cô chủ nhiệm 9-10 lần. Đầu năm lớp 11, tôi bị đuổi học. Chuyện cũng đơn giản, chẳng có gì. Một bạn cùng lớp bảo tôi có đứa lớp 10 nói tôi săm soi nó. Tôi lên lớp em đó, vào tận chỗ nó ngồi, trèo lên bàn giật tóc, rút giày đập lia lịa vào đầu.
Cả nhà tôi căng như dây đàn, bố và anh chán không buồn nói. Mẹ nằm trên giường, im lặng, khóc lóc mấy hôm rồi chạy loạn lên tìm trường cho tôi học, cuối cùng cũng xin được vào một trường cấp 3 nổi tiếng vì chuyên thu nhận những học sinh đầu gấu, bị đuổi học.
Điều lạ lùng là mẹ nhanh chóng trở lại vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Ở trường, tôi toàn "nói chuyện" với bạn bằng tay chân, nhưng ở nhà lại thích tỷ tê với mẹ, vì mẹ hay hỏi han, lại lắng nghe tôi nói. Nếu không xả giận với mẹ, được mẹ phân tích thiệt hơn, thì có lẽ tôi đã bị đuổi học sớm hơn nữa. Mẹ động viên chuyện đã rồi, buồn không để làm gì, sang trường mới có biết con là ai đâu, hãy coi đây là cơ hội để con làm lại từ đầu. Mẹ nói con gái xinh, sành điệu thì phải học giỏi, hay ho gì mà đánh nhau.
Trước tôi chỉ lo ăn chơi, chả học hành gì, nhiều môn thi nộp giấy trắng, điểm tổng kết môn nào cũng lẹt đẹt 1,5-2 điểm nên bị mất gốc nhiều. Mẹ mời thêm gia sư về kèm cặp thêm. Mẹ nói, mẹ không cần con điểm cao, quan trọng là con thích và muốn học. Nếu con muốn, con sẽ học được.
Thời gian này, tôi bắt đầu thấy học giỏi thì thích hơn là đánh nhau, điều mà mẹ đã nói với tôi cả năm trời như nước đổ đầu vịt. Tôi bắt đầu chú ý nghe giảng, ghi chép bài, làm được một phần của bài kiểm tra. “Có nhiều môn, chỉ được 3-4 điểm mà mẹ đã khen tiến bộ rồi. Từ 3-4 đến 5 không xa đâu, con cố gắng là sẽ được”.
Sau này, tôi nhận ra rằng, dù điên đầu vì đứa con vừa học dốt vừa đánh nhau và yêu đương như tôi, mẹ không bao giờ so sánh tôi với người khác, mà ngược lại, luôn ghi nhận từng tiến bộ nhỏ của tôi.
Từ học sinh yếu, sang kỳ 2 lớp 11 ở trường mới tôi đã được học sinh trung bình, xếp thứ 15 trong lớp. Lần đầu tiên tôi nếm cảm giác sung sướng khi được điểm 10.
Về chuyện thi đại học, mẹ cũng không hề gây áp lực. Mẹ nói con thích thi đại học, đỗ được cũng tốt, không thì không sao. Quan trọng là con thành người, làm được việc con thích. Mẹ không cần con học cho ai khác, không phải học cho bố mẹ tự hào, đấy là học cho sĩ diện của người lớn chứ không phải cho chính con.
Mẹ nói vậy nhưng tôi quyết tâm lắm, thức thâu đêm suốt sáng để học, đến mức bố mẹ phải xin con đi ngủ đi, lỡ không có sức mà thi nữa. Kết quả của tôi chẳng bằng ai nhưng khiến mẹ tôi không thể tin nổi vào mắt mình.
Mẹ tôi từng nghĩ tôi không thể tốt nghiệp phổ thông, chẳng mơ gì đỗ đại học. Vậy mà cuối cùng một đứa tổng kết 1 phẩy toán ấy đã đạt 10 điểm toán tốt nghiệp, vượt qua kỳ thi này dễ dàng với số điểm hơn 40. Trong vòng hơn một năm, từ chỗ mất gốc “toàn tập”, việc tôi được 16 điểm đại học, vào một trường dân lập đã là một kỳ tích. Kể cả lúc chưa biết kết quả thi, nghĩ rằng có thể tôi trượt, mẹ vẫn làm liên hoan chúc mừng con gái.
“Được như thế này đã là thành tích lớn của con gái rồi. Bản thân sự nỗ lực, tiến bộ của con đã là một thành công” - tôi cứ nhớ mãi lời nói này của mẹ. Điều quan trọng không phải là tôi bằng bạn này, bạn kia, tôi giỏi giang để bố mẹ hãnh diện, mà chính là việc tôi nỗ lực để vượt lên chính bản thân mình đã là một điều đáng tự hào.
Theo Kiến Thức